Những nữ phi công xinh đẹp chinh phục bầu trời
Những nữ phi công xinh đẹp, đầy tự tin, quyết tâm đã chứng minh: Bầu trời, khoang lái không chỉ dành cho phái mạnh.
Thấy máy bay như gặp người quen
Tâm sự về ước mơ trở thành phi công từ thủa nhỏ, nữ cơ trưởng khả ái Huỳnh Lý Đông Phương nói: “Mình sinh ra và lớn lên tại Brussels (Bỉ), nhưng quê hương Việt Nam luôn trong trái tim mình. Hồi nhỏ, năm nào cũng vậy, cứ nghỉ hè là mình được ba mẹ đưa về Việt Nam, tất nhiên là phải đi bằng máy bay. Không hiểu sao, ngay từ lúc đó, mình đã ước mơ được trở thành phi công. Ước mơ đó lớn dần theo mỗi chuyến đi và bây giờ, ngay cả khi đã trở thành cơ trưởng, mình vẫn chưa bao giờ ngừng khát khao được bay”.
Huỳnh Lý Đông Phương bắt đầu đi huấn luyện phi công từ 2007 tại trường Esma Montpellier, Pháp. Đến năm 2011, Đông Phương chính thức trở thành cơ phó máy bay thương mại cho Vietnam Airlines. Nói có vẻ đơn giản nhưng khoảng thời gian theo học tại Esma thật sự là một thử thách không hề nhỏ với Phương.
"Bầu trời mỗi ngày mỗi khác và không một văn phòng nào có thể đẹp bằng."
Huỳnh Lý Đông Phương - Nữ Cơ trưởng A321 xinh đẹp của Vietnam Airlines
Esma là trường đào tạo phi công hàng đầu thế giới, nổi tiếng với chương trình học căng thẳng, yêu cầu cao. Khóa đào tạo của Đông Phương có 32 người nhưng chỉ có bốn thành viên nữ.
“Nghĩ đến phi công, người ta hay nghĩ đến những quy trình đào tạo khắc nghiệt, đòi hỏi sự kiên trì, thể lực dẻo dai. Cũng vì thế mà lực lượng phi công trên thế giới chủ yếu là nam giới. Đây cũng là một trong những thử thách lớn đối với Phương. Là nữ, Phương đã phải học nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn”, Đông Phương chia sẻ và cho biết, trong quá trình theo học, nhiều lúc không khỏi nản lòng. Những bạn cùng lớp hầu như đều có liên quan đến ngành Hàng không: Bố là phi công, mẹ tiếp viên hoặc thậm chí cả gia đình có truyền thống làm trong ngành hàng không. Nhưng riêng cô, gia đình làm giáo dục nên không có bất kỳ kiến thức gì về ngành Hàng không, ngoài đam mê.
Lúc mới tham gia lớp huấn luyện bên Pháp, Phương cảm thấy rất khó khăn. Các bạn trong lớp nhiều người đã có kiến thức cơ bản về hàng không do trước đó đã bay hay học gì đó liên quan. Phương vào nghề với một con số 0 tròn trĩnh, nhiều lúc có cảm giác không theo kịp các bạn. Phương đã phải cố gắng tập trung vào công việc một cách chuyên nghiệp nhất có thể. Chính điều này đã tạo ra hiệu quả khi Phương là một trong những học viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của khóa.
“Thực ra đã có lúc Phương nghĩ mình có thực sự đủ năng lực để trở thành phi công? Câu hỏi đó không ít lần đặt ra trong tâm trí Phương. Có hôm đang ốm mà phải đi bay huấn luyện, Phương đã nôn trên áo vàng mà mình thường mặc khi đi kiểm tra máy bay, lúc đang bay. Về đến ký túc xá, Phương vừa giặt áo, vừa khóc. Phương suy nghĩ có nên dừng tại đây? Mình có phải sinh ra để làm phi công hay không hay vì mình quá cố chấp, không chịu thừa nhận sự thật là mình không thể. Nhưng ngay sau đó, lúc nhìn lại mình trong gương, Phương mới nghĩ mình đã sai khi có những suy nghĩ ấy. Mình sẽ làm phi công và tốt nghiệp thật tốt”, Đông Phương chia sẻ.
Sau 2,5 năm theo học, Đông Phương đã tốt nghiệp và về Việt Nam đầu quân cho VietnamAirlines khi mới 23 tuổi. Sau bốn năm cầm lái, Đông Phương đã trở thành nữ cơ trưởng đầu tiên của VietnamAirlines.
