Những nguy cơ khiến bạn dễ mất mạng khi uống rượu ngày Tết
Pha trộn hay uống rượu giả gây ngộ độc là một số nguy cơ nhất định người dân cần đặc biệt lưu tâm.
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các gia đình sum họp, bạn bè lâu ngày gặp gỡ. Do đó, việc uống rượu, bia là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng mọi người cần đặc biệt lưu ý trước một số nguy cơ của loại đồ uống này.
Rượu giả, pha trộn
Theo TS Trung Nguyên, bia, rượu giả trên thị trường hiện có 3 dạng:
Đầu tiên là các loại rượu được người dân tự nấu, ngâm, không có nhãn mác, tên thương hiệu... Loại rượu này không đảm bảo về chất lượng cũng như mức độ an toàn khi việc ngâm tẩm, nấu có thể sai lệch về tỷ lệ, phương pháp, cách bảo quản...
Loại thứ 2 là rượu làm nhái các sản phẩm chính thống được đăng ký sản xuất. Dù bên ngoài, chúng được dán nhãn mác với hình thức y hệt, chất lượng của những sản phẩm này mang đến nhiều mối lo về sức khỏe.
Loại thứ 3 là các sản phẩm rượu có nhãn mác, tên tuổi, địa chỉ nhưng không được đăng ký sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm này không được cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý nhưng vẫn được bày bán tràn lan. Địa chỉ sản xuất có thể cũng thay đổi liên tục.
TS Nguyên nhận định: "Vấn đề nguy hiểm nhất của các loại rượu này là họ sử dụng cồn công nghiệp để nấu và đóng chai, bày bán. Cồn công nghiệp thực tế là loại hóa chất (methanol) từ các nhà máy. Ngoài ra, nguy cơ cũng đến từ hương liệu, chất tạo màu, mùi... Phụ gia thực phẩm an toàn thường rất đắt. Những người làm rượu giả chắc chắn không dùng. Trong khi đó, phụ gia giá rẻ mang đến rất nhiều nguy cơ".
Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp ngộ độc rượu thương tâm vì uống phải các loại rượu giả này. Dù may mắn sống sót, những di chứng để lại sau đó thường rất nặng nề.
Một vấn đề khác là rượu, bia pha trộn. Hiện một số quán bar, cửa hàng có pha rượu với nhiều loại chất khác nhau, thậm chí ma túy, cần sa tổng hợp. Việc này dễ khiến chúng ta mất kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ở giới trẻ, nhiều người có thói quen uống rượu trộn bia. Theo TS Nguyên, hành động này khiến chúng ta dễ say hơn.
"Nguyên nhân của tình trạng này liên quan nồng độ cồn. Phần lớn các loại bia có nồng độ cồn khoảng 4-5%, rượu khoảng 30-40%. Khi trộn 2 hợp chất này với nhau, tùy tỷ lệ, chúng ta sẽ tạo ra loại đồ uống có nồng độ khoảng 20%. Về lý thuyết, đây là nồng độ giúp rượu được hấp thu tốt nhất, qua đó khiến chúng ta nhanh say hơn", TS Nguyên giải thích.
Uống rượu thế nào?
Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, việc đầu tiên chúng ta cần nhận thức là uống rượu mang đến rất nhiều rủi ro. Chúng làm cơ thể mất kiểm soát và có hại là chính. Thế giới hiện chỉ ghi nhận một số lợi ích rất nhỏ ở rượu vang.
Do đó, nguyên tắc cơ bản là uống ít rượu nhất có thể. Chúng ta cần hạn chế số lần uống, lượng rượu tiêu thụ trong các bữa ăn. Bên cạnh đó, mọi người nên cân nhắc về thời điểm uống, tránh sử dụng cồn trước khi lái xe hay làm việc để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống, thậm chí tính mạng.
"Một số người có thói quen ép rượu, mời dù đối phương đã từ chối. Nhiều người thậm chí nghiện rượu, thần kinh có vấn đề, xu hướng mất kiểm soát. Lúc này, chúng ta nên tránh xa để đảm bảo uống trong tầm kiểm soát", TS Nguyên nói.
Nếu buộc phải uống, việc đơn giản để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe là ăn đủ, đặc biệt các thực phẩm có năng lượng nhanh, chứa tinh bột như cơm, mỳ, cháo, bún, miến, phở... Ngoài ra, các món ăn chứa nhiều dầu mỡ cũng phần nào làm giảm tốc độ hấp thu của rượu, giúp chúng ta say chậm hơn. Tuy nhiên, cơ thể vẫn hấp thu hết lượng cồn đó khiến gan bị tổn thương.
Với tình huống có người ngộ độc rượu nhẹ (say), việc uống đủ nước, đặc biệt là các loại nước chứa chất khoáng như oresol, nước quả, nước rau, cũng giúp bệnh nhân bù muối. Ngoài ra, chúng ta nên ủ ấm, tránh để bệnh nhân bị lạnh, đồng thời theo dõi kỹ, đề phòng triệu chứng bất thường.
Với tình trạng ngộ độc rượu nặng, chúng ta có thể xác định thông qua các triệu chứng như không nói, ngồi được, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở họng, miệng, lạnh toát, vã mồ hôi, tím tái… Lúc này, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay theo điều kiện hiện có như hô hấp nhân tạo, nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi, đồng thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất.