Những nhân tố giúp Nhật Bản vượt Trung Quốc trên thị trường mua bán-sáp nhập
Do thị trường trong nước đang thu hẹp, động lực lớn nhất cho việc thực hiện các thương vụ M&A của doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian gần đây chính là đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài.
Theo tờ Thời báo Nhật Bản, năm 2019, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chi nhiều tiền hơn các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc trong năm thứ hai liên tiếp để trở thành những doanh nghiệp chi nhiều tiền nhất cho các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) ở châu Á.
Điều này xuất phát từ nền tảng tài chính thuận lợi và mức độ cạnh tranh giảm, trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng.
Năm ngoái, các doanh nghiệp Nhật Bản đã chi hơn 200 tỷ USD để thực hiện các thương vụ M&A ở trong và ngoài nước. Nhiều khả năng hoạt động mua bán doanh nghiệp sẽ tiếp tục trong năm 2020, do sự suy giảm về dân số ở Nhật Bản đang thúc đẩy hoạt động này ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, quá trình rà soát lại công tác quản trị doanh nghiệp cũng buộc các công ty phải xem xét lại những quan điểm từ lâu về M&A.
Dưới đây là 5 nhân tố chủ chốt thúc đẩy hoạt động M&A của các doanh nghiệp Nhật Bản trong năm 2020.
* Mở rộng hoạt động ở nước ngoài
Do thị trường trong nước đang thu hẹp, nên động lực lớn nhất cho việc thực hiện các thương vụ M&A của các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian gần đây chính là sự cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài.
Các thương vụ ở nước ngoài có tổng giá trị gần 112 tỷ USD, chiếm tỷ lệ lớn trong số tiền hơn 200 tỷ USD mà các doanh nghiệp Nhật Bản chi ra để thực hiện các thương vụ mua lại doanh nghiệp trong năm ngoái.
Giới phân tích dự báo các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua lại doanh nghiệp nước ngoài trong các lĩnh vực bảo hiểm, y tế, công nghệ và tiêu dùng.
Mỹ sẽ tiếp tục là đích nhắm lớn nhất về mặt địa lý. Sự cạnh tranh đang giảm từ phía các đối thủ Trung Quốc trong việc mua lại các tài sản ở Mỹ đang giúp tăng cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Chuyên gia Ken LeBrun của công ty Davis Polk Wardwell có trụ sở tại Tokyo nói: “Nếu bạn cố gắng tăng tỷ trọng doanh thu bán hàng ở nước ngoài cho công ty của mình, bạn không thể mua các doanh nghiệp nhỏ. Bạn cần phải mua các doanh nghiệp lớn và Mỹ có nhiều doanh nghiệp lớn đang rao bán hơn bất cứ nơi nào khác”.
* Môi trường đối địch
Mặc dù các hoạt động thâu tóm mang tính đối địch giữa doanh nghiệp Nhật Bản gần như bị ngăn cấm trong nhiều năm qua, nhưng sự nhộn nhịp của các thương vụ kiểu này trong năm 2019 cho thấy làn sóng thâu tóm và sáp nhập được dự báo từ lâu cuối cùng cũng sắp xảy ra.
Làn sóng này bắt đầu vào tháng 1/2019 khi Tập đoàn Itochu đặt giá mua lại cổ phần chi phối của công ty sản xuất quần áo thể thao Descente Ltd. Itochu đã thành công trong thương vụ này và không tốn nhiều thời gian trong việc gạt bỏ đội ngũ quản lý của Descente Ltd.
Trong khi đó, một cuộc chiến gay cấn hơn về công ty điều hành chuỗi khách sạn ít tên tuổi Unizo Holdings Co. đã bùng nổ vào tháng Bảy khi hãng lữ hành HIS Co. có ý định kiểm soát doanh nghiệp này. Unizo đã nỗ lực tìm kiếm sự trợ giúp và điều này đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn như Fortress Investment Group, với sự hậu thuẫn của hãng viễn thông SoftBank và gần đây nhất là đề xuất mua toàn bộ cổ phiếu được Lone Star Group hậu thuẫn.
Mới đây, Hoya Corp. đã gây ngạc nhiên khi chào mua NuFlare Technology Inc. với mức giá cao hơn so với đề xuất trước đó của Toshiba Corp. nhằm nắm quyền kiểm soát công ty con đã niêm yết này.
