Những người 'vác tù và hàng tổng'
Họ đều là những con người áo vải đời thường, vì nghĩa khí 'hiệp sĩ' chảy trong huyết quản mà lao ra đường không quản khó khăn, nguy hiểm làm những việc 'bao đồng'. Hoàn thành nhiệm vụ, họ thanh thản trở về nhà, chưa bao giờ nghĩ đến một ngày được trả ơn.
20 năm đón giao thừa ngoài đường
Từ bao năm nay, cái tên Lê Kim Chung đã không còn xa lạ gì với người dân TP Hồ Chí Minh. Luôn tất bật, hối hả, chỉn chu trong bộ đồ nâu gụ của người bảo vệ dân phố, bà Chung tận tụy góp một phần nhỏ bé của mình vào bình yên trong từng ngôi nhà, ngõ hẻm, khu phố.
Mỗi ngày, bà Chung dậy thật sớm, đều đặn có mặt ở chốt bảo vệ dân phố tổ 70 đường Vạn Kiếp (khu phố 6, P.3, Q. Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh) bảo vệ trật tự cũng như nhắc nhở bà con bán buôn không lấn chiếm lòng lề đường. Dân khu phố kính nể và có phần “kiêng dè” bởi cách làm việc rất nguyên tắc, quyết liệt của bà trong việc giải quyết các vấn đề gây rối trật tự hoặc xảy ra cãi vã, xô xát, đánh nhau.
Bà Kim Chung được xem là một hình mẫu bảo vệ dân phố, giúp sức đắc lực cho cảnh sát khu vực cũng như lực lượng công an cơ sở. Nhiều năm, địa bàn bà làm bảo vệ dân phố không còn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, bọn trộm cắp, các đối tượng buôn bán, tàng trữ, sử dụng đều nằm trong tầm ngắm của bà. Một ngày đẹp trời, chúng bất ngờ khi thấy công an ập vào tóm gọn. Riêng các “con nghiện” đều được bà cảm hóa tuyệt đối bằng tấm lòng của một người mẹ. Không hề ngạc nhiên khi những người sau khi tái hòa nhập cộng đồng đều tìm đến bà Chung cảm ơn hoặc nhờ sự tư vấn chỉ dạy.
Với người bảo vệ dân phố này, hơn 20 năm qua, bà chỉ đón giao thừa ngoài đường. Năm nay, bà Chung được UBND P. 13 (Q. Bình Thạnh) chưng dụng vào Tổ phòng, chống dịch bệnh của phường. Sau khi dự lớp tập huấn về, bà Chung lại tiếp tục đi đến từng nhà dặn dò bà con và khuyến khích người dân có trách nhiệm chung để cùng tổ dân phố làm tốt công tác phòng dịch. Công việc nhiều hơn, bà ở ngoài đường là chính để nắm bắt tình hình, phát hiện người lạ, có dấu hiệu khả nghi thì thông báo cho lực lượng chức năng biết. “Phòng, chống dịch cũng như phòng, chống tội phạm, mình phải làm tốt từ gốc rễ, không bỏ qua bất cứ một dấu hiệu khả nghi nào. Tôi ở đây đã 20 năm, nhà nào đến, đi có bao nhiêu người, hoàn cảnh ra sao, ngay cả tính cách, sở thích của họ tôi đều nắm rõ. Vì thế, chỉ cần có một người lạ từ nơi khác tới là tôi biết liền”, bà Kim Chung chia sẻ.
Những ngày trước tết, bà Chung đi từng ngõ, gõ từng nhà trong tổ dân phố 70 do bà làm tổ trưởng tuyên truyền bà con cảnh giác cao độ với dịch bệnh. Bà còn tự tay may những chiếc khẩu trang thật đẹp, chật chắc mang tặng người dân. Bà cho biết: “Đó là cách tuyên truyền thuyết phục và hiệu quả nhất. Mình nói và mình làm bằng cả tấm lòng thì ai chẳng nghe”.
