Những nông dân trên đảo Trường Sa
Nằm cách đất liền 250 hải lý, Trường Sa là huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Khánh Hòa. Chưa đến Trường Sa, ai cũng nghĩ nơi đây chỉ có cát trắng, nắng vàng, khí hậu gió biển mặn mòi, khắc nghiệt. Nhưng trên đảo, một màu xanh bao la trải dài với đủ loại cây trái, rau xanh, gia súc, gia cầm, mùa nào thức ấy do chính những người nông dân trên đảo vất vả chăm sóc, vun trồng…
Xuân này, ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, màu xanh bạt ngàn của cây lá đã nhuộm kín từng góc đảo. Ngày trước, rau xanh là “đặc sản” của đảo vì khan hiếm, khó trồng. Nhưng giờ đây, hầu hết các đảo đều trồng được rau với đủ loại tươi tốt, giúp cải thiện đáng kể bữa ăn cho quân dân trên đảo. Bên những gốc cây bàng vuông, phong ba, là những ô rau xanh mơn mởn của các đơn vị bộ đội và nhân dân.
Mùa nào, rau ấy. Khi chúng tôi đến, Trường Sa đang là mùa đông mà cái nắng vẫn như thiêu, như đốt. Vậy mà, trong những khu vườn, những giàn mướp, giàn bầu, bí trĩu quả; những luống rau dền, rau lang, rau muống, mồng tơi vẫn lên xanh tốt nhờ bàn tay chăm sóc cần cù của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây.
Hộ gia đình đầu tiên mà chúng tôi gặp là anh chị Nguyễn Minh Vinh và Vã Thị Sông, quê ở huyện Ninh Hòa. Gia đình anh, chị có bốn nhân khẩu, hiện con lớn của họ đã vào đất liền để theo học trung học cơ sở, con gái út đang theo học lớp 3 của Trường tiểu học Trường Sa. Là một trong những hộ gia đình ra lập nghiệp tại đảo Trường Sa, anh chị đã đem theo nghề trồng trọt và chăn nuôi truyền thống của gia đình, nhờ vậy, cuộc sống kinh tế của gia đình được cải thiện.
Anh Vinh tâm sự, làm nông nghiệp trên đảo luôn gặp rất nhiều khó khăn do gió biển, nắng nóng và nước ngọt hạn chế. Muốn trồng rau phải có giá thể tốt, nhà lưới có mái che kín. Việc chăn nuôi cũng vậy, do thiếu thức ăn cho nên chỉ những loại gia súc, gia cầm dễ chăm sóc như gà, vịt, ngan, ngỗng, lợn… mới phát triển tốt được. Bù lại, trong điều kiện tự cung, tự cấp, gia đình nào cũng tự nuôi trồng và có thời gian tập trung chăm sóc cho nên rau xanh và thực phẩm chăn nuôi đã cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Gia đình anh Vinh đã có những mảnh vườn rau quanh năm xanh tốt, có đàn gia cầm đủ cung cấp thực phẩm không chỉ cho gia đình mà còn góp phần vào bữa ăn chung của bộ đội trên đảo. Ra đảo sau anh Vinh, gia đình anh Hiền cũng có cuộc sống kinh tế khá đủ đầy và hạnh phúc. Gia đình anh Hiền hiện có bốn người cùng sống trên đảo Trường Sa. Hai đứa con, một cháu 2 tuổi, một cháu 5 tuổi đều đang học trên đảo.
Anh Hiền cho biết, việc nuôi trồng thủy sản trên đảo luôn được anh ấp ủ khi ra đảo sinh sống cùng anh em bộ đội nhưng thực tế thì chưa phát triển được do khí hậu ở đây quá khắc nghiệt. Hiện nay, đã có những đoàn công tác từ đất liền ra khảo sát, tìm giải pháp áp dụng công nghệ cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên đảo.