Chuyên gia Yoshihiko Yano, người đứng đầu bộ phận M&A của Goldman Sachs Group Inc., nhận định xu hướng thâu tóm mang tính thù địch này có thể sẽ tiếp tục trong năm 2020, bởi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã sẵn sàng theo đuổi các tài sản mà họ muốn để hướng tới mục tiêu tăng trưởng.
* Hoạt động tích cực của các quỹ đầu tư tư nhân
Chuyên gia Koichiro Doi, người đứng đầu bộ phận M&A tại Nhật Bản của JPMorgan Chase & Co., cho biết có sự gia tăng của các yêu cầu cung cấp thông tin từ các công ty quản lý quỹ tư nhân đang tích cực tìm kiếm cơ hội ở Nhật Bản.
Theo ông Jeff Acton, Giám đốc Điều hành BDA Partners ở Tokyo, nguyên nhân dẫn tới xu hướng này là sự thay đổi suy nghĩ về việc bán doanh nghiệp cho công ty quản lý vốn tư nhân.
Các thương vụ lớn liên quan tới các quỹ đầu tư tư nhân trong những năm gần đây đã dẫn tới sự thay đổi về tư duy này. Chẳng hạn, thương vụ Bain Capital chi 18 tỷ USD để thôn tính mảng kinh doanh chip nhớ của Toshiba vào năm 2018 hay thương vụ KKR & Co. chi 4,3 tỷ USD mua lại hãng cung cấp linh kiện ô tô từ Nissan Motor Co. năm 2016.
KKR & Co. cho biết năm ngoái, Nhật Bản là “ưu tiên cao nhất của hãng này” sau Mỹ, và tập đoàn này đang huy động tiền cho một quỹ mới trị giá 12,5 tỷ USD để đầu tư vào thị trường châu Á. Tất cả các quỹ lớn đều đang tìm cách phân bổ nhiều vốn hơn cho thị trường Nhật Bản, bởi “đây là một thị trường rất nóng về mặt huy động vốn”.
* Cổ đông có tiếng nói lớn hơn
Những nỗ lực rà soát lại hoạt động đầu tư và quản trị công ty mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thúc đẩy đã buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải chú ý tới các cổ đông của mình và cho phép nhà đầu tư lên tiếng nhiều hơn.
Theo số liệu của IR Japan Holdings Ltd., trong tháng 6/2019, các cổ đông đã đưa ra đề xuất tại các đại hội đồng cổ đông của 54 công ty, tăng 35% so với năm 2018.
Áp lực đòi tăng tỷ suất lợi nhuận và hiệu quả sử dụng vốn từ phía các cổ đông đối với các doanh nghiệp có thể sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp này rời bỏ các hoạt động không cốt lõi và tìm kiếm các thương vụ sáp nhập bổ sung cho các hoạt động kinh doanh chủ chốt của mình.
Năm ngoái, các cổ đông đã thành công ở những mức độ khác nhau. Marathon Asset Management đã phản đối việc sa thải lãnh đạo mảng sản xuất bệ xí (toilet) của Lixil Group và cuối cùng đã giúp ông này quay lại chiếc ghế của mình. Tuy nhiên, nhà đầu tư Dan Loeb đã không thành công trong nỗ lực thay đổi ban lãnh đạo tại Sony Corp. mùa Hè năm ngoái khi tập đoàn này bác bỏ đề xuất của ông bán mảng bán dẫn và dịch vụ tài chính.
* Sự thay đổi về cấu trúc
Cơ cấu phức tạp của nhiều tập đoàn ở Nhật Bản từ lâu đã gây trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư đặc biệt chỉ trích việc cả công ty mẹ và công ty con đều niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, nhiều công ty đã bắt đầu hạn chế hoặc bán bớt các công ty con đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của mình sau những lời kêu gọi đòi thay đổi về hoạt động quản trị doanh nghiệp ở bên ngoài và hoạt động rà soát của Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo.
Năm 2019, Honda Motor Co. và Hitachi Ltd. đã đồng ý sáp nhập 4 công ty sản xuất linh kiện ô tô thành một công ty, trong khi Mitsubishi Chemical Holdings Corp. đã đưa ra đề xuất mua lại toàn bộ cổ phần của hãng dược phẩm Mitsubishi Tanabe Pharma Corp. với giá 4,5 tỷ USD.
Hitachi và Toshiba cũng có các bước đi tương tự nhằm sáp nhập hoặc bán bớt các công ty niêm yết mà họ đang kiểm soát.
Các nhà đầu tư dự báo rằng Sony, Fujitsu Ltd. và NEC Corp. cũng sẽ tiến hành các biện pháp để thu gọn danh mục các công ty con của họ trong năm 2020./.