Những người thầy 'không giáo án'

Dịp 20/11 hàng năm, cả xã hội đều dành sự tôn vinh và tri ân đến những nhà giáo. Đó là một truyền thống tốt đẹp luôn được gìn giữ trong xã hội hôm nay. Trong thời khắc này, tôi lại chạnh lòng nhớ tới những 'người thầy đặc biệt', những người tuy chưa một lần nhận lương, chưa một ngày ở trong biên chế của ngành Giáo dục, song họ vẫn được rất nhiều người trìu mến gọi bằng 'thầy' xưng 'em'.

Nhạc công Đào Liên chơi đàn đã truyền cảm hứng âm nhạc cho biết bao thế hệ học trò.

Nhạc công Đào Liên chơi đàn đã truyền cảm hứng âm nhạc cho biết bao thế hệ học trò.

Ông Hoàng Minh Đường, ở phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình vẫn được những người yêu bộ môn bóng bàn, những học trò của ông gọi với tục danh "Đường gù". Nhưng ông Hoàng Minh Đường cũng không lấy làm buồn về điều đó. Với ông, danh xưng ấy có khi còn hơn cả một "thương hiệu".

Hầu hết những người chơi bóng bàn ở đất Ninh Bình đều phải thừa nhận ông Hoàng Minh Đường là người chơi bóng bàn giỏi. Cho dù về sau này do tuổi tác, lưng còng, ông không thể chơi bóng bàn đỉnh cao được nữa. Dù vậy ông vẫn là linh hồn của bóng bàn Ninh Bình.

Các tay vợt giỏi nhất của bóng bàn Ninh Bình ở thời điểm hiện tại đều từng bước ra từ lò đào tạo của ông "Đường gù". Sự đam mê vẫn không ngăn cản ông đến với bóng bàn, đến với các giải đấu. Hầu như chưa bao giờ người ta thấy ông vắng mặt tại một giải đấu nào.

Tên tuổi, uy tín, kinh nghiệm chơi bóng của ông Đường bất cứ ai cũng phải thừa nhận. Tôi còn nhớ như in lần dự đám cưới của con gái ông Đường. Đám cưới đông đúc với hàng trăm thực khác nhưng nhiều nhất vẫn là giới bóng bàn. Đám cưới nhà "thầy Đường" mà như một hội ngộ của giới bóng bàn cả nước, đông và vui vô cùng.

Ông Đường đã mất được mấy năm vì căn bệnh ung thư quái ác, nhưng tất cả những người đã từng chơi bóng cùng ông, từng được ông dạy chơi bóng đều nói về ông với một niềm kính trọng. Các tay vợt trìu mến gọi là "thầy Đường". Cho dù, thực tình ông Đường chưa một ngày đứng trên bục giảng. Thực chất ông Đường là một huấn luyện viên giỏi, người đã biết truyền ngọn lửa đam mê của mình tới các học trò.

Người thứ hai tôi muốn nói đến là ông Nguyễn Trọng Hùng, nghệ nhân sinh vật cảnh Quốc gia thuộc lớp đầu tiên của Ninh Bình. Ông Hùng giỏi uốn cây, sành sỏi về cây cảnh. Ông đặc biệt nổi danh bởi kỹ thuật "ký cây trên đá".

Giới chơi cây cảnh thường nói rằng: khó mà qua mặt được ông "Hùng gù" trong nghề cây. Lúc sinh thời, ông Hùng gù nổi tiếng quảng giao, rất nhiều các nghệ nhân, các nhà vườn, các đại gia cây cảnh khắp trong nam, ngoài bắc đều biết đến ông. Tên tuổi của ông trong giới cây cảnh có lẽ không mấy ai không biết.

