Những nhóm ngành nào đang 'sáng cửa' trên thị trường chứng khoán?

Hiện nay, nền kinh tế nói chung trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, số lượng nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương năm nay là không nhiều, trong đó bao gồm thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ.

Những “điểm sáng” của thị trường chứng khoán

Trong tọa đàm trực tuyến “Tâm điểm vĩ mô và thị trường chứng khoán quý IV/2023” diễn ra vào chiều 10/10, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup cho biết: Kinh tế thế giới và cả Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, điều này tác động mạnh tới thị trường chứng khoán.

 Kinh tế thế giới và cả Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, điều này tác động mạnh tới thị trường chứng khoán. (Ảnh: VMX)

Kinh tế thế giới và cả Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, điều này tác động mạnh tới thị trường chứng khoán. (Ảnh: VMX)

Ở thời điểm hiện tại, diễn biến của chứng khoán Việt Nam đồng pha với xu hướng chung toàn cầu, nhưng có phần tích cực hơn. Cụ thể, nếu VN-Index vẫn giữ được mức tăng gần 15% sau 9 tháng, khởi sắc hơn các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia.

Trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư đang bị tác động bởi những yếu tố đến từ quốc tế và trong nước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn phát đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất trong khi chỉ số DXY mạnh lên khiến dòng vốn đầu tư xoay chiều. Trong nước, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng hay những biến số vĩ mô được giới đầu tư chú ý.

Ông Trần Ngọc Báu cho rằng, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới là thời điểm để nhà đầu tư chọn lọc những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh sáng cửa.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay thì VN-Index cũng như hầu hết các chỉ số chứng khoán khác đều có sự hồi phục trở lại với xu hướng tăng mạnh mẽ. Điểm cộng lớn nhất của VN-Index trong tình hình 9 tháng đầu năm vừa qua là yếu tố về mặt thanh khoản.

“Có thể, về mặt điểm số VN-Index cũng chưa thể quay trở lại thời điểm đỉnh của năm 2021, tuy nhiên thanh khoản của thị trường đã quay lại mức đỉnh của năm 2021”, ông Minh nói.

Thanh khoản trung bình trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 9 ghi nhận xấp xỉ 1 tỷ USD mỗi phiên. Có thể nói giá trị giao dịch của chúng ta đang nhỉnh hơn và nằm trong Top 3 thị trường chứng khoán có giá trị giao dịch thanh khoản khá tốt trên khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, có thể thấy đà tăng của thị trường trong thời gian vừa qua là một trong những yếu tố kích thích dòng tiền gia tăng vào thị trường, cộng với tác động từ bối cảnh lãi suất giảm cũng như sự kỳ vọng của nhà đầu tư trên toàn cầu cũng khuyến khích nhà đầu tư quay lại hoặc gia tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

“Chính vì vậy, chúng ta thấy một lượng tiền lớn dịch chuyển vào thị trường với giá trị thanh khoản lớn như vậy”, ông Minh phân tích.

 Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: VNB)

Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: VNB)

Đến thời điểm hiện tại, trong vài tuần gần đây đã bắt đầu có sự sụt giảm đáng kể, đặc biệt là sau cú sụt giảm vào phiên ngày 18/8 và thời điểm đầu tháng 9 thì có thể thấy tình hình thanh khoản của thị trường đã bắt đầu có chiều hướng đi xuống.

Do đó, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, trong giai đoạn quý IV/2023 và năm 2023, nhà đầu tư vẫn phải chờ vào kết quả kinh doanh quý III này để quyết định nhóm ngành nào là nhóm ngành chúng ta có thể phân bổ vào trong thời gian tới.

“Rót tiền” vào ngành nào?

Hiện nay, nền kinh tế nói chung trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, số lượng nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận dương năm nay là không nhiều, trong đó bao gồm thép, chứng khoán, dầu khí, công nghệ.

Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research phân tích, về nhóm chứng khoán, trong năm nay, khi thanh khoản thị trường quý III năm nay đã tăng 50% so với trung bình năm ngoái, giúp công ty chứng khoán tăng kết quả kinh doanh từ các mảng như môi giới, cho vay.

Thứ hai là nhóm thép. Các doanh nghiệp thép hầu như đều ghi lỗ kỷ lục trong năm 2022. Trong nửa cuối năm nay, dự báo các doanh nghiệp thép chưa quay lại mức trung bình nhưng cũng đã cải thiện so với kết quả năm ngoái, các công ty không còn ghi nhận trích lập hàng tồn kho lớn như 2022. Hiện giá thép cũng chỉ mới đi ngang chứ chưa tăng.

Với nhóm dầu khí, giá dầu đã phục hội khá tốt trong nửa cuối năm nay. Trong thời gian tới, các tổ chức dự báo lớn đều nhận định giá dầu có thể điều chỉnh về quanh vùng 90 USD/thùng do nhu cầu phục hồi và chính sách cắt giảm của Nga và OPEC+ vẫn còn. Ngoài ra, những xung đột gần đây sẽ là yếu tố có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn.

Qua năm 2024, lãnh đạo SSI Research dự báo tổng lợi nhuận doanh nghiệp tăng 17% so với mức giảm 3% của 2023, và mức tăng trưởng sẽ đến từ nhiều nhóm ngành hơn. Lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng cải thiện mạnh trong 2024 tại nhiều nhóm ngành như bán lẻ, thép, phân bón, thủy sản.

“Dù vậy, mặt bằng định giá hiện tại đã phản ánh một phần triển vọng phục hồi lợi nhuận. Do đó, nhà đầu tư cân nhắc mua vào ở những nhịp điều chỉnh hơn là “mua đuổi”, ông Đào Minh Châu nhận định.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-nhom-nganh-nao-dang-sang-cua-tren-thi-truong-chung-khoan-post268046.html