Những người trẻ giàu nghị lực - Kỳ 3: Cô gái xương thủy tinh thắp niềm tin cho người khuyết tật
Sinh năm 1983, trong một gia đình đông anh em và có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội, Thu Thương không may mắc phải căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ.
“Mỗi lần nhìn mẹ làm việc trong đêm, mình thường tưởng tượng sau này bố mẹ già đi, nhà em sẽ có 3 người già: Bố mẹ và mình. Khi bố mẹ ốm, nếu mình không có công chăm sóc thì phải có bổn phận đóng góp. Chỉ cần biếu bố mẹ dù một bát cháo để phụng dưỡng thôi, cũng sẽ thấy hạnh phúc rồi. Còn xa hơn là bố mẹ không còn nữa, mình ở giữa cuộc sống này không còn tự chủ được trong tài chính thì không biết sẽ thế nào. Nên mình quyết định đi học nghề. Phải cố gắng thì mới có tương lai”, đó là tâm sự của Nguyễn Thị Thu Thương, cô gái xương thủy tinh, nặng chưa đầy 18kg và cao chỉ 80cm.
Vươn lên bằng niềm tin và nghị lực
Sinh năm 1983, trong một gia đình đông anh em và có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội, Thu Thương không may mắc phải căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ. Chỉ cần bất kỳ một va chạm mạnh nào là Thương cũng có thể bị gãy xương, phải mất từ 2-3 tháng sau mới tự liền lại được. Thế nên khi đến tuổi đi học, Thương không được đến trường như các bạn bè cùng trang lứa. Thương con, bà Nguyễn Thị Việt đã giảm bớt công việc đồng áng của mình lại để dành thời gian dạy chữ cho con. Do có tư chất thông minh nên Thương ham học và học rất nhanh.
Những khi thấy mẹ hì hụi đan khăn và mũ len, Thương thường nằm dưới gầm khung thêu quan sát và tò mò muốn khám phá. Sau một tuần cố gắng luyện tập với từng mũi kim đan nhiều lần đâm vào tay đến chảy máu, Thương đã có thể đan thành thạo.
Rồi một lần tình cờ xem được chương trình “Người tốt việc tốt” trên đài truyền hình, biết có một câu lạc bộ dành cho người khuyết tật mang tên “Vì ngày mai” do cô Lê Minh Hiền - một người khuyết tật lập ra, Thương đã quyết định xin bố mẹ cho đi học nghề. Bố mẹ lo lắng cho sức khỏe của chị nên không đồng ý. Song trước quyết tâm và mong mỏi tha thiết, cuối cùng bố mẹ chị cũng chấp nhận gác lại một số công việc của mình để đưa con đến trung tâm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, Thương đều có mặt ở lớp dạy nghề, được mẹ bế trên tay ngồi trong lớp học và bố chị thì kiên trì ngồi đợi bên ngoài từ sáng cho đến trưa để đưa hai mẹ con về.
Lý do Thương quyết tâm học nghề đơn giản chỉ là: “Hình ảnh mẹ của mình cặm cụi đạp máy khâu đến tận khuya để nhận được từ 2 đến 3 nghìn đồng cho mỗi lần sửa một chiếc quần, chiếc áo của khách hàng mà vẫn nuôi được 4 người con, và không để Thương thiếu thốn thứ gì đã thôi thúc chị cần phải làm một điều gì đó có ích, cần biết tự nuôi sống bản thân”.
Chỉ sau hơn 3 tháng học nghề, Thương đã có thể tự làm được sản phẩm đầu tiên là những chiếc giỏ kết bằng khuy áo. Rồi từ đó, sự sáng tạo của Thương được thể hiện khi em nghĩ đến việc tạo ra cho mình một chiếc đèn bàn bằng khuy áo. “Lúc ấy mình thấy hạnh phúc vô cùng. Mình đã làm say mê đến nỗi đêm giao thừa, mẹ còn phải bảo cất đi để mẹ còn cúng giao thừa”, Thương nói với niềm hoan hỷ.
