Những người 'thổi hồn' vào cây kiểng
Xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, từ lâu đã nổi tiếng là thủ phủ của làng mai nu với cây kiểng chủ lực là mai nu chiếu thủy - một loại kiểng cổ vừa mang lại giá trị kinh tế vừa có ý nghĩa về mặt văn hóa.
Từ làng mai nu này đã xuất hiện nhiều nghệ nhân tâm huyết, góp phần đưa danh tiếng mai nu chiếu thủy Thạnh Nhựt vươn xa. Không những vậy, nhiều gia đình trở nên khấm khá và gầy dựng nên cơ nghiệp cũng nhờ cây kiểng cổ này.
30 NĂM GẮN BÓ VỚI KIỂNG CỔ MAI NU CHIẾU THỦY
Đó là nghệ nhân Lê Văn Tươi, ngụ ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt. Với niềm đam mê cây kiểng, ông Tươi đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo ra nhiều tác phẩm kiểng cổ, góp phần tạo nên “thương hiệu” cho làng mai nu xã Thạnh Nhựt.
Chia sẻ với chúng tội, ông Tươi cho biết, nghề trồng cây kiểng cổ mai nu chiếu thủy được cha ông để lại. Ông bắt đầu chơi kiểng khi mới 20 tuổi. Ban đầu, do điều kiện kinh tế chưa cho phép sưu tầm những cây kiểng đẹp, nên ông Tươi đi xin những nhánh mai nu chiếu thủy da có nhiều u nần, hình giống mặt khỉ về trồng và tập uốn, tạo hình.
Sau đó, được các chú, các bác trong nghề mai nu hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng, cùng với sự sáng tạo, dần dần ông Tươi tích lũy được nhiều kinh nghiệm tạo hình và phát triển vườn mai nu chiếu thủy của mình ngày một nhiều lên. Đến nay, vườn nhà ông có 120 gốc mai nu chiếu thủy, giá trị mỗi gốc từ vài chục triệu đồng trở lên.

Ông Tươi chăm sóc vườn mai nu chiếu thủy của gia đình.
Theo ông Tươi, việc tạo hình cho một cây kiểng luôn mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc. Chẳng hạn như Bộ kiểng nu Tam cang (quân thần cang, phu thê cang, phụ tử cang), Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) hay Tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), Tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh)… Hoặc như ở Bộ kiểng Tam cang, Ngũ thường dáng thế đẹp phải có dáng tổng thể của cây ở trong một tam giác cân, thể hiện sự ngay ngắn, vững bền của gia đình; thân, gốc to, ngọn nhỏ ngụ ý trụ cột gia đình vững chắc, gương mẫu…
Có thể nói, qua bàn tay sáng tạo của ông Tươi, nhiều cây mai nu chiếu thủy như được thổi hồn vào và giá trị được nâng lên gấp nhiều lần. Hằng ngày, ông dành hầu hết thời gian cho niềm đam mê của mình, chăm sóc vườn cây.
Ông Tươi cho biết thêm, vùng đất Thạnh Nhựt được thiên nhiên ưu ái, đất đai thổ nhưỡng phù hợp để trồng mai nu chiếu thủy, cũng là cây mai nu nhưng trồng ở nơi khác thì không cho nhiều u sần sùi giá trị như vùng đất Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt. Do đó, ông đã tận dụng lợi thể, không ngừng nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều tác phẩm kiểng cổ, góp phần tạo nên “thương hiệu” cho làng nghề kiểng cổ mai nu Thạnh Nhựt hôm nay.

