Những nguyên tắc rèn luyện kỷ luật bản thân
Kỷ luật bản thân giúp chúng ta phát triển những thói quen tốt, tập trung vào mục tiêu trong cuộc sống. Dưới đây là những đặc điểm của người có tính kỷ luật.
Xác định mục tiêu rõ ràng: Người có kỷ luật bản thân luôn xác định được mục tiêu rõ ràng, biết mình muốn gì, điều đó như thế nào, thực hiện nó ra sao. Họ sống và nỗ lực hướng tới những mục tiêu đó.
Kiên trì, không bỏ cuộc: Tính kỷ luật chỉ được hình thành khi một người luôn cố gắng theo đuổi, không bỏ cuộc với bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Để đạt được mục tiêu đặt ra, cần kiên trì trong việc tuân thủ các quy tắc và giới hạn mà bản thân đã thiết lập.
Tự kiểm soát: Hình thành kỷ luật bản thân có thể đi ngược lại với những ham muốn, sở thích cá nhân của mình. Khi có khả năng tự kiểm soát tốt, một người sẽ dễ dàng hơn trong việc giữ bình tĩnh trước những tình huống áp lực, hạn chế việc nói quá nhiều hay có những hành động nông nổi, biết suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Gạt bỏ sự cám dỗ: Người có kỷ luật bản thân tốt luôn biết quyết tâm gạt bỏ cám dỗ và bám sát mục tiêu để hành động, buộc mình phải tránh xa những tác động tiêu cực khiến bản thân xao nhãng, mất tập trung.
Lặp lại một nhiệm vụ: Để hình thành nên tính kỷ luật cần phải lặp đi lặp lại một công việc trong một khoảng thời gian, cho đến khi trở thành thói quen và làm nó mà không cần bất kỳ động lực nào. Đặc điểm của kỷ luật bản thân là lặp lại một công việc, hoạt động thường xuyên.
Nguyên tắc rèn luyện kỷ luật bản thân
Xác định mục tiêu: Cần lưu ý hai điều khi đặt mục tiêu: Mục tiêu đó phải đủ lớn nhưng cũng phải thực hiện được trong khả năng. Mục tiêu đủ lớn thúc đẩy động lực để hành động, nó phải vượt quá những thứ mà bản thân đang có.
Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo mục tiêu đó có thể đạt được trong khả năng của mình. Một mục tiêu quá xa vời, phi thực tế sẽ khiến chúng ta nản lòng và dễ bỏ cuộc.
Một kế hoạch rõ ràng phác thảo từng bước với thời gian cụ thể, ưu tiên những đầu việc quan trọng, giảm thiểu sự phân tán, giúp quản lý thời gian hiệu quả hơn, tránh bị trễ tiến độ.
Hành động ngay: Một trong những "kẻ thù" của kỷ luật bản thân là sự trì hoãn. Việc thường xuyên hành động ngay khi đặt ra một mục tiêu hoặc lập một kế hoạch sẽ giúp chúng ta rèn luyện tính kiên trì và quyết tâm, đồng thời, thực tế hóa các kế hoạch và mục tiêu của mình
Đưa ra cam kết: Việc này có thể thúc đẩy động lực hành động. Ví dụ, với mục tiêu giảm cân, cần đưa ra cam kết một tuần giảm được bao nhiêu cân để thôi thúc hành động ngay lập tức.
Tạo thói quen: Cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác mà một người muốn thành thạo, kỷ luật đòi hỏi sự luyện tập và lặp đi lặp lại hằng ngày, có nghĩa là phải biến nó thành thói quen.
Tập trung: Bằng cách đặt mục tiêu và tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể, bạn sẽ hoàn thành công việc nhanh hơn, đạt được các kết quả tốt hơn trong công việc và cuộc sống.
Giữ thái độ tích cực: Kỷ luật bản thân không phải là việc ép buộc bản thân phải làm nhiều việc hơn, đó là khả năng tự kiểm soát và giám sát bản thân. Do đó, rèn luyện tính kỷ luật bằng một thái độ tích cực, lạc quan sẽ giúp tăng cường sự kiên trì và tự chủ trong cuộc sống, đồng thời giữ cho bản thân nhiều năng lượng hơn.
Cân bằng, nghỉ ngơi: Kỷ luật bản thân sẽ không có giá trị gì nếu bạn tự làm hại bản thân để đạt được nó. Theo đuổi một số mục tiêu có thể phải trả giá bằng sức khỏe, thời gian. Do đó, hãy cố gắng cân bằng giữa công việc, gia đình, cuộc sống cá nhân và chăm sóc bản thân.
Hãy nghỉ giải lao nếu bạn cảm thấy bản thân đang kiệt sức. Hãy đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh và đúng giờ, cố gắng dành thời gian về với thiên nhiên và các mối quan hệ lành mạnh. Những điều này giống như một quãng nghỉ để bản thân lấy lại năng lượng, lấy đà để bật xa hơn.