Những nông dân tỷ phú ở Đông Thọ

Chuyện những người dân thu nhập tiền triệu, tiền tỷ ở đất vùng khó Đông Thọ (Sơn Dương) đã khẳng định sự vươn lên bền bỉ trong gian khó của những nông dân dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi tư duy để thay đổi cuộc sống. Những mô hình kinh tế thu nhập tiền tỷ trên chính đồng đất quê hương đã tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Dám làm, dám đổi mới

Được mọi người đánh giá là người dám nghĩ, dám làm, ông Đỗ Ngọc Chúc, thôn Xạ Hương đã vượt qua cảnh nghèo khó vươn lên là hộ nông dân sản kinh doanh sản xuất giỏi, có doanh thu đạt trên 12 tỷ đồng/năm. Ông Chúc chia sẻ, sinh ra không may mắn, mắt nhìn không được rõ nên ông đã phải nghỉ công việc làm hợp đồng cho một cơ quan nhà nước về làm kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Từ kinh doanh, ông đã giành dụm được chút vốn liếng để chăn nuôi. Ông đã vận động gia đình xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của gia đình 500 triệu đồng, vốn vay ngân hàng theo hỗ trợ lãi suất của tỉnh 500 triệu đồng.

Để thực hiện có hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp, ông Chúc đã tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế từ các trang trại khác đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong, ngoài tỉnh. Ngoài ra ông còn tham gia các buổi hội thảo, các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn do các công ty cung cấp thức ăn, công ty thuốc thú y và các cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh tổ chức. Với sự quyết tâm và sự chịu khó học hỏi, ông đã xây dựng hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc với hệ thống chuồng hở bán tự động. Với 40 con lợn nái, ông đã chủ động được về con giống để nuôi mỗi lứa 200 con lợn thịt. Ông còn chăn thả thêm 600 con gà, 100 con ngan.

Ông Đỗ Ngọc Chúc (bên trái) giới thiệu trang trại qua camera của gia đình.

Ông Đỗ Ngọc Chúc (bên trái) giới thiệu trang trại qua camera của gia đình.

Khoát tay về phía trước, ông Chúc bảo: “Trước đây đó là khu vực ruộng rộng trên 1 ha sình lầy, không cấy được lúa, nhiều khi bỏ hoang. Năm 2018, tôi quyết định lấy đất đồi lấp xuống để cải tạo đất trồng cây ăn quả và dãy chuồng nuôi lợn thương phẩm, đồng thời cải tạo 3 sào thành ao để nuôi cá và ba ba”.

Trời không phụ công người! Vất vả hơn chục năm qua, giờ ông Chúc đã có một trang trại diện tích hơn 4 ha. Trong đó, đất trồng rừng 2 ha, đất trồng cây ăn quả 0,5 ha, đất xây dựng trang trại nuôi lợn 1,5 ha. Khu trang trại nuôi lợn được xây dựng 2 dãy chuồng với 58 ô chuồng hở, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn trang trại tổng hợp, doanh thu từ chăn nuôi lợn năm 2019, đạt trên 6 tỷ đồng. Năm 2020, ông Chúc tiếp tục đầu tư 1 tỷ đồng để mở rộng xây dựng thêm 1 dãy chuồng 800m2 với 40 ô chuồng, quy mô chăn thả 400 con lợn thịt siêu nạc/năm và đầu tư thêm một bộ khai thác tinh lợn trị giá 40 triệu đồng để phục cho việc chăn nuôi của gia đình và nhân dân trong thôn, trong xã.

Giới thiệu hệ thống chuồng lợn qua hệ thống camere, ông Chúc bảo “Nhà báo thông cảm, chăn nuôi lợn phải phòng dịch nghiêm ngặt, nhất là thời điểm này khắp nơi bị dịch tai xanh, dịch tả lợn châu phi, muốn chụp hình hay xem trực tiếp nhà báo phải ở đây 3 ngày, sau đó khử khuẩn mới được vào khu chăn nuôi. Ngoài phòng dịch còn phải tuân thủ tiêm phòng đúng lịch, nếu không chăn nuôi dễ trắng tay lắm!” Bởi vì thực hiện được nghiêm ngặt nên trang trại của ông Chúc không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo tính toán cụ thể của ông Chúc, doanh thu từ trang trại, dịch vụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y bình quân doanh thu của gia đình ông 1 năm đạt trên 12 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2 tỷ đồng.

“Dám mạo hiểm thì mới phát triển được như hôm nay” - anh Âu Văn Quán, dân tộc Cao Lan ở thôn Trung Thu chia sẻ. 2 năm trước anh Quán “tay không” xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm. Anh bảo “Không vốn, không kỹ thuật chỉ có một thứ duy nhất là khu vườn này” nhưng nếu không “liều” không thay đổi tư duy làm kinh tế thì nghèo mãi. Anh Quán đã tìm hiểu cách làm chuồng trại từ thực tế và trên mạng intenet, anh cũng tìm đến công ty bán giống và thức ăn chăn nuôi nhờ tư vấn. Vất vả, khó khăn nhưng anh không lùi bước, quyết tâm làm bằng được, sau 5 tháng anh Quán đã xây dựng mô hình nuôi gà cách xa nhà trên 100m. Trên là đồi rừng có nguồn nước khe sạch phục vụ nước uống cho gà, dưới là khu ruộng rộng trên 1 ha của gia đình, biệt lập khu dân cư.

