Những người thầy đặc biệt ở Trung tâm cai nghiện tỉnh Phú Thọ

Từ ngày 1/3, Thượng úy Nguyễn Như Hải, bác sĩ của Bệnh xá Công an tỉnh Phú Thọ được điều động về Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ. Trước đó, công việc của anh là chăm sóc các bệnh nhân là cán bộ Công an; hiện được giao những 'bệnh nhân' đặc biệt là những người nghiện. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, anh đã nhanh chóng thích nghi với công việc.

Một ngày ở cơ sở cai nghiện ma túy

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ có hơn 200 học viên… Lúc chúng tôi đến là cuối giờ sáng, thầy và trò của cơ sở đang cần mẫn trên những vườn rau xanh…

“Giọt mồ hôi, công sức đổ xuống của thầy và trò sau hơn 2 tháng cần mẫn đã làm hồi sinh những mảnh đất nứt nẻ, khô cằn sỏi đá trước đây…” - Thượng tá Trần Hưng Long, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, phụ trách Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ nói với tôi, trong lúc đưa tôi thăm quan cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ.

Rồi anh chỉ vào những ụ đất cao ngang thắt lưng, cho biết: “Để cải tạo những mảnh đất hoang hóa, chúng tôi đã mua đất màu; tiến hành cải tạo đất bạc màu để tăng gia sản xuất, giúp cải thiện bữa ăn cho các học viên…”.

Một buổi lao động của học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ.

Một buổi lao động của học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ.

“Chào cán bộ ạ”, thấy chúng tôi, các học viên trong bộ đồng phục màu xanh cất tiếng chào. Rồi họ tranh thủ thu dọn đồ đạc về nghỉ ngơi… Rời khu vườn, điểm tiếp theo của chúng tôi là nơi ăn, ở và sinh hoạt của các học viên.

Trong những căn phòng rộng chừng 30 mét vuông, tất cả đều được sắp xếp sạch sẽ, gọn gàng; chăn màn cá nhân được gấp gọn, thẳng hàng; quần áo, giày dép để đúng nơi quy định. Bất ngờ tiếng kẻng vang lên, cắt ngang suy nghĩ của chúng tôi. Sau đó, từ các phòng, học viên xếp hàng rồi lần lượt di chuyển xuống bếp ăn ở phía đối diện. Một bàn khoảng 10 người, các suất cơm được chia đều vào từng khay, đảm bảo dinh dưỡng…

Đợi đến khi các học viên ăn trưa xong, chúng tôi mới bắt đầu câu chuyện với Thượng tá Trần Hưng Long và các cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ. Thượng tá Trần Hưng Long cho biết, ngay sau khi nhận nhiệm vụ công tác mới, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc và lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, 46 cán bộ nhận nhiệm vụ đã phối hợp với Cơ sở điều trị nghiện ma túy bắt tay ngay vào công việc, đảm bảo cơ sở đi vào hoạt động liên tục, không bị ngắt quãng kể từ ngày 1/3/2025.

Căn cứ quyết định của Bộ Công an, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ đã xây dựng quy trình cai nghiện cụ thể, phân công nhiệm vụ linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Sau khi hoàn thành các giai đoạn cắt cơn, giải độc và điều trị rối loạn tâm thần, học viên được chuyển sang giai đoạn giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách thông qua học tập đội ngũ và rèn luyện nội vụ…

Các học viên lao động học nghề kết hợp giáo dục theo quy định của Nhà nước. Đến nay, sau gần hai tháng rèn luyện, học viên có chuyển biến rõ rệt, tự giác, nghiêm túc trong học tập đội ngũ và tuân thủ nội quy.

Tâm huyết của những người thầy

Trước khi được phân công làm Trưởng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hà từng là Đội trưởng Đội kinh tế, ma túy Công an huyện Phù Ninh cũ. Vì thế, khi nhận nhiệm vụ mới, anh không khỏi lo âu, trăn trở.

Anh cho biết: “Công việc trước đây của tôi là điều tra tội phạm, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Với nhiệm vụ mới được phân công, công việc không chỉ đơn thuần làm quản lý, phòng ngừa vi phạm của các học viên mà còn phải nắm bắt được công tác tài chính; chăm sóc sức khỏe và tinh thần của các học viên…, nên tôi vừa làm, vừa học”.

Khi ấy, anh cùng cán bộ của Cơ sở cai nghiện tỉnh Phú Thọ đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư của các cán bộ trung tâm cai nghiện và một số học viên. Đồng thời, tỉ mỉ nghiên cứu các văn bản pháp luật lên quan đến công tác quản lý người nghiện. Sau nhiều lần khảo sát, anh và đồng đội nhận thấy mọi việc phải bắt đầu từ việc thay đổi nền nếp sinh hoạt của người nghiện. Từ đó, họ đã xây dựng một thời khóa biểu với quy trình chặt chẽ đảm bảo việc học tập, nghỉ ngơi của các học viên. Song song với đó là việc cải tạo lại hạ tầng của cơ sở cai nghiện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác.

