Những người thầy vẫn học: Những người thầy gieo chữ trong 'vùng' nghịch cảnh (bài cuối)
Theo sự giới thiệu của các thầy cô ở Phòng Giáo dục - Đào tạo Q12, chúng tôi tìm đến Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Ninh (Q12) vào một buổi tối giữa tháng 11/2023 khi ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) đang đến gần. Bên trong một phòng học rộng rãi, thoáng mát, tiện nghi, lớp học tình thương đặc biệt đang diễn ra với sự tham gia dạy và học của 31 em học sinh và 2 cựu giáo viên. Các cô đang dạy phổ cập giáo dục cho các em bằng tất cả tâm huyết và tình yêu thương vô bờ bến dành cho những phận đời cơ nhỡ, bất hạnh...
Lớp học "3 trong 1"
ân tượng đầu tiên của chúng tôi với lớp học tình thương vô cùng đặc biệt này là 2 cô giáo luống tuổi đang tận tâm truyền đạt từng con chữ, phép tính cho các em học sinh thuộc 3 khối lớp khác nhau gồm: lớp 1, lớp 2 và lớp 4...
Cô Phan Thị Bạch Mai (giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung, Q12, phụ trách lớp học tình thương P.Trung Mỹ Tây, Q12) cho biết: "Các em học sinh của lớp ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ 6 - 14, 15 tuổi. Hầu hết các em đều là dân nhập cư, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, rất đáng thương như: bị ba mẹ bỏ rơi hay trẻ mồ côi sống với ông bà, hoặc ba mẹ ly dị, sống với mẹ đơn thân hoặc sống cùng mẹ và bố dượng, gia đình có đông anh em nên cuộc sống cơ cực, phải bán vé số phụ giúp gia đình. Thậm chí có em bị người cha bạo hành, theo mẹ bỏ quê lên TPHCM thuê nhà trọ sống tạm bợ qua ngày. Điển hình như em Đặng Diệu Hiền (SN 2011, quê ở H.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), hiện sống cùng bà nội và bác ruột tại một căn phòng trọ gần trường học. Ban ngày em đi bán vé số để kiếm tiền phụ giúp nội, tối đến em tới trường học chữ với mơ ước sau này được làm bác sĩ để khám bệnh cho bà nội và những người có hoàn cảnh khó khăn. Để phụ giúp mẹ nuôi 4 anh, chị, em, hằng ngày em Nguyễn Trần Bảo Ngọc (ngụ P11, Q3, tạm trú X.Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn) cùng mẹ và các anh, chị, em phải vất vã đi bán vé số kiếm sống, tối về đến lớp học tình thương...
Không chịu nỗi cảnh bị người cha hay nhậu nhẹt, la mắng, đánh đập, ba anh em Danh Bảo Sang (SN 2012), Danh Ngọc Giàu (SN 2015) và Danh Văn Quý (SN 2016) theo mẹ rời bỏ quê hương Sóc Trăng lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Đáng thương nhất là trường hợp em Lương Vĩnh Khang theo mẹ và chị đi bán vé số, rồi bị kẻ gian lừa lấy hết vé số, đến nỗi không còn tiền để đóng tiền phòng trọ, bị chủ nhà trọ siết đồ rồi đuổi cả 3 mẹ con ra đường sống vất vưỡng. "Nghe Khang trình bày hoàn cảnh đáng thương, tôi và các Mạnh thường quân đã giúp đỡ tiền để cho gia đình em được ổn định cuộc sống, đồng thời chúng tôi còn tặng tập, sách, quần áo đồng phục để Khang an tâm tiếp tục việc học, làm nền tảng cho tương lai mai sau" cô Mai xúc động chia sẻ.
Nói về lớp học đặc biệt của mình, cô Mai kể: "Do không đủ giáo viên đứng lớp nên gần 20 năm nay, tôi và cô Nguyễn Trường Phúc (78 tuổi, cựu giáo viên tiểu học ở Q12 đã nghỉ hưu) cùng chung sức, chung lòng đem hết tâm huyết, tình yêu nghề ra để giảng dạy cho các em. Tôi đảm nhận việc dạy cho các em lớp 1 và 2, còn cô Phúc thì dạy các em khối lớp 4".
