Những người thầy lặn lội đưa học sinh đến với con chữ
Với quyết tâm không để học trò bỏ học giữa chừng, các thầy giáo, cô giáo ở xã vùng sâu, vùng xa Ea R'bin (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) không quản khó khăn, đường sá xa xôi, đến tận nhà vận động các em và gia đình.
Đi ban ngày không gặp, các thầy cô đi vào ban đêm. Một lần chưa thành, họ kiên trì cho đến khi nào học sinh quay lại lớp mới thôi.
Gian nan đường đến trường
Những ngày cuối tháng 11, trong cái nắng cuối chiều se lạnh của mùa khô vùng cao nguyên, chúng tôi có dịp theo chân các thầy giáo, cô giáo Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin) đến nhà những em học sinh đã nghỉ học nhiều ngày. Thầy Y Thắng Rơ Yam, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Muốn gặp được phụ huynh, học sinh, chúng tôi phải đi vào buổi tối. Vì ban ngày họ lên rẫy, các em cũng đi theo người lớn nên rất khó gặp”. Địa điểm đầu tiên đoàn tới là nhà của hai anh em Trương Văn Đại và Trương Thị Dung, học sinh lớp 7A.
Đại và Dung vừa chuyển từ ngoài Bắc vào hồi đầu năm nên còn khá rụt rè, ít nói. Dung đi học chuyên cần nhưng Đại đã nghỉ học nhiều ngày mà không rõ lý do. Nhà hai em ở làng người Mông, nằm trên một quả đồi. Để đến được nhà các em, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy khoảng 7km, sau đó gửi xe, đi bộ qua bờ ruộng hơn 1km nữa. Khi đoàn đặt chân đến làng cũng là lúc hơn 20 nóc nhà nơi đây dần chìm vào bóng tối tĩnh lặng. Cô Phạm Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A cho biết, ngôi làng chưa có điện lưới quốc gia. Bà con chủ yếu lắp tấm pin năng lượng mặt trời để thắp sáng. Ngày nào trời nắng to, người dân mới có chút điện đủ thắp một chiếc bóng đèn trong vài giờ đồng hồ. Còn ngày trời âm u, nguồn điện chập chờn, nên hơn 18 giờ tối bà con đã đi ngủ.
Đường gập ghềnh, lổn nhổn toàn đá lại tối om, chúng tôi phải dùng ánh sáng của chiếc điện thoại để soi đường. Đi từ đầu đến cuối làng, hỏi thăm nhiều nhà chúng tôi mới tìm được nhà em Dung và Đại. Gặp anh trai Trương Văn Cẩu, các thầy cô mới biết phụ huynh của mấy anh em đã về quê được một tuần. Người anh nói, biết chuyện Đại bỏ học nhiều ngày, đã khuyên em đến trường nhưng Đại không nghe, gặng hỏi lý do thì em nói đường đến trường xa, đi bộ mỏi chân nên không muốn đi học nữa. Cả nhà có một chiếc xe đạp để Dung và Đại đi học. Quãng đường từ nhà đến trường dài hơn 8km. Vào mùa mưa, đường nhão nhoẹt, trơn trượt, nhiều đoạn người đi xe máy hay xe đạp chỉ còn cách dắt bộ.
Biết được lý do học sinh nghỉ học, cô Phạm Thị Hồng không giấu được những giọt nước mắt, động viên mấy anh em và chuyển lời đến phụ huynh các em mong gia đình quan tâm nhiều hơn đến chuyện học hành của các con. Về phía nhà trường, cô Hồng nói sẽ cố gắng tìm nguồn hỗ trợ cho Đại một chiếc xe đạp, để đường đến trường của em bớt gian nan. Thầy Y Thắng còn “tỉ tê”: “Bản thân thầy từng nhút nhát. Tuy nhiên, thầy đã cố gắng giao tiếp với bạn bè và mở lòng chia sẻ với thầy cô để mọi người hiểu mình hơn. Các em cứ mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình, nếu có khó khăn gì cứ nói, các thầy cô sẽ tìm cách giúp đỡ. Thầy khuyên không nên bỏ học giữa chừng bởi các em còn nhỏ, còn cả tương lai phía trước. Chỉ có con chữ mới giúp các em thoát nghèo”. Sau khi nghe thầy cô phân tích, Đại vui vẻ hứa sẽ tiếp tục đến trường.
