Những nhân viên thích khoe khoang nhưng chẳng làm gì
Những người lao động dành nhiều thời gian để nói hơn làm tác động không nhỏ đến doanh thu, năng suất của công ty và còn kéo thành tích tập thể đi xuống.
Trong những tuần gần đây, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về quiet quitting (tạm dịch: âm thầm nghỉ việc) diễn ra trong giới cổ cồn trắng trên khắp thế giới.
Đây là những nhân viên đã mất niềm tin vào công ty và từ bỏ nỗ lực hàng ngày, với các dấu hiệu là không còn kiểm tra email vào cuối tuần hoặc nhận nhiệm vụ cấp bách khi trời tối.
Họ cố gắng tồn tại ở văn phòng bằng cách làm việc một cách hạn chế nhất có thể, theo The Guardian.
Tuy nhiên, các cuộc tranh cãi đã hoàn toàn bỏ qua loud labourer (tạm dịch: lao động ồn ào), ám chỉ những người dành nhiều thời gian để nói hơn là thực sự bắt tay vào làm.
Họ xem nhiệm vụ cốt lõi của mình là phóng đại với mọi người về những gì đã thực hiện. Đối với những cá nhân này, làm tròn trách nhiệm là một suy nghĩ xa vời.
Ngoài ra, họ cũng thường xuyên đăng tải hình ảnh chăm chỉ lên mạng xã hội nhưng đó đều là những điều dối trá.
Nói nhiều nhưng không làm gì cả
Thực ra, loud labourer là hiện tượng không mới và phổ biến trong môi trường công sở. Thế nhưng, khái niệm này mới được chú ý gần đây đi kèm với quiet quitting.
Nếu được sếp giao cho một nhiệm vụ hoặc dự án, điều đầu tiên mà nhóm lao động ồn ào làm là thở dài, than vãn. Một số nhà tâm lý học chỉ ra rằng rên rỉ, càu nhàu là báo hiệu sự đóng góp của một người với hy vọng gặt hái được phần thưởng.
Ví dụ, người thợ săn cố gắng bắt được con mồi vì mong muốn được chia phần nhiều hơn từ chiến tích, hoặc ít nhất là có thêm địa vị trong vòng tròn xã hội.
Người đầu bếp nói về nỗ lực mà anh đã thực hiện để chế biến món ăn hy vọng sẽ nhận được sự chú ý lớn hơn, ngay cả khi đó chỉ là lời khen ngợi.
Tiếng than thở của các vận động viên quần vợt chuyên nghiệp cũng được hiểu là một loại tín hiệu cạnh tranh mà họ gửi đi nhằm giành được lợi thế trước đối thủ.
Khi công việc ngày càng trở nên phức tạp, các chiến thuật của người lao động ồn ào cũng diễn ra tương tự.
Những tiếng thở dài, rên rỉ và càu nhàu không còn đủ nữa. Họ phải áp dụng các chiến thuật tự quảng bá bản thân khác. Chẳng hạn, khoe khoang trong cuộc họp về công sức đã bỏ ra để dồn vào một dự án.
Những đối tượng này rất giỏi với việc phát triển các kế hoạch chi tiết và tầm nhìn, thành tựu đạt được trong tương lai.
Đối với họ, một nhiệm vụ không được nói đến chứng tỏ nó chưa hoàn thành.
Trong suốt thập kỷ qua, khi nơi làm việc bị thay thế bằng không gian ảo, nỗ lực của nhân viên ngày càng vô hình.
Nhiều người cảm thấy bị đánh giá thấp vì không có sếp hoặc đồng nghiệp nào chứng kiến sự vất vả của họ.
Người lao động trở nên tuyệt vọng về một số hình thức công nhận. Trong thế giới làm việc từ xa, họ nhận ra rằng chỉ những người có công việc mới được nhìn thấy và nói về phần thưởng xứng đáng. Vì vậy, họ cố gắng tìm mọi cách để phô bày nỗ lực cá nhân.
Tỏ ra bận rộn
Các nhân viên thích nói hơn làm nhận gần như bất cứ điều gì họ đụng tay vào và gắn nhãn là "công việc". Dù đó chỉ là một việc đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian, công sức cũng được biến thành rất nặng nhọc.
Bên cạnh đó, nhóm này luôn thể hiện mình rất bận rộn, cuộc sống luôn xoay quanh làm việc và deadline bất tận.
Hơn một thế kỷ trước, Thorstein Veblen, nhà xã hội học người Mỹ, đã phát hiện ra xu hướng conspicuous consumption (tạm dịch: tiêu dùng phô trương) - những hành động thái quá mà người giàu dùng để bày biện sự giàu có của họ.
Ngày nay, hiện tượng đó được nhận ra trong conspicuous production (tạm dịch: phô trương năng xuất). Thay vì thể hiện địa vị thông qua việc ăn uống tại nơi đắt đỏ, mọi người cố gắng nâng cao địa vị của mình bằng cách phô trương năng suất quá mức.
Đối với một số người, trở thành nhân viên ồn ào sẽ dễ dàng thăng tiến hơn. Một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế học đã chỉ ra ra rằng các bé trai ở độ tuổi khoảng 11 hoặc 12 có nhiều khả năng tự quảng bá bản thân hơn, đặc biệt là khi mô tả công việc của nam giới một cách rập khuôn.
Rõ ràng điều này có thể khiến người khác gặp bất lợi. Một nghiên cứu khác về các nữ nhạc sĩ cổ điển cho thấy trong khi họ áp lực phải thúc đẩy bản thân để có được công việc thì phái nam lại không như vậy. Hành vi “tự đề cao” mâu thuẫn với kỳ vọng thông thường của phụ nữ là “khiêm tốn”.
Tuy nhiên, những người thích khoe khoang về bản thân, chia sẻ thành công sẽ giúp họ thu hút sự chú ý nhưng ít được yêu mến.
Tự đề cao quá nhiều có thể gây hại cho bộ phận và toàn bộ tổ chức. Một thống kê gần đây cho biết việc có một thành viên thích nói hơn làm trong nhóm có thể kéo thành tích của tập thể đi xuống.
Trong khi người âm thầm nghỉ việc chọn mặc kệ mọi thứ thì những người lao động ồn ào lại thích nhận nhiệm vụ dễ dàng khoe khoang.