Những người trẻ và hành trình bảo tồn họa tiết trang trí gỗ vùng Nam Bộ
Nhóm ba sinh viên tài năng Lê Thanh Tú, Dương Hồ Vũ và Huỳnh Gia Mẩn (trường ĐH Xây dựng Miền Tây) đã xuất sắc giành giải Nhất tại giải thưởng Euréka 2025, lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật với dự án 'Nghiên cứu tổng hợp họa tiết trang trí gỗ khu vực trung lưu dòng Mekong tại Đồng bằng Sông Cửu Long'.
Tâm huyết từ tình yêu quê hương
Sinh ra và lớn lên tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, cả ba thành viên trong nhóm đều gắn bó sâu sắc với quê hương – nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của chương trình “nông thôn mới” đang dần thay đổi diện mạo kiến trúc truyền thống. Những căn nhà gỗ với họa tiết chạm khắc tinh xảo dần bị thay thế bởi các công trình bê tông kiên cố, làm phai nhạt bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng.
Nhóm nhận thấy rằng, các họa tiết trang trí gỗ trong nhà ở truyền thống không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn phản ánh cá tính, tín ngưỡng và lối sống của người dân Nam Bộ. Những căn nhà xưa – biểu tượng của nghệ thuật chạm khắc tinh xảo đang xuống cấp nhanh chóng do không được bảo tồn đúng cách.
“Mỗi hoa văn, họa tiết là một câu chuyện lịch sử. Việc lưu giữ những giá trị nghệ thuật này là điều cần thiết trước khi chúng biến mất hoàn toàn. Với động lực này, chúng mình đã quyết tâm thực hiện dự án nhằm tổng hợp, số hóa, và bảo tồn các họa tiết trang trí gỗ thông qua một bộ catalog, quyển tô màu Họa mộc và ứng dụng công nghệ mã QR. Đây không chỉ là cách lưu giữ mà còn là phương tiện giáo dục và khơi dậy nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống”, Hồ Vũ chia sẻ về lý do thực hiện dự án.
Những giá trị đặc trưng của họa tiết trang trí gỗ Nam Bộ
Theo Gia Mẩn, các họa tiết trang trí gỗ vùng trung lưu dòng Mekong mang giá trị văn hóa sâu sắc, phản ánh đời sống, tín ngưỡng và nghệ thuật của người dân địa phương. Những hoa văn thường thấy như hoa sen, ao cá, chim muông, cây cối không chỉ thể hiện mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên mà còn mang ý nghĩa cầu bình an, thịnh vượng.
Tín ngưỡng nội sinh như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài và tập tục thờ Ông Thiên cũng được thể hiện rõ nét qua các họa tiết chạm khắc trên bàn thờ, cột nhà hay các thanh ngang trang trí. “Đặc biệt, gia đình của Thanh Tú – một tín đồ đạo Hòa Hảo hơn 70 năm đã cung cấp nhiều thông tin giá trị về cách họa tiết được lựa chọn và sử dụng theo tín ngưỡng”, Gia Mẩn nói.
Không chỉ có giá trị thẩm mỹ, các họa tiết còn minh chứng cho tay nghề tài hoa của nghệ nhân. Những ngôi nhà cổ tại Vĩnh Long hay Tiền Giang với kỹ thuật chạm khắc cầu kỳ là minh họa sống động cho sự sáng tạo của những người thợ tài hoa từ thời kỳ khẩn hoang.
Cũng theo Gia Mẩn, dự án “Nghiên cứu tổng hợp họa tiết trang trí gỗ khu vực trung lưu dòng Mekong tại Đồng bằng Sông Cửu Long" đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống khu vực trung lưu dòng Mekong. Thứ nhất, nó giúp ghi nhận và lưu giữ những họa tiết trang trí gỗ mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, vốn đang dần mai một do quá trình hiện đại hóa và bê tông hóa. Những họa tiết này không chỉ là di sản vật thể mà còn là biểu tượng của lối sống, tín ngưỡng và sáng tạo nghệ thuật của cư dân địa phương.
Thông qua các công cụ như quyển tô màu Họa mộc và việc số hóa bằng mã QR, dự án không chỉ bảo tồn mà còn đưa di sản tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ. Điều này giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, về giá trị văn hóa truyền thống và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
“Dự án tạo cũng đã tạo tiền đề để các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực được phát huy trong đời sống đương đại. Nó không chỉ gìn giữ di sản mà còn mở ra cơ hội tích hợp những giá trị này vào giáo dục, du lịch, và các hoạt động sáng tạo, góp phần duy trì sự đa dạng và sức sống của văn hóa vùng Nam Bộ trong thời hiện đại”, Gia Mẩn chia sẻ.
Thách thức và những kỷ niệm đáng nhớ
Để thực hiện dự án, nhóm đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để tập trung nghiên cứu và thu thập dữ liệu tại bốn tỉn: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. Các khu vực đặc trưng với kiến trúc truyền thống và văn hóa gắn liền với đời sống sông nước.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm sinh viên của trường ĐH Xây dựng Miền Tây phải đối mặt với nhiều khó khăn. Một số gia đình không đồng ý cho nhóm vào nhà nghiên cứu vì tâm lý cảnh giác, khiến tiến độ khảo sát chậm lại. Ngoài ra, việc phân loại các họa tiết theo phong cách và ý nghĩa gặp nhiều thách thức do sự giao thoa giữa tín ngưỡng và nghệ thuật, hay nhiều mẫu họa tiết đã bị hư hỏng hoặc thay thế do thời gian, khí hậu và quá trình hiện đại hóa. Dù vậy, nhóm vẫn nỗ lực chụp ảnh, ghi chép và số hóa các mẫu nhằm lưu giữ và phát huy giá trị di sản này.
Để lưu trữ và tái hiện các họa tiết này, nhóm còn sử dụng các phương pháp như: Xử lý hình ảnh, mô hình màu RGB và số hóa họa tiết bằng mã vạch QR Code (trong đó, tất cả các họa tiết trang trí gỗ được số hóa toàn diện và lưu trữ dưới dạng mã vạch QR Code, đảm bảo tính chính xác và thuận tiện trong việc quản lý và tra cứu dữ liệu).