Những nụ cười của người dân Mỏ Đá

Khi chúng tôi đến bản Mỏ Đá, những người dân chúng tôi gặp, trên các gương mặt âu lo vẫn chưa hết sự hoảng loạn bởi cơn bão lũ vừa qua đã lấy đi của họ người thân, nhà cửa, của cải. Nhưng, đó đây đã xuất hiện những nụ cười, bởi họ không dám tin trong đời mình lại gặp được những người xa lạ đến cho quà cứu đói, thấy mình được chia sẻ trong lúc nguy nan, được cảm nhận rõ nhất câu nói 'dân mình thương nhau'.

Đường vào bản Mỏ Đá (Tân Dương, Bảo Yên, Lào Cai) sau mưa lũ

Đường vào bản Mỏ Đá (Tân Dương, Bảo Yên, Lào Cai) sau mưa lũ

Ngổn ngang

Trên con đường vào bản Mỏ Đá (một bản nhỏ thuộc xã Tân Dương, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), mọi thứ ngổn ngang. Người dân từ trong bản muốn ra lấy đồ ủng hộ phải đi xe máy 4-5 km đường bùn đất có nơi cao cả mét. Các máy xúc đang làm việc ngày đêm để mở một lối nhỏ đủ để xe gầm cao và xe chở hàng có thể đi qua, đưa nhu yếu phẩm thiết yếu vào tiếp tế cho dân bản.

Hai bên đường, một bên tựa vào lưng núi, có rất nhiều chỗ sụt lở đất đá, có nơi rộng đến 3-4 mét, chặn hết lối đi. Một bên là sông Chảy. Con sông tưởng chừng như hiền hòa và bình yên với dân bản bao đời nay, bỗng chốc cuộn lên dữ dội cuốn đi mọi thứ. Đợt lũ vừa rồi, nước sông dâng lên cao hàng chục mét, ngập qua cả mái nhà.

Sau lũ cuốn, bùn đất dưới sông và sạt lở núi đùn lên cao cả mét trên mặt đường

Sau lũ cuốn, bùn đất dưới sông và sạt lở núi đùn lên cao cả mét trên mặt đường

Theo người dân bản, chỗ cao nhất là điểm trường Làng Phạ nơi tập kết đồ cứu trợ của dân bản từ khắp mọi nơi, nước còn xăm xắp mặt sân. Nước lũ lên nhanh người dân không kịp trở tay. Những ngôi nhà lợp bằng brô - xi măng hoặc mái tôn bên cạnh bờ sông, gần mép đường gần như bị xóa sổ. Tan hoang hết cả. Nước rút, con đường chính nối bản và các bản sâu bên trong với trung tâm thị trấn phố Ràng ngập bùn đất sông, có nơi cao đến cả mét so với mặt đường. Để dọn hết được hết chỗ bùn đất sông và đất đá sụt lở xuống đường chắc chắn còn cần đến cả tháng mới xử lý xong.

Tan hoang là những gì để lại sau cơn lũ đi qua

Tan hoang là những gì để lại sau cơn lũ đi qua

Trên con đường dẫn qua phố chợ, đối diện chợ huyện phố Ràng, Bảo Yên, nơi ít chịu ảnh hưởng hơn, các tiểu thương đem đồ ra phơi. Quần áo, thực phẩm khô, máy móc, linh kiện... ẩm ướt hết cả. Thiệt hại khó mà cân đo đong đếm.

Tâm tư của người dân

“Mất sạch rồi cháu ạ!” - Bác Huệ, một trong số những gia đình bị thiệt hại nặng nề sau lũ cuốn của bản Mỏ Đá lấy tay quệt nước mắt khóc không ra tiếng tâm sự khi có đoàn cứu trợ đến động viên, hỏi thăm. Đợt lũ lụt vừa rồi, nhà bác ở sâu bên trong hơn một chút so với mặt đường nên chưa bị cuốn trôi. Hiện tại nhà bác đang là nơi trú ngụ tạm thời của 4 gia đình khác bị lũ cuốn, đánh sập nhà ở bên phía ngoài. Có 2 người bị thương bác đang cưu mang trong nhà, con bác cũng cứu người trong lũ mà bị thương.