Những tuyên truyền của bà Kim Chung luôn được dân tin tưởng và nghe theo. Tháng 12-2020 vừa qua, một người dân trong tổ nhặt được chiếc ví bên trong có tiền bạc, thẻ ngân hàng, giấy tờ. Họ liền mang tới chốt bảo vệ dân phố giao cho bà Kim Chung. Nhận được của rơi, bà Chung thấy trên giấy tờ ghi địa chỉ ở P.22 (Q. Bình Thạnh), bà lập tức bắt xe ôm tìm tới tận nhà trả lại cho người đánh rơi. Họ vô cùng cảm động.
Không chỉ “vác tù và” ở Q. Bình Thạnh, bà Kim Chung còn “thổi tù và” tận P. Thới An (Q. 12). Với vai trò là Chủ nhiệm CLB Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội của phường kiêm Đội phó Đội cán sự quản lý những người sau cai, bà Chung gần như phải “phân thân” để làm việc.
Mỗi khi xong nhiệm vụ ở tổ dân phố 70, bà Chung bắt xe hơn 10 cây số về P. Thới An tiếp tục làm nhiệm vụ “hàng tổng”. Nhiều lần bà có ý định chuyển về Q. 12 sinh sống nhưng đều không thể đi được vì người dân ở Q. Bình Thạnh không cho đi. Họ đã viết đơn đồng loạt muốn bà ở lại. Họ bảo mỗi ngày đi chợ mà không thấy bà ở chốt là như thiếu vắng một điều gì đó rất thân thuộc.
Góp một chút công sức nhỏ bé cho mùa xuân yên vui
Cũng hơn 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Ra (60 tuổi) là một “biểu tượng bắt cướp” ở khu vực P. Linh Chiểu (Q. Thủ Đức, nay là Tp. Thủ Đức). Ông Ra hành nghề xe ôm từ những năm 2000; thời đó, dân ngụ cư từ tỉnh lẻ ồ ạt đổ về, công ăn việc làm bất ổn, sinh ra trộm cướp. Vì cuộc sống, ông Ra chỉ lo làm việc kiếm tiền nuôi hai con nhỏ. Thế sự bên ngoài, ông mặc nhiên xem đó không phải việc của mình.
Nhưng mỗi ngày đứng đường, chạy xe, tiếp xúc nhiều người, chứng kiến những cảnh cướp bóc ngay trước mắt, ông Ra không còn bình tâm nữa. Lòng ông sôi lên, thế là ông lao ra đường bắt cướp. Lần đầu tiên vào năm 2004, trước mặt ông Ra là quán cháo vịt. Hôm ấy, có hai cô gái dựng xe vào quán, theo sau là hai thanh niên mắt láo liên ngó trước dòm sau. Ông Ra quan sát, đoán ngay đó là hai tên trộm nhưng ông cứ chờ xem chúng sẽ làm gì.
Hai tên thấy vắng người liền rút đồ nghề ra, chúng đang ra sức bật khóa thì từ phía sau ông Ra xông vào kẹp cổ quật tên trộm ngã quay đơ ra đường. Vừa khống chế, ông vừa la “cướp, cướp”, tên còn lại đang ngồi trên xe nghe thấy liền nổ máy rồ ga bỏ chạy. Ông cùng người dân tóm được một tên giao cho công an xử lý.
Sự việc xong, ông Ra quay trở về tiếp tục hành nghề xe ôm mà không mảy may suy nghĩ đến việc nghĩa hiệp mà mình vừa làm. Ông bảo, chuyện thường tình, có gì đâu mà để bụng.
Thời sau sau, ông Ra tiếp tục bắt thêm vài vụ nữa. Sau đó, Công an phường Linh Chiểu đã tổ chức một khóa huấn luyện cấp tốc cho ông Ra về nghiệp vụ để ông có thể tự tin, khôn khéo bắt cướp, cũng là hỗ trợ, giúp đỡ công an đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Tuy nhiên, bắt cướp như ông Ra chủ yếu là bất ngờ, bộc phát rất nhanh nên nhiều khi ông quên luôn nghiệp vụ mà làm theo bản năng của mình. Ông Ra vẫn nhớ mãi, vào khoảng năm 2005, có một cặp nam nữ chuyên hành nghề ăn cướp. Ông đã rất nhiều lần nhìn thấy, nhưng hành vi của chúng quá nhanh, việc tẩu thoát cũng chuyên nghiệp nên ông bị vuột mất. 3 năm sau, ông tiếp tục đụng độ với cặp đôi. Lần này, chúng sà vào cửa hàng bán quần áo vơ một ôm rồi tẩu thoát.