Anh mong rằng cũng như vật nuôi, cây trồng trên đất cát và đá san hô, trước đây không làm được thì nay đã làm được, việc nuôi trồng thủy sản sẽ sớm thực hiện được để nâng cao giá trị kinh tế biển và trước mắt là để phục vụ bữa ăn hằng ngày cho quân và dân. Cùng với gia đình anh Vinh, anh Hiền, các hộ gia đình khác trên đảo Trường Sa cũng đang nỗ lực vươn lên để trở thành những người nông dân giỏi trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực nguồn rau xanh và thực phẩm dồi dào cho những bữa ăn của quân và dân trên đảo.
Bộ đội Trường Sa, ngoài công tác huấn luyện giỏi cũng trở thành những “nhà nông” thứ thiệt. Chúng tôi ghé thăm các mảnh vườn của Cụm chiến đấu số 2 đúng lúc cán bộ, chiến sĩ đang thu hoạch rau xanh phục vụ bữa cơm chiều. Trong vườn, những giàn bầu, bí trĩu quả, luống rau mồng tơi, muống, cải các loại đang phát triển tươi tốt. Giữa vườn rau xanh còn có giếng khơi cung cấp đủ nước ngọt cho sinh hoạt của toàn cụm và tưới rau.
Đại úy Lý Quý Cường, Bí thư Chi bộ cho biết, nhiều năm nay, cụm luôn trở thành đơn vị xuất sắc của đảo trong việc tăng gia sản xuất. Ngoài giờ hành chính, sau những buổi tập trên thao trường, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị lại tập trung chăn nuôi, chăm sóc vườn rau. Nhờ vậy, bữa cơm hằng ngày của đơn vị luôn có rau xanh và thịt gia súc, gia cầm. Các cụm chiến đấu số 1, số 3 cũng có những đàn gà, ngan, vịt và vườn rau xanh do bộ đội tăng gia.
Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Thượng tá Phạm Thế Nhương tâm sự, trước đây, do khan hiếm nước ngọt và rau xanh cho nên các chiến sĩ ở đảo chủ yếu ăn thực phẩm đông lạnh. Hiện nay, rau xanh và thực phẩm do bộ đội và nhân dân tự sản xuất đã được đưa vào các bữa ăn hằng ngày. Để phát triển các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, hằng năm bộ đội Trường Sa có các phong trào thi đua, trong đó không thể thiếu phần đánh giá kết quả trồng rau xanh và nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả cao của các cụm chiến đấu và các đơn vị trên toàn đảo.
Giờ đây, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trên đất liền, phong trào sản xuất nông nghiệp trên đảo ngày càng có chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Một chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao ra quần đảo Trường Sa đã được Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tiến hành tại các đảo.
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, hơn 1.000 cây xanh và cây ăn quả các loại đã được trồng tại đảo Trường Sa, Trường Sa Đông và Đá Tây. Các chủng loại cây đã thích ứng với môi trường biển, đảo, sinh trưởng, phát triển tốt, tạo bóng mát, cảnh quan cho đảo. Dự án còn trồng các loại rau xanh năng suất cao, thích nghi tốt với điều kiện vùng khó khăn và hiện đã được chuyển giao cho bộ đội.
Tin vui mới đến với Trường Sa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dự án khuyến nông Trung ương thực hiện từ năm 2023.
Theo đó, 37 dự án được thực hiện từ năm 2023, trong đó, dự án xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng, vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa tạo môi trường đất, giá thể phù hợp môi trường biển, đảo sẽ được tiến hành trong hai năm 2023, 2024. Dự án sẽ cung cấp thực phẩm (rau, thịt) tại chỗ, nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác cây trồng, kỹ thuật chăn nuôi cho nhân dân và chiến sĩ trên đảo.
Thông qua dự án, sẽ cải tạo và xây dựng 15 mô hình (năm mô hình sản xuất rau, năm mô hình chăn nuôi vịt biển và năm mô hình trồng cây xanh tạo cảnh quan) tại các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Tiên Nữ và Thuyền Chài. Cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo được tập huấn kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới và kỹ thuật chăn nuôi vịt biển…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-nong-dan-tren-dao-truong-sa-post736099.html