Vừa cho các em khối lớp 2 làm bài tập toán xong, cô Mai quay sang dạy Tiếng Việt cho các em khối lớp 1. Còn khối lớp 4, do đối tượng học sinh đặc thù lớn tuổi, không thể theo học được những lớp học bình thường nên cô Phúc phải bỏ công sức quan tâm, rèn luyện, giúp đỡ các em nhiều hơn. Tận mắt chứng kiến cảnh thầy tận tình dạy học, còn trò thì chăm học, chịu khó lắng nghe và khả năng tiếp thu, tư duy tốt, chúng tôi thật sự xúc động...
Gắn bó lâu năm với sự nghiệp "phổ cập giáo dục"
hơn 23 năm gắn bó với công tác phổ cập giáo dục, cô Nguyễn Trường Phúc tâm sự: "Tôi bắt đầu tham gia công tác phổ cập giáo dục từ năm 2.000, khi chưa nghỉ hưu. Từ năm 2015, sau khi chồng tôi qua đời vì bệnh tật, việc đi lại dạy học phổ cập của tôi phải cậy nhờ cô Mai giúp đỡ. Do nhà chúng tôi ở gần nhau, nên chiều nào (từ thứ Hai đến thứ Sáu) cô ấy cũng đều chạy xe qua nhà chở tôi đến lớp dạy học. Tuổi cao, lại mắc bệnh tiểu đường nên đôi khi tôi bị kiệt sức không thể nói lớn tiếng được. Lúc ấy, tôi chỉ biết nhỏ giọng nói với các em hãy nên chịu khó nghe cô giảng bài. Thấy tôi hết lòng, các em cũng rất hiểu chuyện nên trong giờ học, các em tập trung nghe giảng bài và tiếp thu rất tốt. Đặc biệt, các em rất ham học và học rất giỏi".
18 năm tham gia dạy phổ cập giáo dục cho các em mồ côi, cơ nhỡ, cô Mai tự thấy mình giống như người chị, người mẹ của các em học sinh đáng thương. Đối với cô, đây như là cái "nghiệp" nên không thể từ bỏ. Không thể làm ngơ trước những hoàn cảnh khó khăn, tội nghiệp, từ nhiều năm nay, cô và các Mạnh thường quân đã tự nguyện góp tiền để giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với các em, đồng thời trao tặng tập sách, viết, thước, đồng phục, thậm chí còn tặng xe đạp - phương tiện giúp các em đi học mỗi ngày. Cô Mai phấn khởi cho biết: "11 em học sinh của lớp vừa được UBND P.Trung Mỹ Tây, Q12 trao tặng thẻ Bảo hiểm y tế. Chúng tôi đang làm danh sách xin UBND phường tặng thêm thẻ Bảo hiểm y tế cho 13 em nữa. Trong thời gian qua, không chỉ có các Mạnh thường quân, mà Công an Q12 và Công an P.Trung Mỹ Tây cũng rất quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, giúp các em yên tâm theo đuổi việc học, khiến chúng tôi vô cùng cảm kích".
Tạm chia tay lớp học tình thương vô cùng đặc biệt này với vô vàn cảm xúc, hình ảnh đọng lại về những khuôn mặt hồn nhiên, trong sáng và nét chữ mượt mà, chân thật mở ra trong tôi bao điều tin tưởng, lạc quan về một ngày mai tươi sáng. Đặc biệt là hình ảnh hai cô giáo - những người đưa đò thầm lặng đã viết nên câu chuyện sống động về một ngày mai tươi sáng không xa của những đứa học trò một thời đã được hai cô quan tâm, giúp đỡ, thương yêu và hết lòng dạy dỗ bằng cái tâm, cái tình của một người chị, người mẹ...