Những người vận hành 2 cây cầu đặc biệt ở Đà Nẵng
Được mệnh danh là thành phố của những cây cầu, Đà Nẵng ngày càng trở nên lộng lẫy hơn bởi sự tô điểm của những cây cầu bên sông Hàn thơ mộng.
Có lẽ với người Đà Nẵng, hình ảnh rồng phun lửa vào những ngày cuối tuần không còn quá xa lạ, nhưng với du khách thập phương ai cũng muốn tận mắt chiêm ngưỡng khi đến đây.
Cầu Rồng đã trở thành một điểm “check-in” đặc biệt, nhất là các bạn trẻ. Với dáng uốn lượn trên mặt nước đầu hướng ra biển Đông, ngay từ khi có ý tưởng, những người thiết kế cầu Rồng đã kỳ vọng đô thị Đà Nẵng sẽ vươn mình ra thế giới, những ánh lửa phụt ra thể hiện sức mạnh.
Hàng ngày, để đảm bảo an toàn cầu Rồng, các kỹ sư phải giám sát hệ thống quan trắc bao gồm 79 cảm biến theo dõi “sức khỏe” của cây cầu dài 666 m, kết cấu nhịp vòm thép độc đáo với hình dáng một con rồng dài 568 m, nặng lên đến gần 9.000 tấn. Từ đó, các kỹ sư sẽ phân tích, đánh giá khả năng làm việc thực tế của cầu để có phương án duy tu, bảo dưỡng phù hợp, kịp thời.
Chiều thứ 6 hàng tuần, các kỹ sư Xí nghiệp Quản lý cầu đường Đà Nẵng đều “khám sức khỏe" rồng để đảm bảo việc phun lửa, phun nước phục vụ du khách cuối tuần hay các dịp lễ, tết. Với họ, được nhìn thấy những cây cầu hiền hòa nối nhịp đôi bờ đông tây “khỏe mạnh”, tỏa sáng lung linh mỗi khi đêm về là niềm vui và hạnh phúc để tiếp tục công việc của mình.
Anh Hoàng Ngọc Thiện - kỹ sư vận hành, cho biết anh làm công việc này đã 9 năm nên giờ cứ xem ngày lễ, tết giống như ngày thường.
"Hồi mới nhận công việc, lúc leo lên đầu cầu Rồng cũng sợ lắm vì nhìn vậy chứ lúc leo lên rất là cao. Phải leo tới hơn chục lần mới đỡ sợ. Rồi đến dịp tết, trong khi mọi người du xuân thì mình lại đi làm, đôi khi cũng có chút chạnh lòng. Nhưng thấy du khách tập trung 2 bên cầu chờ xem rồng phun lửa, phun nước thì mình lại thấy tiếp thêm động lực vì được phục vụ mọi người” - anh Thiện tâm sự.
Anh Lưu Đức Nguyên Phương - kỹ sư vận hành hạng mục phun nước, cầu xoay đã làm tại đây được 2 năm. “Những ngày đầu mới tiếp nhận công việc, cảm giác khá mệt mỏi vì phải thức khuya… Nhưng rồi quen dần, quen cái náo nhiệt của những ngày lễ, tết. Những ngày ấy, hễ cứ thấy phía đông cầu Rồng người xe nườm nượp là lòng tôi rộn ràng vui như tết” - anh chia sẻ.
Nhưng đâu chỉ mỗi việc trực vận hành cầu Rồng. Sau 22 giờ đêm, khi du khách đã vãn hoặc về nghỉ ngơi thì nhóm vận hành cầu lại di chuyển qua cầu sông Hàn cạnh đó để tiếp tục vận hành cầu xoay sông Hàn.
Với người Đà Nẵng, cầu sông Hàn không chỉ là niềm tự hào bởi nó được xây dựng bằng lời hiệu triệu của người đứng đầu TP lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh và các tổ chức, cá nhân yêu TP bên sông Hàn lúc mới đầu chia tách 1997. Đến khi sông Hàn nối nhịp đôi bờ, cầu sông Hàn đã thật sự đánh thức cả một vệt đất dài từ chân núi Sơn Trà cho đến núi Ngũ Hành.
Giống cầu Rồng, cầu xoay sông Hàn cũng nổi tiếng bởi chuyện “cứ nửa đêm cây cầu ấy lại xoay ngang”. Việc xoay ngang mặt cầu vừa tạo độ thông thoáng cho tàu bè qua lại nửa đêm khi mật độ giao thông gần như về 0, vừa tạo ra điểm nhấn để du khách tìm về. Có thể nói cầu xoay sông Hàn là một phần trong phát triển kinh tế khu phía đông của Đà Nẵng vào lúc đó.
Vừa đến cầu sông Hàn, cả tổ 10 người liền phân công việc lập tức. Dưới chân cầu là phòng điều hành, 6 kỹ sư túc trực điều khiển máy móc để vận hành cầu xoay an toàn. Các thông số phải tuyệt đối chính xác, mọi người phải tập trung cao độ. Còn 4 nhân viên khác làm nhiệm vụ bảo vệ hai bên mố cầu.
Đến 23 giờ, cổng barie đóng, không còn phương tiện lưu thông trên cầu. Lúc đó, khách du lịch bắt đầu đổ về để chiêm ngưỡng vẻ đẹp dòng sông về đêm, có những người muốn nấn ná để được một lần ngắm nhìn cầu sông Hàn xoay mình theo dòng nước.
Anh Tán Thịnh - Tổ trưởng tổ vận hành, cho biết: "Hầu như ngày lễ, tết mọi việc cúng kiếng ông bà đều phải nhờ người nhà, bởi toàn bộ thời gian gắn dưới các trạm vận hành cầu rồi. Công việc vận hành 2 cây cầu đặc biệt là niềm tự hào của chúng tôi”.
Theo ông Lê Ngọc Biên, phó giám đốc xí nghiệp quản lý cầu thuộc công ty cổ phần cầu đường Đà Nẵng, sông Hàn có nhiều cây cầu bắc qua nhưng cầu sông Hàn và cầu Rồng là 2 cây cầu rất đặc biệt. Ngoài là huyết mạch giao thông của thành phố thì đều được thiết kế để phục vụ thêm cho phát triển du lịch về đêm. Để đảm bảo giao thông và phục vụ du lịch trong những dịp lễ, tết, công ty luôn phân công trực và duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo việc vận hành xuyên suốt.
Đến với Đà Nẵng du khách đã quen thuộc với những bãi biển nằm trong top hấp dẫn nhất hành tinh. Nhưng với sự độc đáo hiếm có, cầu sông Hàn và cầu Rồng vẫn luôn có sự hấp dẫn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-nguoi-van-hanh-2-cay-cau-dac-biet-o-da-nang-post716448.html