Những người dân trong bản nhà bị cuốn trôi, đánh sập đang trú ngụ tạm trong nhà hàng xóm

Những người dân trong bản nhà bị cuốn trôi, đánh sập đang trú ngụ tạm trong nhà hàng xóm

Lá rách ít đùm lá rách nhiều, bác cũng vừa đi mổ tim về. Mấy hôm trước, khi nước còn dâng cao, con trai bác bị thương do mượn phao bơi ra ngoài lấy thuốc về băng bó vết thương tạm cho những người hàng xóm đang trú ngụ trong nhà mình. “Bác mừng nhất là 10 đứa con, cháu của bác không đứa nào bị cuốn đi. Chúng nó vẫn còn đây là phúc tổ cháu ạ. Rau, cháo có nhau thế là bác mừng lắm. Đói khổ tí cũng chịu được ”. Nói xong, người đàn bà ấy lại lấy vạt áo lên lau nước mắt. Trước đó, bản bị cô lập, điện mất, sóng không có, đường không đi được, người dân muốn ra ngoài phải dùng phao bơi.

“Bản mình dù thiệt hại nặng nhưng còn quá may mắn so với bản khác vì không thiệt hại về người” - Anh Tùng, con trai trưởng bản Mỏ Đá chia sẻ. Sáng nay, khi đoàn cứu trợ đi đến giữa đường thì gặp người dân đang chở trưởng bản đi viện. Đợt lũ cuốn vừa rồi, ông bị sóng đánh bị thương mấy ngày nay, giờ đường thông mới đưa đi viện kiểm tra được.

Bác Huệ rơm rơm nước mắt khi được thăm hỏi, động viên

Bác Huệ rơm rơm nước mắt khi được thăm hỏi, động viên

“Hoa màu hỏng hết cả. Nhà cũng sập rồi, chúng tôi cũng chưa biết làm gì để sống. Giờ tôi chỉ mong muốn đường sớm thông, nhà có điện lại, dọn sạch bùn đất trong nhà rồi từ từ tính tiếp” - Anh Đạt, một trong những người bị thiệt hại nặng nhất đang ở tạm nhà bác Huệ chia sẻ.

Khắc phục hậu quả sau mưa lũ

Ổn định cuộc sống và công việc, tái hòa nhập cộng đồng là mong muốn lớn nhất của người dân sau mưa lũ.

Trong đợt lũ lụt vừa qua, với sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể các cấp cùng sự chung tay góp sức, tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào cả nước, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm nghìn tấn hàng cứu trợ nhu yếu phẩm thiết yếu: Gạo, mì tôm, bánh chưng, rau củ quả, thuốc men, quần áo được chuyển đến tay người dân vùng lũ.

Máy phát điện được các nhà hảo tâm chuyển đến giúp dân bản

Máy phát điện được các nhà hảo tâm chuyển đến giúp dân bản

Hiện tại đồ cứu trợ cũng đã tạm ổn, trước mắt cần dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường, đảm bảo nguồn nước, nguồn điện sinh hoạt cho người dân.

Việc khắc phục hậu quả ở thời điểm này là cần thiết. Người dân cần ổn định nhà cửa, có chỗ cư trú chắc chắn để yên tâm làm ăn. Họ cần được trao sinh kế, con giống, cây trồng cho các hộ khôi phục kinh tế. Các trường học cũng cần được đảm bảo về cơ sở vật chất, điều kiện cần thiết để con em tiếp tục đến trường.

Người dân vui mừng khi nhận được hàng cứu trợ kịp thời

Người dân vui mừng khi nhận được hàng cứu trợ kịp thời

Để làm tốt được việc này cần có sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó là phát huy tình thần nội lực, bản chất dân tộc của cộng đồng, xã hội, các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp cùng chung tay góp sức để việc khắc phục hậu quả được tốt hơn.

Song Thu

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-nu-cuoi-cua-nguoi-dan-mo-da-177411.html