Những nữ khắc tinh của tin tặc
Nếu các 'hacker' mũ đen chuyên phát tán mã độc gây hại thì sứ mệnh của các 'hacker' mũ trắng là chống tin tặc, loại bỏ virus, các phần mềm độc hại, giúp các tổ chức, doanh nghiệp phát hiện ra lỗ hổng trong phần mềm, hệ thống để giúp bảo mật thông tin và dữ liệu.
Vượt qua định kiến giới
Từ tháng 4/2016, chính quyền Mỹ đã phát động chương trình gọi là "săn tiền thưởng từ mã độc" dành cho những người đam mê nghiên cứu an ninh mạng có cơ hội thi thố tài năng phát hiện những lỗ hổng an ninh trên các trang web công cộng của Bộ Quốc phòng trước khi "hacker" mũ đen kịp hành động. Tiền thưởng 150.000 USD dành cho người nào phát hiện sớm những mã độc nguy hiểm.
Katie Moussouris, một chuyên gia bảo mật phụ trách bộ phận chính sách công ty khởi nghiệp HackerOne, lập luận: "Đó chính là sức hấp dẫn của thị trường mở. Khi hacker mũ trắng phát hiện một mã độc, họ phải lựa chọn cách kiếm tiền từ nó".
Katie Moussouris là một "thợ săn" tiền thưởng tiếng tăm về phát hiện các lỗi phần mềm và là chuyên gia an ninh mạng về các lỗ hổng bảo mật. Katie Moussouris từng làm việc tại bộ phận Trustworthy Computing của Microsoft nhưng sau đó phải từ bỏ vì bị phân biệt đối xử. Theo cô, giá trị của mã độc được xác định qua việc nó sẽ tác động nặng nề đến mức nào cho an ninh công ty. "Một lỗ hổng an ninh tác động đến hàng trăm, hàng nghìn hay hàng triệu người dùng. Đó là vấn đề nghiêm trọng. Do đó, số tiền thưởng phải rất nhiều".
Tại quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, săn tiền thưởng từ virus được coi là môn "thể thao trí tuệ". Đội ngũ "hacker" mũ trắng của Ấn Độ đang kiếm bộn tiền từ Facebook, Google và nhiều công ty khác nhờ vào khả năng bóc trần những lỗ hổng an ninh trên trang web của họ. Trong đó có cô Vandana Verma, kiến trúc sư bảo mật của công ty GSI Labs, IBM India Software Labs, thành viên của một cộng đồng "hacker" có đạo đức và các nhà nghiên cứu an ninh mạng, chống tin tặc.
Vandana bắt đầu sự nghiệp của mình cách đây 14 năm. Công việc đòi hỏi cô phải tìm ra lỗ hổng trong hệ thống và thực hiện các hoạt động khai thác trước khi kẻ gian xâm nhập. Vandana vẫn nhớ vụ việc năm 2017 khi dữ liệu của 148 triệu khách hàng của Equifax, một cơ quan báo cáo tín dụng tiêu dùng, đã bị lộ thông tin qua lỗ hổng máy chủ web. Cô phát hiện ra một lỗ hổng tương tự trên máy chủ Apache mà các "hacker" tấn công bằng các mã độc từ xa và chiếm quyền kiểm soát.
Vandana là thành viên của một số nền tảng tập trung vào an ninh mạng: IBM WISE (Women in Security Excellence), OWASP (Open Web Application Security Project)… Cô còn nằm trong ban giám đốc toàn cầu của Infosec Girls, WoSec (Women of Security) và Null. Bản thân cô phải vượt qua nhiều định kiến giới để theo đuổi nghề này. "Khi tôi khởi nghiệp, an ninh mạng không được coi là một lựa chọn nghề nghiệp, đặc biệt là đối với phụ nữ. Khi tôi nói với mẹ tôi rằng tôi làm việc như một chuyên gia bảo mật thông tin, bà ấy còn tỏ vẻ ngạc nhiên", Vandana nói.
Tạo chỗ đứng trong giới hacker
Sinh ra tại Hồ Nam (Trung Quốc), Xiao Tian lãnh đạo một nhóm các nữ "hacker" gồm 3.000 thành viên, được gọi là đội Đội nữ an ninh Trung Quốc. Xiao Tian thành lập nhóm hacker này từ tháng 3/2007 để chứng minh rằng phụ nữ cũng có chỗ trong thế giới "hacker". Hiện cô đang làm việc cho tổ chức bảo mật hàng đầu Trung Quốc. Ngoài việc viết các phần mềm hack, cô cũng thường xuyên tổ chức những buổi dạy học "bẻ khóa", thay đổi địa chỉ IP và đánh cắp mật khẩu.
Còn Ying Cracker là một giáo viên tại Thượng Hải (Trung Quốc). Cô thường tham gia vào hoạt động dạy những người có nhu cầu học những vấn đề cơ bản liên quan đến hoạt động tin tặc. Cracker được đánh giá là một chuyên gia trong lĩnh vực viết phần mềm hack. Cô thường cung cấp dịch vụ "bẻ khóa" các phần mềm và kiếm được khá khá tiền nhờ khả năng của mình. Cracker nổi tiếng trong diễn đàn "Chinese Hottie Hackers" và sở hữu một lượng fan khá lớn.
Adeanna Cooke là một hacker người Mỹ nổi tiếng trong giới công nghệ. Xuất thân là cựu người mẫu của tạp chí Playboy, cô từng bị những người bạn cũ sử dụng khuôn mặt của cô ghép lên hình khỏa thân trên nhiều website lạ để tống tiền. Cô đã sử dụng tài năng của mình để "hack" các trang web đó trước khi tìm đến những cơ quan chức năng. Adeanna Cooke được giới "hacker" gọi bằng biệt danh "Hacker Fairy". Đến nay, cô vẫn trợ giúp những người mẫu chuyên nghiệp nói riêng và phụ nữ nói chung trong việc tránh bị lợi dụng hình ảnh trên mạng.
Nguồn: Times of India, Threat Post, Itech Hacks
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-nu-khac-tinh-cua-tin-tac-20210531124134534.htm