TP.HCM phát triển du lịch ẩm thực từ quán xưa và món gia truyền
Ẩm thực TP.HCM mang bản sắc riêng từ những quán ăn gia truyền trên 30 đến 80 năm tuổi, gắn bó với ký ức đô thị và cộng đồng dân cư phương Nam.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập các địa phương lân cận, TP.HCM không chỉ tăng diện tích và dân số mà còn hình thành hệ sinh thái du lịch đa dạng, trong đó ẩm thực trở thành một trụ cột đặc sắc. Các quán ăn gia truyền, lâu đời từ trung tâm thành phố đến khu vực ven biển, ven sông, đô thị vệ tinh được xác định là tài nguyên du lịch quan trọng, kết nối văn hóa – ký ức – trải nghiệm.

TP.HCM - trung tâm kinh tế hiện đại, năng động bậc nhất cả nước - Ảnh: T.L
Tại trung tâm thành phố, nhiều quán ăn trên 50 năm tuổi vẫn duy trì hoạt động với hương vị nguyên bản. Cơm gà Đông Nguyên ở phường An Đông nổi tiếng với gà luộc mềm, cơm dẻo thơm, nước chấm đậm đà. Lẩu mắm trên đường Trần Huy Liệu đậm chất miền Tây. Lẩu cù lao Dân Ích có nước dùng ngọt thanh, nguyên liệu tươi. Bánh mì Hòa Mã ở phường Bàn Cờ mang đậm dấu ấn ẩm thực đường phố Sài Gòn. Phở Lệ (phường An Đông) và Phở Dậu (phường Xuân Hòa) là hai quán phở Bắc tiêu biểu, trong đó Phở Lệ nhiều năm liền có mặt trong danh sách Bib Gourmand của Michelin Guide.
Ẩm thực ngọt cũng là một phần không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực TP.HCM mới. Chè Hiển Khánh ở phường Bàn Cờ nổi bật với chè đậu xanh, thạch nhãn và hương hoa nhài truyền thống. Chè Cột Điện ở phường An Đông đã tồn tại hơn 80 năm, phục vụ các món chè người Hoa như mè đen, quy linh cao, hạt sen, sâm bổ lượng. Kem Bạch Đằng tại phường Sài Gòn là một địa điểm gắn với tuổi thơ nhiều người, với ly kem mát lạnh, trang trí bắt mắt, giữ nguyên hương vị từ thời bao cấp đến nay.

Khách du lịch thưởng thức món ăn bình dân trên vỉa hè Sài Gòn - Ảnh: T.L
Ở khu vực mở rộng, như phường Thủ Dầu Một (Bình Dương cũ), cháo vịt Cu Chì là địa chỉ ẩm thực nổi tiếng, với vị béo, mềm của thịt vịt, ăn trong không gian nhà cổ, sân vườn thoáng đãng. Tại chợ Búng – Lái Thiêu, bánh bèo bì Mỹ Liên hơn 100 năm tuổi là món ăn được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Khi măng cụt Lái Thiêu vào mùa, gỏi gà măng cụt trở thành đặc sản chỉ có theo mùa, được du khách sành ăn săn đón.
Một món dân dã khác là bò nhúng mắm ruốc ở ngã ba Cây Nhang, gây ấn tượng với nước dùng đậm đà nhưng dịu, kết hợp vị béo của tóp mỡ, vị thơm của sả, ớt và mắm ruốc đặc trưng. Cháo môn lươn – món ăn bình dị với củ môn dẻo, lươn đồng ngọt thịt, cũng là đặc sản ấm lòng những ngày mưa.

Bánh khọt là món ăn dân dã nổi tiếng ở Vũng Tàu - Ảnh: Internet
Tại phường Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu cũ), bánh khọt là món ăn tiêu biểu. Quán Bánh Khọt Gốc Vú Sữa trên đường Nguyễn Trường Tộ nổi tiếng với lớp bột giòn rụm, tôm tươi, hành lá thái nhỏ, ăn kèm rau sống và nước mắm chua ngọt. Dù đông khách quanh năm, quán vẫn giữ nguyên công thức truyền thống và chưa từng mở chi nhánh.
Ẩm thực TP.HCM mới không chỉ là câu chuyện của món ăn mà còn là hành trình cảm xúc gắn với ký ức đô thị, cộng đồng và di sản. Việc nhận diện và phát huy giá trị của các quán ăn gia truyền sẽ góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc trưng, đưa TP.HCM trở thành điểm đến ẩm thực có chiều sâu, bản sắc và sức hút lâu dài trong chiến lược phát triển du lịch bền vững.