Những nhà giáo - liệt sĩ
Trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hòa cùng khí thế sục sôi của hàng vạn thanh niên yêu nước, hàng trăm nhà giáo trong tỉnh tạm xếp bút nghiên, phấn trắng, bảng đen và học trò thân yêu để lên đường ra trận. Với lý tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhiều nhà giáo đã thác gửi máu xương vào lòng đất mẹ. Bom đạn của kẻ thù khiến những trang giáo án mãi còn dang dở nhưng khí tiết và đạo làm thầy của những nhà giáo - liệt sĩ đời đời sáng tỏ.
Nhà giáo - Liệt sĩ Nguyễn Chân Phương sống mãi tuổi 20
Một ngày cuối tháng Tư, đâu đây trong vạt nắng vẫn dư âm cái rét nàng Bân nhẹ nhàng, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình nhà giáo - liệt sĩ Nguyễn Chân Phương (Nguyễn Khắc Phương) ở thôn Liêu Hạ, xã Tân Lập (Yên Mỹ).
Gia Định, 22h ngày 7.4.1973Bà - Bố - Mẹ kính mến của con!Chị và các em mến nhớ!Bố mẹ kính mến của con. Con tin chắc rằng lúc này gia đình cũng không còn hy vọng ở sự sống của con vì đã quá lâu biệt tin. Nhưng hiện nay con còn sống còn khỏe và công tác chiến đấu tốt đó là một nguồn tin vui nhất con xin báo để gia đình biết… Bố mẹ và gia đình như thế nào rồi… Chắc rằng lúc này gặp Đạt ngoài đời, anh Phương khó mà nhận được.
…
Xúc động lật giở từng trang giáo án, đọc từng câu, từng chữ trong bức thư úa màu thời gian, ông Nguyễn Mạnh Đạt nghẹn ngào kể cho chúng tôi về người anh yêu dấu - Nhà giáo - liệt sĩ Nguyễn Chân Phương. Nguyễn Chân Phương sinh năm 1951 trong gia đình có 6 anh chị em. Theo lời kể của các cụ thân sinh, từ nhỏ Nguyễn Chân Phương đã có tố chất thông minh, ham học và có ước mơ trở thành thầy giáo. Ngày ấy, hoàn cảnh khó khăn lắm nhưng gia đình luôn tạo mọi điều kiện để Phương thực hiện ước mơ. Sau những năm tháng miệt mài đèn sách, năm 1968, Phương được phân công giảng dạy tại trường phổ thông cơ sở Liêu Xá (Yên Mỹ), đây không chỉ là niềm vui của cá nhân mà còn là vinh dự của cả gia đình, dòng tộc.
Những trang giáo án còn dang dở của nhà giáo - liệt sĩ Nguyễn Chân Phương
Tuy nhiên, đứng trên bục giảng chưa được bao lâu, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 6.1968, anh Nguyễn Chân Phương xếp lại những trang giáo án, tạm biệt đám trò nhỏ của mái trường làng khoác ba lô lên đường vào Nam chiến đấu với hẹn ước ngày chiến thắng sẽ trở về, tiếp tục dạy dỗ đàn em thơ. Những ngày anh ở mặt trận, cha mẹ già và đàn em thơ ngày ngóng đêm trông với mong ước anh sẽ trở về như lời đã hứa. Nhưng rồi gia đình đã bặt tin anh nhiều tháng ngày. Tháng 4.1973, gia đình mới nhận được lá thư của anh Nguyễn Chân Phương gửi về. Trong bức thư cùng với những tình cảm nhớ thương, hỏi han sức khỏe của mọi người trong gia đình còn là tình yêu nước thiêng liêng cao cả, là tinh thần chiến đấu quả cảm của một người trí thức yêu nước. Niềm vui vỡ òa khi biết người con, người anh, người thầy đáng kính vẫn khỏe mạnh. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì gia đình nhận được tin Nguyễn Chân Phương hy sinh trong trận đánh lớn ở Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vào cuối năm 1973.
Nguyễn Chân Phương - một người thầy, một chiến sĩ đã sống cho lý tưởng, cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc và luôn sống mãi tuổi đôi mươi. “Trang sách mở, chẳng bao giờ gấp lại/ Súng đỏ nòng viết nên bài học cuối…” đã nhiều năm trôi qua nhưng những trang giáo án còn dang dở của nhà giáo - liệt sĩ Nguyễn Chân Phương chính là những kỷ vật quý giá nhất trong gia đình. Những lời nhắn gửi của liệt sĩ Nguyễn Chân Phương trong bức thư gửi về quê nhà là kim chỉ nam dẫn đường để anh em, con cháu trong gia đình, dòng tộc cố gắng sống ý nghĩa hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với Tổ quốc.