Nhiều gốc mai nu chiếu thủy của ông Tươi cho giá trị kinh tế cao.
Nói về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mai nu chiếu thủy, ông Tươi đúc kết, để có được vườn mai nu chiếu thủy đẹp thì người trồng phải có đam mê, yêu thích với loại cây này, phải hiểu được giá trị, ý nghĩa của loại cây mai nu chiếu thủy, từ đó tạo hình, tạo dáng, chăm sóc cây theo hướng thuận tự nhiên. Loài cây này ưa phân dê, xơ dừa, tro trấu ủ mục, hạn chế phân hóa học, cần duy trì chế độ nước tưới mát tạo độ ẩm hằng ngày cho vườn mai nu. Ngoài ra, cũng lưu ý phòng trị các loại sâu bệnh, người trồng cần thường xuyên bón thêm đất giàu dinh dưỡng, cắt tỉa chồi cây, tược cây để mai nu chiếu thủy phát triển đồng đều…
Ông Tươi hiện là hội viên Hội Sinh vật cảnh xã Thạnh Nhựt. Ông luôn tích cực tham gia các phong trào hoạt động hội và tận tình hướng dẫn kinh nghiệm trồng, chăm sóc mai nu chiếu thủy giúp cho nhiều hội viên, hộ dân trong xã trồng loại cây này trở nên khá giả.
Với thâm niên 30 năm gắn bó với cây mai nu chiếu thủy, nghệ nhân lão thành Lê Văn Tươi đã tạo nên nhiều tác phẩm kiểng cổ mai nu chiếu thủy giá trị, góp phần khẳng định thương hiệu “Mai nu chiếu thủy Gò Công” nói chung và xã Thạnh Nhựt nói riêng.
NÂNG TẦM GIÁ TRỊ MAI NU CHIẾU THỦY
Cũng với niềm đam mê cây kiểng, anh Lê Tấn Kiểu (55 tuổi), ngụ tại ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt cũng mài mò nghiên cứu, học hỏi, phát triển nghề trồng cây kiểng và đưa mai nu chiếu thủy đạt chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần khẳng định thương hiệu, tạo tiếng vang cho làng mai nu Thạnh Nhựt.

Anh Kiểu chăm sóc vườn mai nu chiếu thủy.
Anh Kiểu cho biết, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về địa phương, anh bắt đầu tìm tòi theo nghề sửa kiểng của các chú, các bác trong xóm, ấp. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi và khéo tay, anh Kiểu nhanh chóng học được cách trồng, uốn, sửa, tạo hình mai nu chiếu thủy và bắt đầu buôn bán, kinh doanh cây kiểng, trong đó chủ yếu là mai nu chiếu thủy.
Bên cạnh đó, để phong phú các loại kiểng, anh Kiểu đi khắp nơi sưu tầm các gốc mai nu chiếu thủy đẹp, có giá trị kinh tế để tạo hình nuôi cây theo các thế kiểng cổ truyền thống. Trong năm 2024, anh Kiểu đã xuất bán 2 lô mai nu chiếu thủy sang thị trường Indonesia mang về nguồn thu nhập lớn từ cây mai nu chiếu thủy.
Hiện vườn mai nu của anh Kiểu có trên 200 cây mai nu chiếu thủy thành hình, có giá trị kinh tế cao. Từ khi cây mai nu chiếu thủy được công nhận là sản phẩm sở hữu trí tuệ của vùng đất Gò Công thì càng thu hút nhiều người đến tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng cây mai nu chiếu thủy. Nhờ mát tay, cặp kiểng cổ mai nu nào qua đôi bàn tay của anh Kiểu tạo hình, chăm sóc đều trở nên xanh tươi, thế cây khỏe, nu sần sùi nhiều, cây đẹp và rất có giá trị. Anh Kiểu được bạn bè các nơi trong và ngoài tỉnh Tiền Giang biết đến, tìm đến tận nhà để học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trồng, chăm sóc kiểng cổ mai nu chiếu thủy và kỹ thuật tạo hình bonsai.

Bên cạnh đó, anh Kiểu còn được mọi người quý mến bởi tính hiền lành và hết lòng giúp đỡ mọi người. Khu vườn mai nhà anh cũng là địa điểm sinh hoạt của Chi hội Sinh vật cảnh ấp Thạnh Lạc Đông với hơn 70 thành viên do anh Kiểu làm chủ nhiệm. Hằng tháng định kỳ chi hội đều sinh hoạt giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm về cây kiểng, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.
Có thể nói, nghệ nhân Lê Văn Tươi và anh Lê Tấn Kiểu là những người đã dành gần trọn cuộc đời để gắn bó với nghề, góp phần phát triển kinh tế gia đình, khẳng định thương hiệu và đưa mai nu chiếu thủy xuất khẩu sang nước ngoài. Họ là những người đã "thổi hồn" vào cây kiểng, làm rạng danh làng nghề truyền thống...