“Các học viên khi vào cơ sở cai nghiện đều phải học nội quy, quy chế và điều lệnh nội vụ. Sau đó, được phân loại theo độ tuổi nhằm định hướng nghề nghiệp; từ đó bảo vệ chế độ và quyền lợi của học viên…”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hà cho biết.

Những ngày đầu, tâm lý của các học viên cũng có chút lo ngại. Họ lo sợ khi Công an quản lý thì các quy định sẽ chặt chẽ hơn. Một số trường hợp cai nghiện tự nguyện có ý định xin về nhà... Sau quá trình nắm bắt, hiểu được những suy nghĩ đó, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hà cùng cán bộ cơ sở cai nghiện ma túy đã gặp gỡ, tuyên truyền, động viên, chia sẻ để những người nghiện hiểu rằng, trên tinh thần cộng tác, giúp đỡ, chia sẻ, mỗi cán bộ Công an sẽ là người thầy; một bác sĩ tâm lý giúp họ đoạn tuyệt với ma túy…

Không chỉ bằng lời nói, với những việc làm cụ thể, thiết thực, chỉ trong thời gian ngắn, cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ đã chứng minh được điều đó. Đến nay, các học viên đã yên tâm cải tạo; trong đó 2 người đã hoàn thiện chương trình, trở về với gia đình và xã hội.

Thiếu tá Đỗ Trí Hùng, cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ cho biết, sau khi triển khai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy, đơn vị đã thực hiện việc tiếp nhận, sàng lọc, đánh giá, phân loại, xác định tình trạng nghiện; tổ chức thực hiện công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện, phối hợp tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, tạo việc làm; xây dựng quy định, quy trình, quy chế hoạt động cai nghiện cho học viên…

Anh tiếp lời, mỗi con người đang cai nghiện ở cơ sở là một mảnh đời với những hoàn cảnh không giống nhau. Có người lần đầu vào cơ sở nhưng cũng có trường hợp từng nhiều lần tái nghiện… Trong khi đó, công tác quản lý ở cơ sở cai nghiện không giống với môi trường của trại tạm giam hay trại giam. Ở đây, người nghiện là những người bệnh, nên nếu chỉ dùng các hình phạt và biện pháp cứng nhắc thì không có tác dụng...

“Gian nan nhất có lẽ là giai đoạn cắt cơn… Những ngày đầu vào cơ sở, học viên thường xuyên ngáp vặt, bồn chồn. Có trường hợp bị hội chứng sau cai buồn nôn, đau bụng, thậm chí bị tiêu chảy. Khi ấy, chúng tôi vừa phải cắt cơn, vừa phải chăm sóc sức khỏe đồng thời phải điều trị về tâm lý. Cá biệt, có một số trường hợp mang trong người căn bệnh thế kỷ”, Thượng úy Nguyễn Như Hải, cán bộ Cơ sở cai nghiện Phú Thọ cho biết.

Từ ngày 1/3, Thượng úy Nguyễn Như Hải, bác sĩ của Bệnh xá Công an tỉnh Phú Thọ được điều động về Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ. Trước đó, công việc của anh là chăm sóc các bệnh nhân là cán bộ Công an; hiện được giao những “bệnh nhân” đặc biệt là những người nghiện. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, anh đã nhanh chóng thích nghi với công việc.

Trong số đó, Thượng úy Nguyễn Như Hải ấn tượng nhất là trường hợp của học viên N.V.H. Trước đó, anh N.V.H đã nhiều lần cai nghiện nhưng rồi lại tái nghiện… Sau khi lực lượng Công an tiếp quản một thời gian, người đàn ông có tâm lý lo sợ, muốn từ bỏ việc cai nghiện. Khi ấy, cán bộ cơ sở cai nghiện đã gặp gỡ, động viên; chăm sóc sức khỏe. Từ sự gần gũi, quan tâm, chia sẻ, đến nay, học viên N.V.H đã yên tâm học tập và rèn luyện…

Đến nay, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã chủ động xây dựng phương án bảo vệ an ninh, an toàn cơ sở điều trị, bố trí đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác, thực hiện tuần tra canh gác, bảo vệ, đảm bảo không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Nhiệm vụ mới nhưng các cán bộ, chiến sĩ đã nhanh chóng tiếp cận công việc, học hỏi, hoàn thiện về chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhung-nguoi-thay-dac-biet-o-trung-tam-cai-nghien-tinh-phu-tho-i767482/