Những người 'truyền lửa' phong trào hội phụ nữ ở cơ sở
Không lương, không chế độ đãi ngộ, làm việc bất kể thời gian… song các chi hội trưởng chi hội phụ nữ ở cơ sở vẫn gắn bó, miệt mài làm cầu nối đưa các phong trào, cuộc vận động, nhiệm vụ trọng tâm của hội đến với hội viên, phụ nữ.
Với suy nghĩ giúp được gì cho cộng đồng cũng đều đáng giá, 17 năm qua, bà Nguyễn Thị Lan (ở ấp Nam Hà 3, xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) gắn bó với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nam Hà 3.
Bám cơ sở, sâu sát với hội viên
Bà Lan cho biết, năm 1997, bà rời tỉnh Bình Thuận vào Đồng Nai lập nghiệp và lựa chọn xã Xuân Bảo làm quê hương thứ 2. Từ nơi xa đến lập nghiệp, không họ hàng thân thiết nên từ khi sinh sống ở ấp Nam Hà 3, bà Lan tích cực tham gia hoạt động tại địa phương, trong đó có hoạt động của chi hội phụ nữ với mong muốn “mua thêm được láng giềng gần”.
Thấy bà Lan năng nổ, nhiệt tình, năm 2007, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã vận động bà làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nam Hà 3. 17 năm làm Chi hội trưởng, bà có không ít kỷ niệm, trong đó bà nhớ nhất là kỷ niệm những ngày đầu làm Chi hội trưởng.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh LÊ THỊ THÁI nhấn mạnh, tổ chức hội phụ nữ cơ sở có vững mạnh hay không phụ thuộc phần lớn vào vai trò của cán bộ chi hội.
Bà Lan kể, thời đó, những con đường trong ấp đều là đường đất, mùa mưa thì sình lầy, điện đường không có. Ban ngày ai cũng đi làm nên muốn tiếp cận được với hội viên chỉ còn cách đi vào buổi tối. Tối đến, không quản ngại trời mưa gió, bà đi ủng, đội mũ, mặc áo mưa, cầm đèn đi đến từng nhà hội viên để lấy thông tin, nắm bắt từng hoàn cảnh.
Vừa tròn 52 tuổi, bà Nguyễn Thị Nga (ở ấp 4, xã Đắk Lua, huyện Tân Phú) đã có 18 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4. Bà Nga cho biết, từ năm 24 tuổi, bà đã được chị em phụ nữ ấp 4 tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng. Gắn bó với công tác của chi hội được khoảng 10 năm, bà xin nghỉ để giải quyết việc gia đình. Duyên nợ với công tác hội và Phong trào Phụ nữ chưa dứt nên cách đây 8 năm, bà Nga đã trở lại làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4.
Là Chi hội trưởng, bà thường xuyên gần gũi tìm hiểu đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em phụ nữ. Theo bà Nga, hội viên, phụ nữ ở xã Đắk Lua đa số làm nông nghiệp. Chị em mong muốn có thêm việc làm những lúc nông nhàn để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Trong các hội nghị, đối thoại với cấp trên, bà Nga đã mạnh dạn đề xuất tâm tư, nguyện vọng của chị em nhưng địa bàn xã Đắk Lua xa trung tâm huyện nên để đáp ứng được nhu cầu của chị em rất khó.
Khu phố 4A, phường Tân Hòa (thành phố Biên Hòa) có đông đồng bào tôn giáo, đa số hội viên, phụ nữ là người có đạo. 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4A, khó khăn mà bà Trịnh Thị Thanh Xuân gặp phải là việc tập hợp hội viên tham gia các hoạt động. Để hóa giải khó khăn này, bà Xuân tiếp xúc để hiểu hoàn cảnh của từng hội viên. Với những hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn hoặc có con học đại học, bà kết nối để mọi người được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội. Từ những việc làm này, bà đã dần chiếm được cảm tình của chị em, việc triển khai các hoạt động hội vì thế cũng dễ dàng hơn.
Đóng góp cho công tác ở địa phương
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thái cho biết, toàn tỉnh hiện có 937 chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp, khu phố. Đây là lực lượng gần gũi với hội viên, phụ nữ ở cơ sở, có nhiều đóng góp trong việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua, cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm của hội đến với hội viên, phụ nữ.
Bên cạnh việc gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Cẩm Đường, xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) Vũ Thị Xuân đã vận động hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thông qua các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường; trồng cây xanh, hoa, cỏ đậu dọc các tuyến đường; hiến đất… Bản thân bà Xuân còn duy trì được các hoạt động chăm lo cho hội viên, phụ nữ, trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, bà đã vận động kinh phí trao tặng học bổng, cặp, quà cho học sinh vào đầu năm học mới; nhận đỡ đầu 2 trẻ mồ côi; tặng quà cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn dịp lễ, Tết…
Xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) hiện đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là kết quả từ sự chung tay góp sức của các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, trong đó có hội viên, phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 2, xã Bình Lợi, cho biết để hội viên, phụ nữ đồng thuận, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, cá nhân bà đã tuyên truyền để hội viên, phụ nữ trong chi hội hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; những việc chị em cần phải làm để đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, bà vận động hội viên phụ nữ tham gia các mô hình an sinh xã hội như: Nuôi heo đất, Hũ gạo tình thương, 2 trong 1 (vận động 2 hội viên, phụ nữ khá giúp đỡ một hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn)… Đồng thời, triển khai cho hội viên tham gia thực hiện mô hình Sáng - xanh - sạch - đẹp, Ngôi nhà xanh - phân loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng góp phần phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.