Nhà giáo - Liệt sĩ Vũ Quang Chính và người con kế tục sự nghiệp “trồng người”
Tháng Tư, trong niềm vui kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, bà Nguyễn Thị Vừa, xã Minh Phượng (Tiên Lữ) lặng lẽ hơn trong miền ký ức chiến tranh. Bà đau đáu nhớ về người chồng của mình - Nhà giáo - liệt sĩ Vũ Quang Chính. Ánh mắt xa xăm, bà Nguyễn Thị Vừa trầm ngâm chia sẻ cho chúng tôi về cuộc đời cầm bút, cầm súng của liệt sĩ Vũ Quang Chính.
Vợ và con của nhà giáo - liệt sĩ Vũ Quang Chính nâng niu kỷ vật của chồng, của cha
Nhà giáo - liệt sĩ Vũ Quang Chính, sinh năm 1945 trong một gia đình thuần nông tại xã Thụy Lôi (Tiên Lữ). Năm 1964, ông Chính tốt nghiệp Trường Sư phạm trung cấp Hưng Yên (nay là Trường cao đẳng cộng đồng Hưng Yên) và được tổ chức phân công về giảng dạy tại Trường tiểu học Chiến Thắng (nay thuộc xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên). Cùng công tác trong ngành Giáo dục nên thầy giáo trường làng Vũ Quang Chính đã bén duyên cùng cô giáo dạy trẻ mầm non Nguyễn Thị Vừa, xã Minh Phượng (Tiên Lữ). Năm 1966, ông Vũ Quang Chính chuyển công tác về giảng dạy tại Trường tiểu học Anh Dũng (nay là xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ). Cũng vào lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vào giai đoạn cam go, khốc liệt, thầy giáo Vũ Quang Chính đã viết đơn tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, do em trai của thầy đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam nên địa phương đã tạm hoãn việc thầy nhập ngũ. Bước vào năm 1967, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đứng trên bục giảng nhưng mỗi ngày khi nghe tin lũ giặc đánh phá điên cuồng, cả nước sục sôi khí thế kháng chiến, thầy giáo Vũ Quang Chính dùng máu viết đơn tình nguyện để được vào chiến trường. Và như thế, thầy giáo trẻ đã trở thành người chiến sĩ. Nhưng chiến tranh thật khốc liệt. Chỉ hơn một năm sau ngày nhập ngũ, tháng 5.1968, thầy giáo Vũ Quang Chính đã hy sinh tại mặt trận phía Nam tỉnh Quảng Trị.
Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã lùi xa gần nửa thế kỷ, bà Nguyễn Thị Vừa vẫn chưa hết nghẹn ngào: Ngày tiễn chồng ra chiến trường, tôi đang mang thai tháng thứ ba. Trước khi ra trận, ông Chính dặn tôi sinh con sẽ đặt tên con là Châm và ông hứa chiến thắng ông sẽ trở về. Nhưng rồi, cuộc tiễn đưa ấy đã trở thành cuộc chia ly mãi mãi.
55 tuổi, chưa một lần được thấy mặt cha nhưng cô Vũ Thị Châm người con gái duy nhất của nhà giáo - liệt sĩ Vũ Quang Chính luôn tự hào về người cha đáng kính. Cô Châm tâm sự: Bố tôi hy sinh, mẹ tôi vừa tròn 20 tuổi. Một mình mẹ vất vả nuôi tôi ăn học. Tôi nuôi ước mơ và quyết tâm thi vào ngành sư phạm vì tôi muốn nối tiếp sự nghiệp “trồng người” cao quý mà bố còn dang dở. Vũ Thị Châm đã thay cha, người chiến sĩ, người thầy giáo, người anh hùng, liệt sĩ Vũ Quang Chính để nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo vì sự nghiệp cao quý “trồng người”.
Nhà giáo - liệt sĩ Nguyễn Chân Phương và Vũ Quang Chính cùng bao thanh niên, trí thức đã hòa vào đất, cho hoa đời mãi thắm sắc thơm hương. Chúng ta nghiêng mình cảm phục và tri ân những tấm gương của những anh hùng liệt sĩ, những người đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân 1975 giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202204/nhung-nha-giao-liet-si-0410b06/