Nghề phi công dệt nên mọi cung bậc cảm xúc
Xuất sắc trúng tuyển vào cả hai trường Đại học Sư phạm và GTVT, Nguyễn Ly Hương, cô học trò nhỏ quê Lào Cai đã quyết định chọn học trường ĐH GTVT vốn chỉ toàn nam giới. Tốt nghiệp ngành Quy hoạch đô thị, Ly Hương một lần nữa lại có quyết định táo bạo, đẩy cuộc đời sang một ngã rẽ khác khi nộp hồ sơ thi tuyển phi công của Vietnam Airlines.
“Em lựa chọn thi tuyển và theo học phi công hoàn toàn do sở thích cá nhân. Tình cờ thấy có thông báo tuyển dụng phi công của Vietnam Airlines, em nộp hồ sơ và may mắn qua các vòng thi tuyển”, Ly Hương kể.
Nói là may mắn vượt qua các vòng thi tuyển, thực ra Ly Hương đã phải trải qua những vòng sơ tuyển vô cùng ngặt nghèo cả về thể lực và tâm lý. Thực tế, Nguyễn Ly Hương đã “vượt mặt” không biết bao thí sinh nam to khỏe để qua được vòng kiểm tra thể lực quay li tâm. Kế đó là các bài thi tiếng Anh chuyên ngành, kiến thức hàng không, kiểm tra phản xạ, tư duy lô-gic, độ nhạy cảm và quyết đoán để giải quyết những tình huống khẩn cấp…
Sau một năm đào tạo cơ bản trong nước, Ly Hương tiếp tục phải trải qua hai năm “khổ luyện” tại Pháp, tốt nghiệp xuất sắc và nhận tấm bằng phi công thương mại, trở thành nữ phi công đầu tiên của Việt Nam từ cuối năm 2008. Tốt nghiệp khóa đào tạo, Nguyễn Ly Hương được nhận ngay vào Vietnam Airlines.
Khẳng định không cảm thấy quá khó khăn trong quá trình học tập, huấn luyện, Ly Hương cũng nói thêm: “Theo Hương, nghề nào cũng phải học hỏi, rèn luyện và chắc chắn không nghề nào dễ dàng. May mắn cho Hương là luôn tìm được niềm vui trong quá trình học tập, rèn luyện. Hương luôn cảm thấy hào hứng với những bài thực hành bay thực tế, thấy vui vẻ khi vượt qua các mốc huấn luyện, đạt được các yêu cầu huấn luyện. Và dù có mệt mỏi khi phải bay nhiều, học nhiều song vẫn thấy hạnh phúc khi hoàn thành an toàn một chuyến bay... Nghề phi công đã cho Hương đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc”.
Nữ Cơ trưởng sinh năm 1983 này cũng khẳng định, không hề có ý định đổi công việc gì khác. “Được làm công việc yêu thích, được nhận mức lương đủ để sống thoải mái thế nên sao mình lại phải đổi nghề?”, Hương chia sẻ.
Từ radar, đường băng, sân đỗ… đến khoang lái
Xuất thân là một kiểm soát viên không lưu nhưng tình yêu với bầu trời, với khoang lái đã đưa Diệu Hiền đến một quyết định táo bạo: Học làm phi công.
Nữ Cơ phó A321 sinh năm 1985 Hà Thị Diệu Hiền sinh ra và lớn lên ở Huế. Cô gái trẻ tự hào cho biết mình là học sinh của trường Quốc học Huế, ngôi trường năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo học.
“Trước khi đến với nghề bay mình từng là kiểm soát viên không lưu thuộc Công ty Quản lý bay miền Bắc. Nghề kiểm soát viên không lưu đã mở cho mình rất nhiều điều mới mẻ, là bước đi đầu tiên dẫn dắt mình đến gần hơn với radar, đường băng, sân đỗ, và cả với máy bay”, Hiền nhỏ nhẹ nói và cho biết thêm, sau mỗi giờ, mỗi ngày tháng làm kiểm soát viên không lưu, điều khiển máy bay cất hạ cánh, tình yêu nghề, yêu máy bay và những khoảng trời cũng lớn dần lên. Tuy vậy, mình không nghĩ sau này máy bay sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của mình.
“Chỉ đến khi được bay chuyến bay cảm giác - chuyến bay mà kiểm soát viên không lưu bay cùng phi công để hiểu hơn công việc của người lái, mình mới quyết định chuyển sang học bay.
“Vậy là sau gần 5 năm gắn bó với nghề, mình lại bắt đầu theo đuổi ước mơ về một góc nhìn mới, được gần hơn, hiểu hơn máy bay và bầu trời”, Diệu Hiền tự tin chia sẻ và cho biết thêm quyết định chuyển sang theo học phi công sau này đã mang lại cho cô thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị hơn trong cuộc sống.