Những nỗ lực tránh cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông sau vụ tấn công Cao nguyên Golan

Ngày 29/7, một số quan chức Chính phủ Israel cho biết nước này muốn nhắm tới nhóm vũ trang Hezbollah mà không kéo Trung Đông vào cuộc chiến tranh toàn diện khi tính toán các phương án đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa tại Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.

Tang lễ các nạn nhân tử nạn trong vụ tấn công bằng rocket xuống thị trấn Majdal Shams, Cao nguyên Golan, ngày 28/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tang lễ các nạn nhân tử nạn trong vụ tấn công bằng rocket xuống thị trấn Majdal Shams, Cao nguyên Golan, ngày 28/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Phía Israel cho rằng lực lượng Hezbollah ở miền Nam Libăng thực hiện vụ tấn công khiến 12 trẻ em và thanh thiếu niên thiệt mạng trong khi Hezbollah phủ nhận.

Hai quan chức Israel khác cho biết nước này đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra một vài ngày giao tranh sau cuộc tấn công tại Cao nguyên Golan ngày 27/7. Theo các quan chức quốc phòng và ngoại giao Israel, các biện pháp đáp trả sẽ được tính toán để không dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện vì sẽ không có lợi cho Israel vào thời điểm này.

Trong khi đó, báo Yedioth Ahronoth của Israel trích lời các quan chức giấu tên cho biết phản ứng của nước này sẽ "hạn chế nhưng đáng kể". Theo đó, các phương án được xem xét gồm một cuộc tấn công hạn chế vào cơ sở hạ tầng như cầu, nhà máy điện và cảng, đến tấn công các kho vũ khí của Hezbollah hoặc nhắm vào các chỉ huy của Hezbollah. Phát biểu khi trực tiếp đến Cao nguyên Golan thị sát, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Nhà nước Israel sẽ không để vụ việc trôi qua mà sẽ có phản ứng mạnh mẽ.

Về phần mình, Ngoại trưởng Libăng Abdallah Bou Habib cho biết các bên liên quan, trong đó có Mỹ, Pháp và các nước khác, đã thực hiện một loạt hoạt động ngoại giao để kiềm chế phản ứng của Israel. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Al-Jadeed, ông Bou Habib nêu rõ đã nhận được những đảm bảo rằng Israel và Hezbollah sẽ hành động một cách hạn chế.

Trước đó, Thủ tướng Libăng Najib Mikati cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các bên liên quan, các nước châu Âu và các nước Ả-rập để bảo vệ Libăng cũng như ngăn chặn các mối nguy hiểm. Theo người phát ngôn Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ (LHQ) tại miền Nam Libăng Andrea Tenenti, cơ quan này cũng đã tăng cường liên lạc với Chính phủ Israel và Libăng để xoa dịu căng thẳng, kêu gọi tìm kiếm giải pháp ngoại giao, tránh để xung đột lan rộng.

Theo các nguồn thạo tin, Mỹ đang dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn Israel tấn công thủ đô Beirut của Libăng hoặc cơ sở hạ tầng dân sự lớn. Trọng tâm của hoạt động ngoại giao “con thoi” là kiềm chế phản ứng của Israel, ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Beirut đông dân, các vùng ngoại ô phía Nam của thành phố này được cho là khu vực trung tâm hoạt động của Hezbollah hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay và cầu.

Trong diễn biến liên quan, ngày 29/7, báo chí Iran dẫn lời Tổng thống đắc cử Iran Masoud Pezeshkian cảnh báo mọi cuộc tấn công của Israel nhắm vào Libăng đều sẽ phải hứng chịu “những hậu quả nghiêm trọng”.

Cảnh báo được nhà lãnh đạo Iran đưa ra trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó nhà lãnh đạo Pháp cũng cho biết đã trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cam kết “sẽ làm mọi việc để tránh nguy cơ leo thang xung đột mới trong khu vực, thông qua trao đổi thông điệp với tất cả các bên liên quan”.

Cùng ngày 29/7, trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Najib Mikati và người đồng cấp Abdallah Bou Habib của Libăng, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty tái khẳng định lập trường ủng hộ kiên định của Cairo dành cho Beirut, bác bỏ mọi mối đe dọa có thể làm suy yếu sự ổn định hay an ninh của nước này. Ông Abdelatty bày tỏ mối quan ngại của Ai Cập về cuộc xung đột leo thang giữa Israel và lực lượng Hezbollah cũng như những tác động tiềm tàng của tình hình hiện nay đối với an ninh Libăng.

Xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Libăng đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi xung đột Hamas - Israel nổ ra tháng 10/2023 và đang ở giai đoạn căng thẳng nhất kể từ năm 2006. Hezbollah, một đồng minh của lực lượng Hamas, tấn công Israel nhằm ủng hộ người Palestine và sẽ chỉ ngừng bắn khi Israel ngừng cuộc chiến ở Dải Gaza. Ngày 29/7, người phát ngôn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby tin tưởng sự việc ở Golan sẽ không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán đang diễn ra về lệnh ngừng bắn và việc thả các con tin bị Hamas bắt giữ ở Gaza.

Xung đột ở biên giới Libăng và Israel đã khiến hàng chục nghìn người dân ở cả 2 bên phải di dời. Trong khi đó, các hoạt động đi lại quốc tế tới Libăng cũng đình trệ. Nhiều hãng hàng không đã phải hoãn hoặc hủy các chuyến bay đến sân bay duy nhất còn hoạt động ở Libăng là Beirut. Mới nhất, 2 hãng hàng không Air France và Transavia France của Pháp đã tạm dừng các chuyến bay đến thủ đô Beirut của Libăng trong 2 ngày 29 và 30/7 do lo ngại về Tình hình an ninh tại điểm đến.

Trước đó, ngày 29/7, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cho biết đã có cuộc thảo luận với những người đồng cấp Katz của Israel và Abdallah Bou Habib của Libăng nhằm ngăn nguy cơ bùng phát cuộc xung đột mới tại Trung Đông.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Tajani cho rằng việc phá vỡ vòng xoáy bạo lực là hoàn toàn khả thi. Theo ông Tajani, nếu phong trào Hezbollah tôn trọng Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ, vốn giúp chấm dứt xung đột Israel - Hezbollah tại miền Nam Libăng vào năm 2006, thì nguy cơ Israel tấn công có thể được ngăn chặn.

Mặc dù cho rằng việc sơ tán khoảng 3.000 người Ý đang sống ở Libăng sẽ chỉ cần thiết nếu khủng hoảng xấu đi, song trong tình hình hiện nay, ông khuyến cáo công dân Ý nên rời khỏi Libăng. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Ý đối với hòa bình, ổn định khu vực, bao gồm sự đóng góp của Ý trong Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Libăng (UNIFIL).

Ông kêu gọi các bên đảm bảo việc bảo vệ UNIFIL, trong đó hiện có khoảng 1.000 binh sĩ Ý. Nhà ngoại giao hàng đầu của Ý tin rằng việc tiếp tục và mở rộng xung đột không phải là mong muốn của bên nào, tái khẳng định sự ủng hộ của Ý đối với bất kỳ sáng kiến hòa giải nào nhằm thúc đẩy đối thoại.

Cùng ngày, Chính phủ Đức kêu gọi tất cả các bên liên quan trong xung đột tại Trung Đông ngăn căng thẳng leo thang, sau vụ tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã có cuộc thảo luận với một số nhân vật, trong đó có người đồng cấp Libăng nhằm ngăn tình hình leo thang.

Người phát ngôn nêu rõ Đức rất quan ngại về tình hình thực địa, đồng thời khuyến cáo công dân Đức tại Libăng rời nước này khi còn có thể. Ước tính khoảng 1.300 công dân Đức đang sinh sống tại Libăng.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên đoàn Ả-rập (AL) Ahmed Aboul-Gheit bày tỏ quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hezbollah lan rộng. Trong tuyên bố, Tổng Thư ký Aboul-Gheit cảnh báo xung đột hiện nay có thể đẩy toàn bộ Trung Đông vào chiến tranh.

Ông khẳng định đoàn kết với Libăng, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ hành động leo thang nào cũng có thể đe dọa tới an ninh và ổn định của toàn khu vực. Ông dự kiến sẽ có cuộc thảo luận với các đối tác quốc tế để hạ nhiệt tình hình, tránh nguy cơ đối đầu lan rộng.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/319075/nhung-no-luc-tranh-cuoc-chien-tranh-toan-dien-o-trung-dong-sau-vu-tan-cong-cao-nguyen-golan.html