Ông ra đeo bám phát hiện liền đuổi theo. Được một đoạn thì “giáp lá cà”, ông nói chúng: “Thôi chạy gì nữa đầu hàng đi, không là to chuyện đó”. Chúng không những chẳng sợ mà còn rút bơm kim tiêm dính đầy máu chĩa vào người ông tấn công. Máu nóng trong người nổi lên, ông Ra không còn nghĩ đến sự nguy hiểm nữa, ông lao thẳng xe vào đối tượng. Lần đó, ông không bị “tiêm” nhưng cũng thương tật, sây sát khắp mình mẩy.
Lần bị thương nặng nhất vào năm 2015 khiến ông suýt nữa trở thánh phế nhân. Buổi trưa ngày 14-6-2015, ông Ra đang chờ khách đi trên đường Hoàng Diệu 2 (phường Linh Chiểu) bỗng nghe người phụ nữ hô hoán “cướp, cướp”.
Nhìn ra đường, ông Ra thấy nam thanh niên chạy xe máy với tốc độ rất cao, nhìn vào xe thấy không có ổ khóa, ông Ra đoán chắc đây là cướp nên lập tức đuổi theo. Chạy đến khu vực gần chợ Thủ Đức, ông Ra đuổi kịp tên cướp. Khi ông Ra đang chuẩn bị áp sát thì có 2 thanh niên khác đi xe phân khối lớn từ phía sau lao tới cản đường nhằm giúp đồng bọn tẩu thoát. Ông Ra lách ra được và tiếp tục truy đuổi. Cuộc rượt đuổi kéo dài nhiều cây số, khi đến đoạn giao nhau với đường Hoàng Diệu - Kha Vạn Cân, ông Ra bất ngờ bị 2 tên đạp thật mạnh vào xe khiến ông văng xuống đường. Các đối tượng nhanh chóng tăng ga tẩu thoát. Lần ấy, ông bị gãy 5 xương sườn, gãy xương vai và xương đòn, bị khó thở, tràn khí màng phổi.
Sau lần đó, ông Ra phải nghỉ ngơi, điều trị, dưỡng bệnh suốt 2 năm. Vợ con khuyên ông hãy dừng bắt cướp, vì tuổi đã cao, sức đã yếu, lại mang trong mình thương tật chưa lành lặn. Ông Ra tuyên bố: “Thà nhốt tôi trong nhà, chứ một khi đã ra ngoài đường là tôi phải bắt cướp. Tôi không thể đứng yên khi nhìn thấy người ta bị nạn”.
Với bảng thành tích bắt cướp lẫy lừng, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Ra đã được nhận nhiều bằng khen của các cấp chính quyền và công an từ phường, quận cho tới thành phố. Đặc biệt, trong năm 2016, ông đã được vinh danh trong chương trình “Gương sáng phố phường” do Báo Công an TP Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM phối hợp tổ chức.
Hơn 20 năm làm “hiệp sĩ” đường phố, ông Ra không thể nhớ hết đã bắt bao nhiêu vụ cướp giật ngoài đường. Ăn cơm nhà, đi làm chuyện bao đồng, ông Ra chưa bao giờ cảm thấy buồn lòng khi chưa có một nạn nhân nào tìm tới cảm ơn ông. Ông chỉ biết rằng, làm được như thế thì lòng ông thanh thản, vui tươi, không phải hối tiếc, ân hận điều gì.
Bây giờ chạy xe ôm truyền thống như ông Ra còn rất ít “đất” để dụng võ. Có ngày, ông dắt xe ra đường, ngồi cả ngày không có lấy một khách. Ông khoe với chúng tôi, cách đây chục ngày, ông vừa bắt hai tên cướp trên đường Tô Vĩnh Diện.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-nguoi-vac-tu-va-hang-tong-631578/