Những 'nụ cười trên đá'
Nụ cười thân thiện, ánh mắt hồn nhiên của những đứa trẻ là điều dễ dàng nhận thấy trong chuyến hành trình đến với xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang).
Đối với những đứa trẻ ở Hà Giang nói chung và huyện Đồng Văn nói riêng, dù cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn, nhưng nụ cười chưa bao giờ tắt.
Dọc trên chuyến hành trình đến với mảnh đất Hà Giang, ngoài sự ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, đường núi quay co, rừng xanh trùng điệp, chúng tôi còn bị thu hút bởi nụ cười thân thiện và ánh mắt hồn nhiên của những đứa trẻ.
Điểm dừng chân trong chuyến hành trình này là tại trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Sà Phìn (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn).
Thầy Lương Minh Hoạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có tổng số gần 750 học sinh, 100% các em là đồng bào dân tộc Mông, sống trên địa bàn xã Sà Phìn. Ngoài điểm trường chính, còn có 4 điểm trường và nơi xa nhất cách 6km.
Do đặc điểm là trường bán trú, nên các em học sinh đến trường vào thứ 2 và sẽ ở lại đến cuối tuần mới về nhà. Chính vì vậy hầu như mọi sinh hoạt, ăn uống, vui chơi của các em diễn ra tại trường học là chính.
Gặp Vàng Thị Mai (học sinh lớp 6B) trong thư viện nhà trường, cô bé thật sự gây ấn tượng bởi sự hồn nhiên, thơ ngây và đặc biệt nụ cười rất duyên dáng. Cô bé bảo rất thích đọc sách, truyện, đặc biệt là những câu chuyện cổ tích vì ở đó có thể gặp được công chúa, hoàng tử, để có thể thỏa thích tưởng tượng trong thế giới của riêng mình.
Mai cũng chia sẻ ước mơ lớn lên muốn trở thành cô giáo vì lý do rất đơn giản là có thể được đọc nhiều sách.
Sùng Thị Dính (lớp 6A) lại mang đến hình ảnh một cô bé hiền lành, dễ thương bởi nụ cười mím chi duyên dáng. Dính bảo hàng ngày sau giờ học nếu không chơi cùng các bạn, em sẽ vào thư viện tìm sách để đọc. Hôm nay thư viện có nhiều sách mới, em sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, nhất là sách về các nhân vật lịch sử, em muốn tìm hiểu để có thể kể cho bố mẹ nghe.
Ở một góc khác của thư viện, các cậu học trò nhỏ đang say mê lắp ghép đồ chơi từ những chiếc hộp kỹ thuật nhỏ xinh và nở nụ cười rạng rỡ khi nhìn thấy thành quả của mình. Hóa ra, với những cô cậu học trò này, có đồ chơi, có sách để đọc đã là niềm hạnh phúc vô bờ.
Dành cả buổi chiều để chơi đùa với các em học sinh, điều dễ nhận thấy là tụi nhỏ rất háo hức và thích thú với mọi trò chơi. Từ trò chơi mèo đuổi chuột, tinh ý, đuổi bắt hay đơn giản chỉ ngồi hát hay kể chuyện cho nhau nghe..., đều được các em hưởng ứng nhiệt tình và luôn thường trực nụ cười rạng rỡ dù thua hay thắng.
Không có áp lực học hành, không "chạy show" đi học thêm như trẻ em thành phố, những đứa trẻ "trên đá" cứ hồn nhiên mà chơi đùa cùng chúng bạn sau mỗi giờ lên lớp.
Nhìn những gương mặt rạng rỡ, háo hức muốn được chơi các trò chơi, được nghe đọc sách hoặc chơi câu đố trong thư viện của đám trẻ, mọi mệt mỏi lúc đó dường như tan biến, cứ thế chúng tôi và đám trẻ lại cùng nhau hòa mình trong các trò chơi của tuổi thơ bất tận.
Trẻ em ở bất cứ vùng miền nào, bất cứ nơi nào trên trái đất này đều có quyền được hưởng hạnh phúc và nhận sự quan tâm, chăm sóc cả về vật chất lẫn tinh thần. Có chăng chỉ khác là ở nơi đồi núi xa xôi này, điều kiện vật chất còn thiếu thốn nhưng đổi lại đời sống tinh thần của đám trẻ nơi đây lại phong phú, bởi chúng thích nghi, hồn nhiên lớn lên và nhìn mọi thứ đều vô cùng trong trẻo.
Nụ cười có thể xoa dịu nỗi đau, xua đi nỗi buồn và tiếp thêm năng lượng, có lẽ chính vì vậy mà ta có thể dễ dàng bắt gặp những "nụ cười trên đá" trên suốt chặng hành trình.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nhung-nu-cuoi-tren-da-380304.html