Rời nhà Dung và Đại, chúng tôi đến gia đình em Y Khuyết H’long (buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin), học sinh lớp 6B Trường THCS Trần Quốc Toản. Y Khuyết vắng học 5 tuần nay, giáo viên chủ nhiệm đã nhiều lần tìm gặp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của em và phụ huynh, vận động em đi học trở lại. Chị H Plôn H’long, mẹ em Y Khuyết, chia sẻ: “Cháu nghỉ học nhiều tuần nay rồi. Chúng tôi khuyên bảo đủ kiểu nhưng con không nghe. Con nói không muốn đi học nữa. Chúng tôi cũng không bắt con nghỉ học để phụ việc gia đình”. Thầy Y Thắng khuyên chị H Plôn nên trò chuyện cùng con nhiều hơn, bởi Y Khuyết còn nhỏ, chưa hiểu những thiệt thòi về sau nếu em rời bỏ con chữ quá sớm. Thầy dẫn chứng muốn học nghề hay đi làm công nhân ở các khu công nghiệp thì ít nhất các em phải có bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Hiện Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ học nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. “Đời mình đã vất vả thì phải cố gắng cho con học để sau này biết tính toán làm ăn. Nếu không, các em lại luẩn quẩn trong cái vòng nghèo đói thì khổ lắm!”, thầy Y Thắng tâm sự.
Không để học trò vì khó khăn phải nghỉ học
Chúng tôi chia tay gia đình em Y Khuyết H’long khi đồng hồ đã chỉ gần 21 giờ. Thầy Y Thắng nói ngày mai sẽ tiếp tục vào buôn khác để vận động một em học sinh cũng đã nghỉ học nhiều ngày. Những cơn gió lạnh cứ tạt vào mặt, vào người nhưng vẫn không ngăn được những giọt mồ hôi trên khuôn mặt các thầy cô giáo. Khi chúng tôi hỏi: “Các thầy, các cô đi nhiều thế này có thấy mệt mỏi không?”. Thầy Y Thắng cười và đáp: “Mình không sợ mệt, chỉ mong lời khuyên chân thành của mình đủ lay động, giúp các em hồi tâm chuyển ý, quay lại trường. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người giáo viên là được dạy học”.
Thầy Y Thắng là người đã gắn bó với ngôi trường Trần Quốc Toản hơn 18 năm. Chừng ấy thời gian đủ để thầy thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của các học trò nghèo và cả nỗi gian truân, vất vả của nghề cầm phấn. Theo thầy, công việc dạy học tại xã Ea R’bin khó khăn nhất là duy trì sĩ số lớp. Nhiều em học sinh đang đi học nhưng bỏ dở hoặc thường xuyên vắng học mà không có lý do, giáo viên của trường đã đến từng thôn, buôn để gặp từng nhà vận động học sinh trở lại trường. Thời điểm cà phê vào vụ thu hoạch thì có nhiều em nghỉ học theo bố mẹ lên rẫy. Cũng có nhiều em lợi dụng sự bận rộn của bố mẹ mà trốn học đi chơi. Có nhiều trường hợp thầy cô tới tận nhà vận động nhưng các em vẫn không quay lại lớp, nhà trường lại đến thường xuyên hơn, cùng phối hợp với chính quyền địa phương, người có uy tín tại buôn, làng để làm công tác tư tưởng cho các em và phụ huynh. “Ban ngày không gặp được gia đình, chúng tôi đi vào ban đêm. Đi một lần chưa được, chúng tôi kiên trì cho đến khi nào các em quay lại trường mới thôi”, thầy Y Thắng quả quyết.