Trái tim yêu thương dành tặng cộng đồng
“Đã có rất nhiều người mua ủng hộ các sản phẩm mình làm ra, nên mình làm không kịp. Biết còn nhiều người có hoàn cảnh như mình, dù cơ thể của họ khuyết tật nhưng tâm hồn của họ không khuyết tật, và họ muốn phấn đấu có một cuộc sống tốt hơn. Mình đã bắt đầu mở một lớp dạy học cho nghề nhỏ. Sau 2 tháng, các bạn về quê làm và gửi sản phẩm cho mình. Mình sẽ bán và trả lương cho các bạn”, Thương chia sẻ.
Tháng 10-2008, với sự giúp đỡ của các bạn tình nguyện viên, một website mang tên thuongthuong.net đã ra đời. Đây không chỉ là nơi để giới thiệu và bán các sản phẩm mang nhãn hiệu Thương Thương Handmade mà còn là nơi hỗ trợ bán hàng cho các sản phẩm khác của các bạn khuyết tật từ khắp nơi ký gửi. Website cũng trở thành là nhịp cầu nhân ái giữa những nhà hảo tâm với những hoàn cảnh khó khăn và thiếu may mắn, giữa các cá nhân khuyết tật với các doanh nghiệp cần tuyển dụng người khuyết tật thích hợp.
“Mình rất thương những người làm đồ thủ công bởi họ nghèo, mất rất nhiều thời gian mới xong một sản phẩm. Người bình thường làm đã lâu rồi, người khuyết tật như mình lại càng lâu hơn. Để làm được một chiếc đèn bàn, Thương sẽ cần đến khoảng 600 chiếc cúc áo và 7 ngày làm việc, và thời gian để đan xong một chiếc khăn len phải mất 4 ngày. Chính vì vậy, mình luôn ấp ủ thời gian sẽ cho mình một cơ hội, sẽ mở được một xưởng sản xuất của riêng mình và có nhiều người bạn khuyết tật ở bên”, Thương trải lòng.
Và năm 2018, ước mơ có một xưởng sản xuất đồ thủ công của Thu Thương chính thức trở thành hiện thực, trở thành mái ấm cho nhiều người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo. Đây chính là tiền đề để sau đó Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương được thành lập.
Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương là mái nhà thứ hai để những hoàn cảnh đặc biệt từ những vùng quê khác nhau tới làm việc và sinh sống. Mỗi người một hoàn cảnh, một tình trạng sức khỏe bệnh tật, khiếm khuyết khác nhau nhưng đều cảm nhận được may mắn và hạnh phúc khi được sống và làm việc, chia sẻ cùng nhau. Những sự động viên, khích lệ thường xuyên của chị Thương cũng giúp mọi người nhìn cuộc sống đẹp và tích cực hơn.
Để bán được sản phẩm, Thu Thương không ngừng rèn luyện, trau dồi kiến thức, cập nhật công nghệ. Các sản phẩm mang thương hiệu Thương Thương Handmade bước đầu cũng đã nhận được một số đơn hàng từ New Zealand, Ấn Độ…
Bên cạnh đó, Thương thường xuyên tổ chức chương trình hát gây quỹ cho người bệnh trên phố đi bộ Hà Nội. “Nhìn thấy những người mắc bệnh, mình thương lắm. Thương hay nghĩ, mình có tiền thì mình chẳng chữa được bệnh, nhưng họ có tiền, họ sẽ chữa được bệnh. Tại sao mình lại không giúp họ? May mắn là chương trình hát gây quỹ từ thiện được nhiều người ủng hộ, mỗi tối nhận được tới 7 triệu đồng. Mình đã gửi tặng cho các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Huyết học Trung ương”, chị Thương nói.
Có duyên gặp gỡ, đồng hành với Thu Thương trong một số chương trình thiện nguyện từ năm 2008, điều làm tôi khâm phục chị không chỉ bởi nghị lực, dám mơ ước và biến mơ ước ấy thành hiện thực bằng đam mê cùng tình yêu thương, mà còn bởi cách trò chuyện lạc quan, những nụ cười luôn nở trên môi, đúng như câu hát “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” trong một ca khúc mà Thương rất thích hát.