Những 'nốt trầm' phía sau sáng kiến lập pháp đặc biệt
Nghị quyết số 30/2021/QH15 được đánh giá là sáng kiến lâp pháp đặc biệt, nhưng còn đó những khoảng lặng, những 'nốt trầm'.
Bên cạnh khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Nghị quyết 30, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã phải nhắc đến sự chậm trễ, sự tổn thương, sự thiếu tinh thần trách nhiệm... khi thảo luận kéo dài một số chính sách ở nghị quyết này.
Chiều ngày 7/1, Quốc hội dành 1 tiếng rưỡi để thảo luận về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết 30). Nhưng thời gian này không cần dùng hết, bởi chỉ có 8 vị đại biểu đăng ký phát biểu, cũng không có tranh luận nào.
Qua hơn một năm thực hiện, Nghị quyết 30 được các vị đại biểu đánh giá rất cao.
Nghị quyết 30 không chỉ là một sáng kiến lập pháp, mà còn hơn thế là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt. Khẳng định như thế, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng: "Nghị quyết 30 định khung, định hình, đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả đã quyết định làm thay đổi cục diện chống dịch, hàng loạt chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp".
Đây là chủ trương, chính sách hợp lòng dân, thể hiện chủ trương, chính sách phải phù hợp với đòi hỏi thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhấn mạnh.
Có thâm niên trong ngành y, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét, đây là một nghị quyết hết sức kịp thời và rất trách nhiệm của Quốc hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ, các địa phương và cả nước tham gia chống dịch COVID- 9 và Nghị quyết 30 đã góp phần quyết định trong thành công chống dịch COVID-19 ở Việt Nam.
Thế nhưng, việc chính của phiên thảo luận lại không phải là đánh giá ý nghĩa của Nghị quyết.
Bởi Nghị quyết số 30 đã cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt,đặc thù, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, những chính sách đó chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022.
Song, chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch COVID- 19 vẫn chưa thanh toán xong. Tương tự, cơ chế thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 đang thực hiện theo Nghị quyết số 30 cũng cần được tiếp tục.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc chậm thanh toán chế độ cho các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của họ. "Khi các lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, họ không cần biết là họ sẽ được hưởng bao nhiêu tiền, bởi vì lúc đó chỉ lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết, nhưng chúng ta lại cứ căn cứ vào thủ tục, chậm thanh toán, gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng này", ông Ngân phát biểu.
Đề cập lý do của việc chậm trễ ấy, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, khi Quốc hội, Chính phủ đã ban hành chính sách thì có lẽ không phải thiếu tiền, thiếu kinh phí.
"Tôi nhận thấy có 3 lý do, là vì thiếu tinh thần trách nhiệm, vì chưa rõ cần làm như thế nào, đặc biệt bị mất phương hướng sau khi có một loạt những sai phạm xảy ra và một điều nữa là những người có trách nhiệm liên quan thì lại rất sợ sai", ông Trí nhìn nhận. Đại biểu Trí đề nghị khi Quốc hội đã cho kéo dài chính sách thì "đừng để tồn đọng nữa, mất lòng tin của Nhân dân".
Đề cập vấn đề vắc xin, đại biểu Trí nói "với tư cách một người làm chuyên môn và được tham dự nhiều cuộc họp liên quan đến vắc xin, thậm chí có những cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, tôi biết mình đã đi sai đường. Chúng ta đặt gánh nặng phải sản xuất ra vắc xin ở trên vai của những công ty tư nhân. Công ty tư nhân tốt, công ty tư nhân nhiều tiền nhưng về trí tuệ, về kiến thức, về khoa học thì chưa đầy đủ".
Cũng là đại biểu công tác lâu năm trong ngành y, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) khi thảo luận tại tổ đã nêu khá nhiều "góc khuất" khi thực hiện Nghị quyết 30.
Một trong các bài học kinh nghiệm, theo bà, chính là việc tiếp thu các ý kiến phản biện.
"Thời gian đầu, khi chưa có vắc xin thì chúng ta cẩn thận là tốt. Nhưng sau đó vẫn tiếp tục kéo dài việc giãn cách, cách ly thì đã gây thiệt hại rất lớn. Lúc đó, tôi đã nói chuyện với một số lãnh đạo ngành, tôi nói, lỗi lớn nhất của các đồng chí trong đợt dịch bệnh vừa qua không nằm ở chuyện quản lý, mà với tư cách là các nhà chuyên môn, các đồng chí không đủ dũng cảm để nói thật là đến khi đó phải chuyển đổi cách thức chống dịch như thế nào. Trong một số trường hợp, rất cần những ý kiến phản biện dựa trên những căn cứ khoa học", bà Lan chia sẻ.
Nữ đại biểu này cũng lo "mai mốt dịch bệnh quay lại thì sẽ tính thế nào" khi mà Nghị quyết 30 là chỗ dựa cho các lực lượng triển khai thực hiện, nhưng tới khi thanh tra, kiểm toán vào thì "họ chỉ căn cứ theo pháp luật hiện hành thôi, chẳng căn cứ vào Nghị quyết 30 gì cả".
Bởi thế, bà Lan cho rằng, cần xem xét từ gốc rễ vấn đề, tức là luật pháp đủ hoàn thiện để bảo vệ được người tốt và việc xử lý phải được đặt trong hoàn cảnh cụ thể.
Còn nhiều nữa những tâm tư, từ khi "thượng phương bảo kiếm" được Quốc hội trao cho Chính phủ. Rồi Quốc hội cũng sẽ lại đồng ý kéo dài thêm chính sách, tức là vẫn không thu "bảo kiếm" về đúng hạn.
Nhưng những "nốt trầm" đằng sau một quyết sách đúng cần được nhìn nhận thật đầy đủ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-not-tram-phia-sau-sang-kien-lap-phap-dac-biet-d181823.html