Ông từng được mời tham gia giảng dạy nhiều lớp hướng dẫn các kỹ thuật cắt, ghép, tỉa cây, ký cây trên đá cho các nghệ nhân ở nhiều địa phương. Người viết bài này từng vô cùng ngạc nhiên bởi trong một lần cùng ông vào thăm một khu nhà vườn của một đại gia xứ Nghệ. Buổi tiệc giao lưu ấy có đủ mặt các "anh hùng hảo hán"trong giới sinh vật cảnh Nghệ An. Càng bất ngờ hơn bởi rất nhiều nghệ nhân đều cầm ly rượu tới trước mặt ông Hùng lễ phép chào ông bằng thầy.

Nguyên do là vì ông Nguyễn Trọng Hùng từng hướng dẫn họ ở các lớp dạy nghề do Hội Sinh vật cảnh tỉnh bạn mở. Ông Hùng đăng đàn nói chuyện về "nghệ thuật ký cây trên đá", một đặc sản của các nhà vườn Ninh Bình, cũng như kỹ thuật chăm sóc uốn tỉa cây sanh. Chất chơi của ông Hùng, lối nói như "gây mê" của nghệ nhân làng Cam Giá đã khiến giới chơi cây xứ Nghệ phục sát đất.

Từ đó ông Hùng đi đâu, những người từng học nghề ký cây đều gọi ông bằng thầy. Cho dù, nói cho cùng, ông Hùng chưa từng bao giờ là người thầy đúng nghĩa. Ông cũng không bao giờ nhận mình là thầy. Với ông, họ không phải học trò mà là những người bạn chơi.

Dù vậy, những người sành chơi trong nghề cây không ai không thừa nhận, ông Hùng gù chính là bậc thầy trong nghề cây cảnh. Và khi nhớ về ông, nhiều người vẫn yêu mến gọi ông bằng thầy, ngay cả khi ông đã mất.

Ông Đào Liên là nhạc công của Đoàn chèo Hà Nam Ninh (cũ) lại là một câu chuyên khác. Cả cuộc đời ông Liên gắn với âm nhạc. Tới lúc nghỉ hưu vào khoảng những năm 1990, về lại quê nhà An Hòa (Ninh Phong, thành phố Ninh Bình), nhớ nghề, ông lại mở các lớp dạy cổ nhạc. Học trò từ lớp học của nhạc sỹ Đào Liên có đến vài ba trăm người, đủ mọi lứa tuổi.

Có người học vì yêu thích âm nhạc truyền thống. Người đến học vài ngón Đàn Nguyệt đánh đàn cho các đám hát Văn kiếm sống. Có cả các cháu học sinh học để ôn thi vào nhạc viện, thi tuyển vào các đoàn nghệ thuật truyền thống. Có cả các cụ già đến "thọ giáo" về dạy lại cho các câu lạc bộ..

Ông Đào Liên với sở học của mình đã "truyền lửa" đam mê âm nhạc cho nhiều người. Cho dù ông Liên chưa bao giờ nhận mình là một thầy giáo, song những người đã thụ nghiệp từ nhạc sư làng An Hòa đều gọi ông bằng cái tên trìu mến "thầy Đào Liên".

Hằng năm, cứ vào ngày 20/11 vẫn có nhiều sinh viên Trường Sân khấu- Điện ảnh, Nhạc viện Hà Nội về thăm "thầy Liên". Với nhạc sư họ Đào, chuyện dạy nhạc, đơn giản như việc tập thể dục cho trí não, như một thú vui tuổi già.

Câu chuyện của ông Hoàng Minh Đường, Nguyễn Trọng Hùng, Đào Liên...có thể kể như "những người thầy không giáo án". Nhân ngày 20/11, khi cả nước tôn vinh và tri ân những người thầy, tôi chợt nhớ đến câu nói của một nhà lý luận về giáo dục, rằng: "Tấm bằng sư phạm chưa hẳn đã làm nên một nhà giáo, nhưng nhân cách sư phạm sẽ khiến người ta nhớ anh mãi mãi với tư cách một người thầy"!

Bài, ảnh: Phương Nam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhung-nguoi-thay-khong-giao-an-/d20211118085242570.htm