Nhung nhớ sắc hoa của mùa xuân cao nguyên
Một sớm đầu xuân, có một người vào công ty sớm như thường lệ, tranh thủ xem lại email công việc, thì bất ngờ nhận được một bức ảnh chụp muôn vàn sắc hoa mùa xuân đang bừng nở giữa cao nguyên với lời nhắn của cô em gái: chị có về cùng gia đình ăn Tết không?
Giật mình nhận ra Tết sắp đến mà mình vẫn chưa có một dự định nào rõ ràng cho sự trở về, mới đáng trách làm sao. Đột nhiên, bao ký ức đẹp về mùa xuân ngập tràn sắc hoa ở cao nguyên lại quay trở về.
Quê tôi vốn là một làng nhỏ thuộc vùng cao nguyên Hà Giang. Ấn tượng lớn nhất của tôi về mùa xuân quê nhà là vẻ rạng rỡ của những sắc hoa bừng nở trên khắp các triền đồi. Dẫu điều kiện địa lý không thật sự ưu ái cho vùng cao nguyên đá nơi tôi sống nhưng bà con quê tôi vẫn quen dần với khí hậu khắc nghiệt cùng những rừng đá lởm chởm, sắc lạnh, các đỉnh núi cao quanh năm mây mù che phủ. Chắc cũng vì lẽ đó nên vùng đất quê tôi được thiên nhiên ưu ái ban phát cho những sắc hoa tuyệt đẹp không nơi nào sánh bằng.
Nhà tôi chỉ là một ngôi nhà gỗ đơn sơ nằm ở lưng chừng đồi. Những ngày mùa đông giá rét, bọn trẻ con chúng tôi thường lầm lũi đi về trong mưa phùn và giá lạnh. Mãi cho đến khi mùa xuân về với những cơn gió dịu dàng hất tung mái tóc rối của lũ trẻ, lòng chúng tôi mới bắt đầu cảm thấy háo hức.
Tôi vẫn thường đùa với mọi người rằng bản thân là người phụ nữ chỉ biết sống theo mùa, chứ không quan tâm đến ngày tháng. Đùa nhưng là thật vì ngay từ những ngày còn nhỏ, đứa trẻ ngây thơ là tôi chẳng cần xem lịch hay quan tâm thời gian, vẫn nhận ra thời điểm mùa xuân về. Đó là những ban mai khi giật mình tỉnh giấc giữa lưng chừng giấc mơ, nhìn ra khung cửa sổ sau nhà, thấy bạt ngàn sắc hoa đào phớt hồng xen kẽ bên sắc hoa mận trắng tinh khôi. Ngoài vườn, từng đám hoa cải vàng như nắng hòa quyện cùng mấy luống hoa củ cải trắng như những hạt sương mai. Thu hút đám ong bướm nhất có lẽ là đám hoa dong giềng vàng tỏa hương thơm thuần khiết ở góc vườn.
Đôi lần cùng mẹ lên nương rẫy, tôi thường ngẩn ngơ đứng ngắm cả những triền hoa dại bạc hà mọc ven những chân núi vắng. Đầu xuân, khi thời tiết dần trở nên ấm áp hơn cũng là lúc những cánh đồng hoa tam giác mạch bừng nở sắc trắng hồng dưới nắng. Điều thú vị của những cánh đồng này là chỉ trong một thoáng lát, ánh nắng hồng tươi sẽ nhuộm sắc hoa lên ngày càng đậm dần. Đất trời khi vào xuân, vô tình thay, đã trở thành người họa sĩ phối nên những màu sắc khéo léo đến sững sờ.
Hoặc những khi nhàn rỗi, mấy chị em tôi sau khi phụ mẹ nhổ cỏ dại, tưới nước cho mấy luống bắp cải, sẽ cùng nhau đi dạo quanh những gốc hoa, nghe tiếng rù rì của mấy cánh ong mật. Phía xa hơn chút, gần kề bên thung lũng ngập tràn ánh nắng, sẽ là một vạt cải hoa vàng nằm cạnh một nương củ cải quá lứa, đã trổ hoa trắng khiêm nhường và dịu dàng. Những củ cải trồi lên khỏi mặt đất, khoe lớp vỏ xanh mơn mởn. Thi thoảng, lại có vài củ cải nặng đến hàng cân được người dân tận dụng chủ yếu để nuôi gia súc. Rau màu ở quê như cũng biết cảm thương cảnh khó nhọc của chủ nên lớn nhanh như thổi, bất chấp sương gió vùng cao.
Nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất với tôi vẫn là sắc hoa mận và hoa lê bừng nở trắng muốt, thuần khiết. Đâu đó, bên mái ngói nhà nâu xỉn, một gốc hoa lê trổ bông. Những bông hoa trắng mỏng manh nhưng kiên cường cứ thế mọc qua những rào đá, vươn qua mái ngói nâu sậm, như đang thi gan cùng sương tuyết. Bên gốc cây bừng nở, mấy đứa trẻ con trong xóm cùng nhau bày trò nghịch ngợm, tiếng cười đùa rộn vang trong rét mướt. Những em bé với hai bầu má hồng thơm như trái đào chín ở vùng cao, không có áo bông, chỉ lặng lẽ bước đi bằng chân trần đọ cùng đá sắc. Những đôi mắt trong veo tựa sương mai khiến bất kỳ ai cũng phải động lòng thương cảm. Nhưng có hề gì khi các bé đều là hoa của đá, chẳng có khắc nghiệt nào đọng được vào những đôi mắt non tơ ấy.
Dưới làn gió xuân ấm áp, những bông hoa xinh xắn quấn quýt bừng nở sắc trắng cạnh mấy cánh cổng gỗ của tường rào đá quanh làng tôi tạo nên một phong cảnh diễm lệ mà thanh thuần đến lạ kỳ. Người dân làng tôi rất tự hào về bức tường rào được tạo thành từ mảnh đá đen sắc, kết bện cùng nhau, cùng mềm mại uốn lượn quanh những ngôi nhà trong làng. Theo lời mẹ tôi kể lại thì những bức tường rào không được kết dính bằng bất kỳ chất liệu nào, được dựng lên bằng kinh nghiệm bao đời và bàn tay thô ráp, rắn chắc của người Mông. Tình yêu của người quê tôi là thứ keo kết dính đặc biệt. Nó là nét văn hóa đời đời nơi cực bắc. Có cảm tưởng những hòn đá xếp bên nhau, tôn cao nhau như một vòng tay được nối rộng để kết nối mọi gia đình miền núi.
Đôi lần, giữa những bộn bề, tấp nập nơi phố thị, tôi hay thèm những chuyến về quê, để lặng lẽ ngắm nhìn những sắc hoa thuần khiết hay mê mẩn nhìn theo những cột khói trên nương như ngày còn thơ. Những làn khói như báo hiệu mùa mới, năm mới, miên man, lan tỏa từ nhà này sang nhà khác, từ bản này sang bản khác. Đôi lần, ngồi ở một góc chợ phiên, tôi khẽ nhìn những cụ bà với áo lam, áo gụ đi lễ chùa, mà nao nao nhớ bà nội. Những ngày còn thơ, tôi thường được theo bà đi lễ chùa vào những ngày đầu năm. Dẫu bước đi đã có phần chậm chạp, bà vẫn nắm chặt tay tôi, lò dò đi trên con đường xanh mướt màu cỏ non và lắc rắc mưa xuân để bước đến một thế giới với đứa trẻ như tôi còn nhiều lạ lẫm. Bà tôi và cả bố mẹ tôi giờ thành người thiên cổ. Chẳng biết mỗi mùa xuân đến, họ có thật sự quay về ăn Tết với chúng tôi thật không, nhưng tôi vẫn cho mình biết bao hoài niệm đẹp về những mùa xuân đã qua.
Những ký ức tươi đẹp, trong phút chốc, như một thước phim dài quay trở về trong tâm trí tôi, khiến tôi quyết tâm lên mạng đặt vé xe về quê ăn Tết. Để rồi, mùa xuân năm nay, tôi sẽ chầm chậm đi dọc những con đường làng, ngắm nhìn cây lê cổ thụ mùa xuân nào cũng trổ những đóa hoa trắng muốt vươn lên giữa tiết trời giá lạnh. Trên những triền đồi, sắc đỏ của hoa mận càng khiến cho không gian ấm áp đến dịu dàng. Chồi non lộc biếc cũng như bừng thức để hòa vào sắc xuân tươi thắm.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-nho-sac-hoa-cua-mua-xuan-cao-nguyen-297517.htm