Những nhà giáo hết lòng với trẻ khuyết tật
Để giáo dục trẻ khuyết tật, giáo viên phải thật sự kiên trì, nhẫn nại, thậm chí cả hy sinh, gắn trọn cuộc đời với học sinh
Tại buổi giao lưu "Những đóa hồng thầm lặng" do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục TP tổ chức sáng 17-11, 73 giáo viên (GV) đã được tuyên dương vì có nhiều thành tích trong công tác tại các cơ sở giáo dục khuyết tật, hòa nhập.
Hạnh phúc giản đơn
Tại buổi giao lưu, cô Đinh Lan Phương, GV Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10), cho biết hạnh phúc của người GV dạy trẻ khuyết tật đôi khi chỉ là những câu nói tròn vành rõ chữ của học trò hay chỉ đơn giản là tiếng gọi "Cô ơi!".
Lâu nay, các thầy cô trong trường vẫn hay đùa chỉ nghe GV bạo hành học sinh (HS), chứ không nghe HS bạo hành thầy cô bao giờ. Đối với GV dạy trẻ khuyết tật, việc thầy cô bị HS "bạo hành" là chuyện rất bình thường, có em nhéo rất đau, đau đến phát khóc. Dù vậy, khi dạy trẻ khuyết tật, chỉ cần các em có chút tiến bộ là GV rất vui. Những tiến bộ dù rất nhỏ ấy là cả một quá trình bền bỉ, kiên trì của các thầy cô.
Từng có 1 HS từ miền Bắc chuyển vào bị đa tật nên việc học tập gặp muôn vàn khó khăn. Ngoài giờ học ở trường, cô Phương còn đến nhà để giúp đỡ thêm HS này. "Có lẽ bài giảng của tôi không giống ai khi việc dạy học bắt đầu từ hướng dẫn các em từng hoạt động nhỏ như cách tắm, lấy quần áo, khăn tắm của mình. Trong một lần dạy em cách ghép vần, em đã biết ghép và đọc từ rất rõ. Tôi rất vui và tâm nguyện rằng khi dạy các HS khuyết tật, cần nhất là tấm lòng bao dung, kiên nhẫn. Cứ hết lòng với các em thì sẽ được đền đáp xứng đáng" - cô Phương bày tỏ.
Trong 12 năm dạy học của cô Tạ Lê Nhật Vy, GV dạy hòa nhập Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1), năm nào cũng có 1 HS học hòa nhập rất đặc biệt. Trước đây, 1 HS nổi tiếng ở trường vì không chơi với ai, khi đến cửa lớp nếu không ai dắt vào thì không bao giờ vào lớp.
Khi tiếp nhận em này, cô Vy rất áp lực, không biết làm sao để em mở lòng với mình. Cả đêm trăn trở, cô Vy quyết định mỗi ngày sẽ dắt em vào lớp. Ban đầu, em kiên quyết không hợp tác. Dần dần, bằng sự kiên trì, nhẫn nại của cô, HS này đến lớp đều đặn mỗi ngày, chơi hòa đồng với các bạn. "Em còn nói sẽ bảo vệ cô, không cho ai bắt nạt cô" - cô Vy chia sẻ.
Nhiều đề xuất cho học sinh khuyết tật
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Phạm Thị Kim Loan, chuyên viên phụ trách công tác giáo dục tiểu học và giáo dục đặc biệt của Phòng GD-ĐT quận 10, bày tỏ mỗi đứa trẻ là một cá nhân đặc biệt, có những nhu cầu và năng lực nhất định. Trẻ khuyết tật dù gặp hạn chế về thể chất, ngôn ngữ, hành vi nhưng nếu được hỗ trợ phù hợp, các em sẽ có những khả năng phát triển riêng. Nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia nhiều hoạt động khác nhau để góp phần phát triển năng lực riêng.
Cô Kim Loan cho rằng dù tính chất công việc vất vả với những đặc thù riêng nhưng hiện nay chưa có chế độ hỗ trợ đối với nhân viên ở các trường chuyên biệt và cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục thực hiện công tác giáo dục hòa nhập.
"Ngoài ra, HS khuyết tật vẫn chịu nhiều thiệt thòi khi chưa có chương trình giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp phù hợp, làm giảm cơ hội hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích của chính các em" - cô Loan nói.
Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP HCM, cho biết thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật, hòa nhập rất vất vả và thiệt thòi khi HS khuyết tật sẽ không thể nhớ rõ, nhớ lâu về những người thầy đã từng kiên nhẫn chăm sóc, dạy dỗ các em. Với trái tim tràn đầy yêu thương, các thầy cô giáo đã nâng đỡ, từng bước giúp các em vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống. "Những đóa hồng thầm lặng" không chỉ là danh hiệu mà là sự ghi nhận những tấm gương sáng về lòng nhân ái, lương tâm và trách nhiệm với nghề dạy học của đội ngũ thầy cô giáo. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, các thầy cô vẫn luôn nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững và nâng cao uy tín nhà giáo trong xã hội.
Lãnh đạo TP HCM thăm các nhà giáo lão thành
Sáng 17-11, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM - đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm các nhà giáo lão thành nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Đến thăm nhà giáo Võ Anh Tuấn (còn gọi là Nguyễn Văn An; nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ), ông Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp của nhà giáo Võ Anh Tuấn cho sự nghiệp phát triển giáo dục của Nam Bộ nói chung và TP HCM nói riêng. Dù sức khỏe có phần suy giảm vì vừa qua ngưỡng đại thọ nhưng nhà giáo Võ Anh Tuấn vẫn ngày đêm dày công biên soạn hàng chục tác phẩm lý luận khoa học.
Tới thăm Nhà giáo Nhân dân, GS-TS Ngô Văn Lệ - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê thăm hỏi, chúc sức khỏe và ghi nhận những đóng góp của giáo sư trong công tác đào tạo các thế hệ trẻ những năm qua. Ông Phan Nguyễn Như Khuê mong GS Ngô Văn Lệ tiếp tục có nhiều đóng góp, hiến kế cho sự nghiệp GD-ĐT của TP.