Những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

ĐBP - Xuất thân là những người nông dân nghèo khó, nhưng với bản chất cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập cao. Nhờ đó từng bước vươn lên thoát đói nghèo, trở thành các hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương…

Mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất, chế biến dong riềng của gia đình anh Đặng Văn Lộc cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Anh Lộc phơi miến thành phẩm.

Làm giàu từ mô hình kinh doanh tổng hợp

Sau nhiều năm vất vả ngược xuôi với đủ các nghề buôn bán, chăn nuôi, làm xưởng dệt ở vùng quê Hà Nam nhưng cuộc sống chẳng khấm khá hơn. Năm 2006, vợ chồng chị Lê Thị Mai quyết định lên thị trấn Điện Biên Đông để phát triển kinh tế. Sau 1 năm đi làm thuê bưng bê, phục vụ, học hỏi kinh nghiệm tại quán ăn, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay 500 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông để mua nhà mở cửa hàng ăn uống, kinh doanh tạp hóa. Mặc dù quán nhỏ nhưng lượng khách rất đông nên chỉ sau vài năm kinh doanh gia đình chị đã trả được số nợ đã vay, đồng thời còn có vốn mua thêm đất để mở rộng nhà hàng. Từ quán ăn nhỏ phục vụ khách đi đường đến nay nhà hàng của chị đã có diện tích lên hơn 300m2 chuyên phục vụ tiệc cưới, hội nghị.

Bên cạnh việc kinh doanh nhà hàng ăn uống, năm 2014 chị đã đầu tư mua gần 8.000m2 đất tại thị trấn để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gia cầm, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả vừa cung cấp thực phẩm sạch phục vụ nhà hàng vừa bán ra thị trường. Mỗi năm gia đình chị nuôi khoảng 10 con lợn nái, 50 - 60 con lợn thịt/lứa, gần 400 con gia cầm, đào 2 ao cá với diện tích khoảng 700m2 kết hợp với trồng rau màu, cây ăn quả các loại (vải, nhãn, bưởi, na, ổi, xoài, thanh long...). Mô hình kinh doanh tổng hợp giúp gia đình chị Mai có nguồn thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm, được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Trong hội nghị tổng kết phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2021 được tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, chị Mai vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào.

Tay trắng thành ông chủ chế biến dong riềng

Như bao nông dân khác, trước đây vợ chồng anh Đặng Văn Lộc, đội 8, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) chỉ quen “chân lấm tay bùn”, quanh năm ra đồng trồng rau, cấy lúa, ở nhà nuôi lợn, thả gà. Làm lụng vất vả nhưng cũng chẳng có của ăn của để. Năm 2012, tận dụng diện tích đất đồi của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư mua giống dong riềng về trồng rồi nhân giống bán cho bà con trong vùng, đồng thời mua máy nghiền về làm miến dong. Anh Lộc chia sẻ: Ban đầu gia đình chỉ sản xuất quy mô nhỏ với số lượng khoảng 20 tấn miến thành phẩm/vụ (kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau). Nhu cầu thị trường lớn, giá thành cao nên anh vận động bà con trong vùng mở rộng diện tích trồng dong riềng và cam kết bao tiêu sản phẩm. Anh đầu tư khoảng 200 triệu đồng để mua hệ thống máy móc sản xuất miến dong, chuyển đổi diện tích trồng dong riềng của gia đình sang làm bãi tập kết nguyên liệu, bãi phơi bột, phơi miến thành phẩm... Nhờ có nguồn nguyên liệu dồi dào, từ việc phải sản xuất theo mùa vụ anh đã có đủ nguyên liệu để làm quanh năm. Hiện mỗi năm gia đình anh thu mua khoảng 1.000 tấn dong riềng, sau khi sơ chế sản xuất được khoảng 100 tấn miến thành phẩm. Đến nay, mặt hàng miến dong của gia đình anh đã có mặt ở gần 20 tỉnh, thành trong cả nước, như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng yên, Bà Rịa - Vũng Tàu... Với giá bán trung bình khoảng 50.000/kg miến. Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 1 tỷ đồng từ việc sản xuất, chế biến dong riềng.

Mô hình phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh nhà hàng ăn uống kết hợp V.A.C của gia đình chị Lê Thị Mai (thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông) cho thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

Đáng nói là trong khi nhiều cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, nhưng cơ sở sản xuất miến dong của gia đình anh Lộc lại xử lý rất hiệu quả việc xả thải nước và bã dong riềng. Bã thải được thu gom ủ làm phân hữu cơ bán cho người trồng hoa màu, nước thải được cho ngưng tụ vào bể chứa để làm nước tưới cho gần 1ha lúa nước của gia đình. Nhờ đó việc sản xuất, chế biến miến dong không làm ảnh hưởng đến môi trường. Cơ sở sản xuất của gia đình anh Lộc còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 200.000 - 330.000 đồng/ngày. Trong thời gian tới, anh tiếp tục mở thêm 1 xưởng sản xuất, chế biến dong riềng tại vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất dự kiến khoảng 2.000 tấn dong tươi (tương đương khoảng 400 tấn bột/năm).

Thu nhập cao nhờ mô hình V.A.C

Sau nhiều năm vất vả, lam lũ tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng ông Đặng Đình Phiên, thôn Thanh Bình, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) đã thành công với mô hình V.A.C cho thu nhập lên tới gần 700 triệu đồng/năm. Ông Phiên tâm sự: Đầu những năm 2000, do không còn nhiều diện tích đất để chăn nuôi bò sinh sản, ông đã bán đàn bò để chuyển sang mô hình V.A.C. Từ số vốn tích cóp được, ông đào 2.500m2 ao để nuôi cá giống, cá thương phẩm các loại (trắm, trôi, mè, chép, rô phi). Cùng với đó, ông đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gia cầm kết hợp với trồng gần 2.000m2 mía, rau màu các loại. Hiện mỗi năm gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 45.000 con cá giống, 15 tấn cá thịt, 25 tấn lợn thịt cùng hàng tấn rau các loại. Ngoài ra, ông còn mở thêm cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản để bán cho bà con trong vùng.

Mô hình phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi, đào ao thả cá kết hợp trồng rau của gia đình ông Đặng Đình Phiên cho hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Ông Phiên cho cá ăn.

Thành công từ mô hình VAC không chỉ giúp gia đình ông Phiên có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện mua thêm đất, mua sắm phương tiện, vật dụng cần thiết cho gia đình mà còn được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh, được nhiều bà con trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập.

Đây chỉ là một số nông dân điển hình trong tổng số hơn 3.020 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn tỉnh. Phát huy bản chất cần cù, chịu khó nhiều nông dân tích cực học hỏi kinh nghiệm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dám nghĩ dám làm, không nản lòng trước gian khổ để từng bước vượt qua khó khăn, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng mảnh đất quê hương Điện Biên ngày càng giàu đẹp.

Đức Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/193019/nhung-nong-dan-san-xuat-kinh-doanh-gioi