Anh Quán cho biết, mỗi lứa anh nuôi 3.000 con gà thịt, lúc được giá nhất lãi khoảng 80 triệu đồng/lứa, thời điểm thấp nhất như tháng 8-2020 chỉ được khoảng 20 triệu đồng/lứa. Lúc giá gà xuống thấp anh cũng nuôi đều để giữ mối cho đầu ra. Trang trại nuôi gà của anh Quán đã được cấp giấy chứng nhận trang trại, đây là điều kiện để anh phát triển lâu dài và gây dựng thương hiệu riêng cho mình. Hiện toàn bộ gà của trang trại được Công ty Dabaco bao tiêu đầu ra.

Định hướng thời gian tới, anh Quán tâm sự, anh đang nghiên cứu hơn 1 ha đất của gia đình gần khu chăn nuôi gà để đưa vào trồng dưa chột liên kết với doanh nghiệp để tăng hiệu quả đất sản xuất và tận dụng triệt để nguồn phân gà. Bên cạnh đó, duy trì phát triển 2 ha đất trồng rừng.

Thay đổi tư duy sản xuất đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho ông Chúc, anh Quán, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Thu nhập tiền tỷ từ chăn nuôi

Anh Nguyễn Ngọc Sáng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ được biết đến là ông chủ trạng trại lợn có quy mô lớn nhất huyện Sơn Dương. Doanh thu năm 2019 của anh Sáng đạt 20 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi 8 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động tại địa phương với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Trang trại với quy mô xây dựng trên 4 ha, 5 dãy chuồng khép kín, vốn ban đầu 5,5 tỷ đồng, chăn nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp hóa. Anh Sáng cho hay, năm 2014 sau khi đã tìm hiểu nắm vững được quy trình, kỹ thuật về xây dựng chuồng trại nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại theo phương án gồm chuồng trại, kho, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Khởi đầu, anh Sáng đã nhập 160 con lợn nái siêu nạc có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để tự sản xuất con giống đảm bảo chất lượng nuôi thịt. Theo anh Sáng, thành hay bại ở việc nuôi lợn là phòng ngừa vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng dịch bởi con lợn rất dễ lây bệnh. Anh Sáng cười bảo: “Chăn nuôi cũng nhiều sóng gió lắm! Lúc thì giá thấp, lúc khó nuôi, lúc lại dịch bệnh, lúc thức ăn đắt đỏ... ví dụ như năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp, nếu chèo chống không khéo là phá sản”.

Thời điểm này, để ứng phó có tính lâu dài và chắc chắn, anh Sáng tìm nguồn thức ăn thay thế bằng việc dùng sản phẩm nông nghiệp của địa phương phối trộn và đầu tư hệ thống máy nghiền để làm cám chăn nuôi theo cách riêng. Sản phẩm cám của anh đã thay thế phát huy hiệu quả trong chăn nuôi lợn mà lại giảm 5-10% so với mua cám công nghiệp. Chính biện pháp này đã giúp anh Sáng có lãi 1 nghìn đồng/kg lợn hơi ngay cả khi lợn hơi xuống tới 30.000 đồng/kg, giúp anh vượt qua đợt “khủng hoảng” chăn nuôi lợn an toàn.

Trang Trại nuôi lợn hướng nạc của anh Nguyễn Ngọc Sáng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ.

Trang Trại nuôi lợn hướng nạc của anh Nguyễn Ngọc Sáng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ.

Để sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy mô chăn nuôi hàng hóa, gia đình anh Sáng đã áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp đồng với đơn vị tư vấn có đủ tư cách pháp nhân hướng dẫn trang trại về quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua đánh giá của đơn vị tư vấn, trang trại chăn nuôi được công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi của trang trại đã có uy tín trên thị trường tiêu thụ, chất lượng sản phẩm thịt lợn của trang trại đã được người tiêu dùng lựa chọn.

Từ đầu năm 2018 đến nay, giá lợn hơi trên thị trường đã ổn định trở lại, anh Sáng đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng khép kín để nuôi lợn thịt thương phẩm với quy mô 1.000 con lợn thương phẩm/lứa; duy trì, ổn định đàn lợn nái 200 con, sinh sản ổn định. Do nắm vững về kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật mới hiện đại vào sản xuất, năm 2018, mỗi tháng trang trại của anh Sáng xuất hơn 40 tấn lợn thịt, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn thu lãi 400 triệu đồng. Năm 2019, giá lợn hơi lên giá đỉnh điểm là trên 90 nghìn/kg, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình thu lãi 8 tỷ đồng. Với mô hình chăn nuôi hiệu quả, anh Sáng đã được khen thưởng là nông dân điển hình tiến tiến của huyện Sơn Dương, của tỉnh giai đoạn 2015-2020.

Mỗi người một cách làm, nhưng những tỷ phú nông dân ở Đông Thọ đều là những người chăm chỉ, dám đổi mới tư duy, dám “liều” trong phát triển kinh tế để biến đồng đất của mình “nhả vàng” không chỉ làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho người lao động, góp phần vào sự phát triển của chung của huyện, tỉnh.

Phóng sự: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-nong-dan-ty-phu-o-dong-tho-138377.html