Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng mức sinh xuống thấp
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), từ năm 2021 đến năm 2023, mức sinh giảm từ 2,11 xuống 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.
Việt Nam đã đạt quy mô dân số 100,3 triệu người, đứng thứ 3 Đông Nam Á, thứ 8 châu Á, thứ 15 thế giới. Thành tựu này giúp chuyển dịch cơ cấu dân số tích cực, bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, đồng thời phân bố dân cư hợp lý hơn, gắn với đô thị hóa và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đối mặt với thách thức mới đó là mức sinh chưa bền vững và xu hướng giảm.
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), từ năm 2021 đến năm 2023, mức sinh giảm từ 2,11 xuống 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Xu hướng này tập trung tại các đô thị và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi kinh tế phát triển hoặc đô thị hóa cao. Ngược lại, mức sinh còn cao tại các khu vực kinh tế-xã hội khó khăn như Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên.
Năm 2023, mức sinh khu vực nông thôn giảm xuống 2,07 con/phụ nữ, dưới mức thay thế lần đầu tiên, trong khi mức sinh thành thị dao động 1,7-1,8 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ có mức sinh thấp nhất cả nước (1,47 con/phụ nữ), còn Đồng bằng sông Cửu Long thấp thứ hai (1,54 con/phụ nữ).
Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay trên cơ sở tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và thực tế tại Việt Nam, có thể chỉ ra 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng mức sinh xuống thấp hiện nay.
Đầu tiên có thể kể đến là điều kiện sống được cải thiện, học vấn, nhu cầu phát triển sự nghiệp, thu nhập và chất lượng cuộc sống tăng khiến việc kết hôn, sinh con bị trì hoãn hoặc giảm.
Nguyên nhân thứ hai đó là, thực tế cuộc sống với sức ép kinh tế như chi phí sinh hoạt, nhà ở, nuôi dưỡng và giáo dục con cái cao khiến các gia đình trẻ cân nhắc sinh con ít hoặc không sinh.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ chính sách chưa đầy đủ, môi trường và các chính sách hỗ trợ gia đình có con nhỏ còn hạn chế. Tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh, đặc biệt là vô sinh thứ phát có xu hướng gia tăng cũng tác động đến việc không thể sinh con. Thêm vào đó, với tình hình hiện tại, nhiều chính sách đã ban hành trong thời gian qua không còn phù hợp trong tình hình mức sinh hiện nay.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỷ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số trình Quốc hội; xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ năm 2025./.