Những người viết nên 'trang báo không xuất bản'

Ở Báo Pháp luật Việt Nam, hàng ngày đón nhận các sản phẩm báo chítrên mọi phương diện ít ai biết được rằng phía sau các sản phẩm báo chí âýkhông chỉ là các nhà báo, phóng viên mà còn có biết bao tâm huyết, mồ hôi, công sức của những người không có tên trên các trang báo, vẫn đang từng ngày, từng giờ miệt mài với việc 'bếp núc, hậu cần', để mỗi ngày mới, một Pháp luật Việt Nam năng động, đầy sức sống được hòa vào nhịp đời sôi động.

Khi nghe tôi trình bày về “nhiệm vụ” viết về Ban Trị sự, phản ứng đầu tiên của chị Lê Thị Hoa - Trưởng Ban Trị sự, là từ chối “không có gì để viết cả, công việc bình thường thôi mà”. Sau một tuần thuyết phục, gửi đến tôi là một tệp nội dung dài 7 trang gần 3000 từ với những gạch đầu dòng “rất công việc, rất chuyên môn”.

Nhưng nếu để nói về đội ngũ hành chính sự nghiệp, kế toán, trực nhà in, phát hành… của Pháp luật Việt Nam thì chỉ đâu có vậy. Công việc của Ban Trị sự tưởng như chẳng liên quan gì đến hoạt động báo chí, nhưng thực ra lại rất quan trọng trong “guồng quay sứ mệnh” của một tờ báo.

“Mama tổng quản Lê Thị Hoa” như cách gọi của đông đảo anh chị em phóng viên trong tòa soạn, lúc nào cũng nhiều việc, cũng nhanh, và thi thoảng có “cao giọng chút” khi quá nhiều việc “hậu cần” dồn đến cùng một lúc. Ba mươi năm công tác ở Pháp luật Việt Nam, “mama tổng quản Lê Thị Hoa” luôn yêu cầu đội ngũ nhân viên học hỏi, trau dồi không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn cả kiến thức về báo chí để luôn là điểm tựa vững chắc hiểu, nắm rõ và hỗ trợ tốt hơn cho phóng viên.

“Ms công văn” Trịnh Thị Hương Giang không ồn ào, không xuất hiện trên các trang báo, nhưng từng câu chữ gõ ra lại chính là “tiếng nói chính thức” của Pháp luật Việt Nam, đúng luật, đúng quy định, đúng văn hóa của cơ quan, thể hiện sự cẩn trọng, tỉ mỉ, kiên nhẫn và hiểu biết về quy trình hành chính.

“Nhà thơ” Bùi Thị Hồng, nguyên Kế toán, Kế toán trưởng của Pháp luật Việt Nam. Làm công việc của những con số và có thể tự cho phép mình chút sự “khó tính” của nghề nhưng hành trình 21 năm gắn bó với Pháp luật Việt Nam lại là “hành trình của những bài thơ” đầy cảm động, mà bài thơ viết khi chia tay báo là một ví dụ: “Thế là đã 40 năm rồi đó/Bao tuổi thanh xuân gắn bó với nghề/Thân thương giở từng trang đời theo trang báo/Vẫn còn nguyên nhịp thời đại âm vang/Cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới /Pháp luật Việt Nam mãi giữ lửa trong tim”.

Tiếp nối sự yêu nghề, yêu đời, yêu tòa soạn từ những cán bộ trị sự đời đầu và những thế hệ kế tiếp, ở bộ phận Kế toán, Kế toán trưởng Nguyễn Bá Trung, các chị Hoàng Thanh Tâm, Lê Thị Vân; Nguyễn Sinh Hùng, Trần Thị Hiền; bộ phận Hành chính, hồ sơ giấy tờ các anh Đồng Gia Lượng, các bạn Nguyễn Bảo Ngọc, Nguyễn Thị Tuyết luôn tràn ngập vui vẻ và sự hỗ trợ “khi cần là có” cho các phóng viên về những phần việc có liên quan đến nghiệp vụ hồ sơ tổ chức cán bộ, giấy tờ, tài chính…

Với anh Nguyễn Kim Cương, chuyện nửa đêm ở nhà in là chuyện hàng ngày bởi Pháp luật Việt Nam là nhật báo. Gắn bó 20 năm với công việc trực nhà in, trực phát hành, “đêm là giờ làm việc, để sáng tờ báo đến tay”. Khi cả thành phố đã ngủ, nhiệm vụ của người trực nhà in, trực phát hành vẫn là dõi theo từng tờ in đầu tiên để chắc rằng không có một lỗi nào “lọt qua lưới”, canh giờ để giao kịp cho đơn vị phát hành trước bình minh ngày mới. Với anh Vũ HoàngToán, có thể không kịp đọc số báo hôm nay viết gì nhưng không vì thế mà có thể muộn giao dù chỉ vài phút, bởi với người đọc báo chậm một nhịp là đã thấy mình bị bỏ lại phía sau dòng thời cuộc.

Đối với tôi, cũng như với nhiều phóng viên ở Pháp luật Việt Nam, tầng 1 của tòa soạn 42/29 Nguyễn Chí Thanh luôn là “một nơi rất thú vị” để dừng chân ghé mỗi ngày khi đến cơ quan làm việc. Bởi ở đó “đã và đang có những “bác bảo vệ quốc dân” như bác Phúc (anh Lê Văn Phúc), bác Đước (anh Vũ Văn Đước)” như lời kể các phóng viên trẻ, các bác luôn sẵn sàng hỗ trợ việc dắt xe, cất xe mỗi khi phóng viên phải đi công tác sớm và trở về muộn.

Bởi ở đó có chị Hoàng Thị Lệ - người được mệnh danh là “Idol phóng viên yêu thích” vì thấy chị Lệ là “thấy nhuận bút”, nguồn động lực lớn lao của phóng viên.

Đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh nhân viên văn thư của báo. Công việc văn thư như “con mọn” với rất nhiều công văn đến đi, nên không mấy khi thấy chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh vắng mặt ở chỗ làm với nụ cười quen thuộc.

Ở trên đường, tham gia giao thông đôi khi sợ nhất mấy bác tài lái xe biển xanh “xe công vụ”. Nhưng với “tài xế biển xanh” Chu Đức Thiện thì “là cơ quan báo chí đâu thể tham gia giao thông như vậy”, bởi đó là văn hóa của người làm báo Pháp luật Việt Nam.

Còn với “master chef” đầu bếp Trần Thị Tươi chuyện giữ ấm suất cơm canh dù đã đến giờ đóng bếp để đợi phóng viên kịp về hoặc viết nốt bài là chuyện mà không phải đầu bếp cơ quan nào cũng trải qua và làm được…

Tất thảy các nhà báo, phóng viên ở tòa soạn đều luôn biết rằng phía sau mỗi bài báo, mỗi trang báo, mỗi giải thưởng báo chí là cả một “hệ sinh thái” của những con người lặng thầm như thế. Mỗi cái tên của họ đều xứng đáng được nhắc đến, nếu không trên mặt báo, thì là trong trái tim của những người làm nghề. Bởi báo chí không chỉ là nghề viết. Báo chí là nghề sống. Và sống có trách nhiệm, kể cả từ những công việc nhỏ nhất.

Ban Trị sự

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-nguoi-viet-nen-trang-bao-khong-xuat-ban.html