Những nhân sự công nghệ điêu đứng vì làn sóng sa thải
Nhiều người kỳ vọng làm việc ở lĩnh vực công nghệ sẽ giúp họ tránh khỏi mọi suy thoái kinh tế. Do đó, bão sa thải gần đây chính là cú sốc, đưa họ về lại hiện thực khó khăn.
Tháng 11/2022, công ty gọi xe Lyft tuyên bố cắt giảm 13% nhân viên, tương đương gần 700 việc làm. Nhân viên Kelly Chang (26 tuổi) không khỏi bất ngờ khi biết tin mình là một trong số những người bị mất việc trong đợt sa thải này.
Trong khi đó, kỹ sư Brian Pulliam (48 tuổi) lại tỏ ra rất bàng quan khi nhận thông báo đuổi việc từ sàn giao dịch tiền số Coinbase. Theo New York Times, phản ứng trái ngược của Kelly Chang và Brian Pulliam khi bị sa thải cho thấy sự đối lập giữa người trẻ và thế hệ trước trong lĩnh vực công nghệ.
Bão sa thải gõ cửa
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, hôm 18/1, Microsoft mở màn làn sóng sa thải của năm 2023 bằng việc cắt giảm 5% số lượng nhân viên, tương đương 11.000 người. Không lâu sau đó, hôm 20/1, công ty mẹ Alphabet của Google tiếp tục tuyên bố cắt giảm 12.000 việc làm.
Đây là 2 cái tên mới nhất trong danh sách những gã khổng lồ công nghệ cắt giảm việc làm quy mô lớn cùng với Meta, Amazon và Salesforce.
Bão sa thải này là một trải nghiệm chưa từng có đối với thế hệ Y và Z (1981-2012) ngày nay. Họ bước chân vào giới công nghệ giữa thời điểm lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Số lượng việc làm tăng với tốc độ chóng mặt nhờ doanh số iPhone.
Trong khi đó, những người thuộc thế hệ X (1946-1980) lại là những người từng trải qua đợt khủng hoảng bong bóng dot-com năm 2000, sự kiện từng khiến hơn một triệu người bị mất việc, hàng loạt công ty ở Thung lũng Silicon phá sản chỉ sau một đêm.
“Ngành công nghệ khi đó như tắm trong biển máu và hậu quả của nó để lại đến cả nhiều năm sau. Thảm kịch khi đó cũng khủng khiếp như hiện tại”, kỹ sư phần mềm Jason DeMorrow chia sẻ. Anh cho biết từng bị sa thải 2 lần chỉ trong 1 năm rưỡi và thất nghiệp suốt 6 tháng liên tiếp.
Theo New York Times, phản ứng khác biệt cho thấy thế hệ mà mỗi người trưởng thành ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm về công việc và thu nhập của họ. Một nghiên cứu vào năm 2011 của nhà kinh tế học Ulrike Malmendier tại Đại học California và Stefan Nagel của Đại học Chicago cho thấy những trải nghiệm thời còn trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư tài chính của họ.
Cụ thể, theo nghiên cứu, những người trưởng thành trong giai đoạn thị trường chứng khoán lao dốc năm 1970 tỏ ra ngần ngại khi đầu tư vào những năm 1980 khi thị trường bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, với thế hệ lớn lên trong thập kỷ 90, xu hướng lại hoàn toàn ngược lại.
“Khi đã trải qua một đợt khủng hoảng, mọi thứ sẽ thay đổi. Họ nhận ra rủi ro sẽ có thể xảy ra nên cần phải cẩn trọng hơn”, giáo sư Nagel chia sẻ.
Với thế hệ X, khủng hoảng bong bóng dot-com đã xảy ra khi họ chỉ vừa mới chập chững vào nghề. Năm 2001-2005, lĩnh vực công nghệ đã mất hơn 1/4 nhân sự, theo thống kê của Cục thống kê lao động Mỹ. Đợt sa thải này còn nghiêm trọng hơn suy thoái kinh tế thập niên 1990 với 5% nhân sự bị sa thải và khủng hoảng toàn cầu năm 2008 với 6% nhân sự bị đuổi việc.
Đến năm 2011, lĩnh vực công nghệ lại quay lại giai đoạn phát triển thần tốc với sự gia tăng đột biến của các đợt tuyển dụng nhân sự. Hơn 100.000 việc làm mới được thêm vào mỗi năm.