Ngược dòng thời gian, thầy Y Thắng chia sẻ, lý do chọn nghề giáo viên xuất phát từ mong muốn đem con chữ đến với học trò vùng sâu, vùng xa. Bản thân thầy đã chứng kiến những người bạn cùng trang lứa từng khát khao được học nhưng không thể vì gia đình quá nghèo. Vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, thầy tình nguyện về Trường THCS Trần Quốc Toản cách thị trấn Liên Sơn, trung tâm huyện Lắk hơn 50km. Trong ký ức của thầy, xã Ea R’bin thuở ấy hoang vu, nghèo khó, thiếu thốn đủ bề. Đã có lúc thầy nản chí nhưng khi nhìn những đứa trẻ chân trần, bụng đói đến trường học con chữ với sự hồn nhiên và thích thú đã tiếp sức để thầy tiếp tục bám trường, bám lớp. Sau giờ tan học, thầy Y Thắng thường dành thời gian đến các buôn, làng, tìm hiểu về cuộc sống của các em học sinh. Với những trường hợp có nguy cơ nghỉ học, thầy lại cùng đồng nghiệp kiên trì vận động.
Nhiều thế hệ học trò của thầy đã trưởng thành, có người trở thành đồng nghiệp, cùng thầy gắn bó với mái trường THCS Trần Quốc Toản, như thầy Lữ Tuấn Anh Kiệt, giáo viên dạy môn Âm nhạc. Trong mắt thầy Kiệt, thầy Y Thắng là người rất gần gũi, chân tình, hết mực yêu thương và quan tâm đến học trò. Chính nhờ sự động viên, khích lệ của thầy Y Thắng mà thầy Kiệt đã vượt qua hoàn cảnh của gia đình, trở thành giáo viên, tiếp nối sự nghiệp giáo dục ở xã nghèo Ea R’bin.
Cũng xuất phát từ tình yêu thương học trò, không muốn các em vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học, nhiều năm qua, cô Phạm Thị Hồng đã đứng ra kết nối, giúp đỡ nhiều học sinh, từ sách vở, xe đạp đến học bổng... Dẫn chúng tôi tới thăm một gia đình người Mông có 6 con, cô Hồng cho biết, gia đình này có em Vừ Thị Sanh đang học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Lắk. Em là học sinh đầu tiên ở làng người Mông được đi học cấp 3. Kể về hành trình đến trường của cô bé Vừ Thị Sanh, cô Hồng tâm sự: “Gia đình khó khăn nên mẹ Sanh thường bảo các con nghỉ học để phụ việc gia đình. Nhiều lần thấy em tủi khóc, tôi không đành lòng nên đã đến nhà vận động gia đình xóa bỏ định kiến “con gái học hết lớp 9, còn lại lo làm ăn rồi lấy chồng”, tạo điều kiện cho em đi học vì Sanh muốn học cao để làm ngành y. Sau nhiều lần tôi thuyết phục, mẹ em đã đồng ý cho Sanh tiếp tục đến trường”. Được biết, cô Hồng đã tổ chức vận động, kết nối được nhiều nhà hảo tâm tặng học bổng tiếp sức cho em Sanh. Khi em lên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh học, cô Hồng vẫn luôn dõi theo, bởi khi gia đình có việc, mẹ Sanh lại gọi em về. Mỗi lần như thế, cô lại lặn lội vào tận nhà để nói chuyện vì mẹ em không có điện thoại.
Nhìn hoàn cảnh của học trò, cô giáo Phạm Thị Hồng lại thấy hình ảnh mình ngày trước. Gia đình cô cũng rất khó khăn, bố mẹ phải làm lụng vất vả mới lo được cho cô ăn học. Từ nhỏ, cô Hồng đã mơ ước làm giáo viên. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên, lận đận trong chuyện tìm việc, cô làm nhiều nghề để mưu sinh và nuôi hy vọng được đứng lớp. Năm 2017, cô có cơ duyên đến với Trường THCS Trần Quốc Toản và gắn bó từ đó đến nay. Dù đồng lương khiêm tốn và điều kiện còn nhiều khó khăn, cô Hồng vẫn hạnh phúc với lựa chọn của mình đó là mang con chữ đến với những học sinh nghèo vùng cao nguyên.