Những nhà nông tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi
Thấm nhuần lời dạy của Bác: 'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất', những năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Từ phong trào này, nhiều nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Hà Giang có lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp trên 45 vạn người, chiếm 55% tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó, hơn 112.844 người là hội viên Hội Nông dân các cấp, sinh hoạt ở 2.055 chi hội. Tính đến cuối năm 2018, có 12.756 hộ nông dân đạt SXKDG và 45 đại biểu nông dân đạt danh hiệu “Nhà nông xuất sắc tỉnh Hà Giang năm 2019”. Phong trào nông dân SXKDG diễn ra sôi nổi, đa dạng trên các lĩnh vực: Chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, may mặc, dệt vải truyền thống… đã đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết việc làm, tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ngành nghề nông thôn; góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, làm cho đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng nâng cao.
Đến thăm vườn cam sai trĩu quả và đang bước vào mùa thu hoạch mới thấy quyết tâm làm giàu của anh Nguyễn Văn Hải, tổ 13, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên. Anh Hải cho biết: “4 năm trước, nhà tôi bắt đầu trồng cam, trước đó, mảnh đất này trồng chè nên bạc màu, cằn cỗi, gia đình phải mất rất nhiều công sức để cải tạo chất đất bằng phân hữu cơ. Đến giờ, tôi trồng được 1,3 ha cam Giấy, cam Đường canh, cam Sành. Trồng cam không quá khó nhưng cần có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, để quả cam không bị côn trùng, ruồi vàng châm, mỗi gốc cam tôi đều treo keo bẫy dụ ruồi, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay, vườn cam cho khoảng 20 tấn quả, ước tính thu được 200 triệu đồng. Ngoài anh Hải, thị trấn Việt Lâm còn có 120 hộ SXKDG, họ là những nhà nông dám nghĩ, dám làm, tạo động lực cho nông dân đua tài làm giàu.
Anh Phùn Sùn Chòi, Giám đốc HTX Minh Quang, thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh, huyện Quang Bình phấn khởi chia sẻ: “HTX mỗi năm thu mua 200 tấn chè tươi, sản xuất ra 6 loại chè khô, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập đạt 6 triệu đồng/tháng. Trong các loại trà, Bạch trà và trà Tuyết nón là thượng hạng nhất, có giá bán từ 600 nghìn đồng - 1,8 triệu đồng/kg. Với hương vị chè thơm ngon, đảm bảo chất lượng cao nên 3 doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tổng lợi nhuận mỗi năm đạt 250 triệu đồng. Lập nghiệp thành công từ thế mạnh cây chè địa phương, anh Chòi được công nhận là nhà nông xuất sắc của tỉnh năm 2019. Đó là vinh dự, tự hào để anh tiếp tục đưa đặc sản chè Shan tuyết vươn rộng ra thị trường trong và ngoài nước.
Không chỉ những nông dân vùng thấp, ở nơi miền đá xám, câu chuyện làm giàu của anh Sùng Pà Chơ, thôn Tả Lủng B, xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn khiến chúng tôi nể phục. Anh Chơ kể: “Tôi là thành viên của HTX may mặc Minh Khai, nhà tôi chuyên may trang phục dân tộc Mông, lúc nào cũng có 4 - 6 người làm việc thường xuyên với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng. Hàng hóa thì các thương buôn và gia đình lấy bán tại các chợ huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh. Mỗi năm tôi thu lãi 100 - 120 triệu đồng. Đó là số tiền mơ ước của nhiều người dân trên vùng núi cao này, bởi đồng bào còn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế, đất trồng trọt ít, chủ yếu là trồng ngô và nuôi bò. Từ một nông dân thuần túy, nay tôi đã thoát nghèo và vinh dự trở thành 1 trong 4 nông dân tiêu biểu của huyện được tỉnh tôn vinh, cảm xúc đó thật hạnh phúc. Tôi tự nhủ sẽ cố gắng duy trì, phát triển xưởng may mặc để giúp bà con có thêm nhiều việc làm, cải thiện cuộc sống.
Để có được kết quả trên, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh tổ chức cho các cơ sở Hội cấp huyện, thành phố ký giao ước thi đua và có 1 chỉ tiêu SXKDG. Về các nguồn lực phát triển kinh tế hộ nông dân, tính đến nay, toàn tỉnh đang quản lý trên 26 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân với 424 hộ vay vốn và tổng dư nợ lên 23,5 tỷ đồng; có 707 Tổ TK&VV, 22.782 hộ được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 780 tỷ đồng; thành phố Hà Giang và huyện Bắc Quang đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thành lập được 19 tổ liên kết vay vốn, tổng dư nợ cho vay 40 tỷ đồng. Đồng thời, thông qua chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa theo Nghị quyết số 209, Nghị quyết 86 và Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh có hơn 6.000 hộ được giải ngân vốn với số tiền trên 577 tỷ đồng.
Đồng chí Dương Tiến Dũng, Phó ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Cùng với các nguồn lực đầu tư cho nông dân, các chương trình dạy nghề, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp; hỗ trợ hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ và quảng bá tiêu thụ sản phẩm tiến hành định kỳ. Qua đó, khơi dậy tinh thần sáng tạo, năng động trong làm ăn của hội viên nông dân, xây dựng được 51 mô hình kinh tế hiệu quả; 84 chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải có thương hiệu, nhãn hiệu, do đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tăng cường hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, giúp hội viên nông dân mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, đưa phong trào nông dân SXKDG đi vào chiều sâu”.
Bài, ảnh: MỘC LAN