Năm 2021, số lượng nhân sự đã tăng lên gấp đôi so với lượng nhân sự bị sa thải từ đợt bong bóng dot-com năm 2000. Đa số nhân sự mới đều đến từ các công ty chuyên về phần mềm, phần cứng, dịch vụ công nghệ và viễn thông, bao gồm Apple, Meta, Nvidia và Salesforce.
Đau khổ khi biết mình là một phần trong danh sách bị sa thải
Song, đã tăng trưởng này chỉ kéo dài đến năm 2022, tiếp sau đó là bão sa thải kéo dài. Triển vọng việc làm trong ngành công nghệ đang ngày càng tồi tệ và các công ty liên tục cắt giảm trước tình hình thị trường khó đoán chưa từng có.
Nói với New York Times, Pulliam nói rằng mất việc ở Coinbase đã mở ra cơ hội mới cho ông. Pulliam đã dùng toàn bộ số tiền bồi thường để mở công ty riêng có tên Refactor Coaching, chuyên tư vấn việc làm cho các kỹ sư công nghệ. “Món tiền như một món quà. Tôi không giữ suy nghĩ suy sụp như mọi người”, ông chia sẻ.
Nhưng với những người lần đầu chứng kiến kinh tế lao dốc, đợt sa thải này chính là trải nghiệm chưa từng có với họ. Kelly Chang từng kỳ vọng tham gia vào lĩnh vực công nghệ sẽ giúp cô tránh khỏi mọi suy thoái. Vì vậy, tin bị Lyft đuổi việc chính là một cú sốc cho cô gái 26 tuổi.
Chia sẻ với New York Times, Erin Sumner (32 tuổi), nhân viên mảng tuyển dụng tại Meta, cho biết cô thường mời gọi các nhân viên mới vào làm bằng cách khoe khoang về mức vốn hóa 1.000 tỷ USD.
Cô thường thuyết phục họ bằng những điểm mạnh của công ty mặc dù giá cổ phiếu năm 2022 và mảng kinh doanh quảng cáo trọng tâm đều có dấu hiệu thụt lùi. Ngay cả khi những tin đồn về đợt sa thải quy mô lớn rộ lên hồi đầu năm, cô cũng trấn an các đồng nghiệp rằng họ vẫn an toàn và công ty còn đến 40 tỷ USD dự trữ.
Nhưng đến tháng 11/2022, trớ trêu thay, Sumner lại là một trong số 11.000 nhân sự Meta bị sa thải.
“Tôi đã rất đau khổ”, Sumner nói. Sau đó, cô gái 32 tuổi đã tìm việc mới tại start-up DeleteMe nhưng vẫn không khỏi rùng mình mỗi khi nghe đến tin tức sa thải hàng loạt. “Tôi sợ mọi thứ chỉ ngày càng tệ hơn. Chẳng có gì là đảm bảo bởi ngay cả công ty an toàn nhất thế giới cũng sa thải tôi”, Sumner chia sẻ.
Tình trạng suy thoái này cũng gõ cửa đến mảng dịch vụ bán phần mềm. Cổ phiếu của Salesforce đã mất gần 50% giá trị vào năm 2022 do tốc độ tăng trưởng giảm sút. Công ty công nghệ đã thu hút không ít sự chú ý trong thời kỳ giãn cách đại dịch Covid-19 khi chi 28 tỷ USD để mua lại Slack. Nhưng chỉ 2 năm sau, con số 80.000 nhân viên giờ chỉ còn 49.000 người.
Trong một cuộc họp vào tuần trước về quyết định sa thải 10% nhân sự, CEO Marc Benioff nói rằng ông rất cảm thông với những nhân viên bị mất việc. “Đây là thời điểm khó khăn của công ty. Mọi mất mát đều sẽ dẫn đến một mất mát khác”, ông nói.
Theo New York Times, Austin Bedford (41 tuổi) biết tin mình bị Salesforce sa thải khi cố không thể đăng nhập vào máy tính và Slack công ty. Ông đã làm việc tại đây từ năm 2021 với mong muốn làm việc cho một công ty tiếng tăm. Vì thế, Bedford không ngờ mình lại mất việc sớm như vậy.
Nhưng ông xem lần đuổi việc này là “cái may trong cái rủi” và khẳng định sẽ cân nhắc hơn khi chọn lựa công việc tiếp theo. “Tôi rất bàng hoàng nhưng chắc chắn vẫn còn điều may mắn đang chờ mình. Điều tôi cần làm chỉ là tin tưởng vào nó”, Bedford chia sẻ.