Những nữ tài xế Grab và hành trình tìm lại niềm vui
Chạy Grab không chỉ mang lại thu nhập, có thời gian chăm sóc gia đình mà còn giúp hai chị Lê Anh Phương (Hà Nội) và Đặng Thị Mộng Ngân (TP.HCM) vượt qua khó khăn, lạc quan trước biến cố cuộc đời.
Hai phụ nữ, một Bắc, một Nam, dù tuổi đời, hoàn cảnh khác biệt nhưng họ lại gặp nhau ở cái duyên với nghề tài xế Grab. Công việc phải đương đầu với nắng gió, bụi đường tưởng chừng không dành cho phái nữ nhưng đối với chị Phương và chị Ngân lại là nghề phù hợp và nhẹ nhàng nhất so với những công việc trước đây. Đáng quý hơn, đằng sau tay lái tưởng chừng yếu mềm ấy lại là nghị lực phi thường của những phụ nữ đảm đương vai trò trụ cột gia đình.
“Nếu biết nghề tài xế công nghệ sớm hơn, có khi chị đã đỡ khổ”
Đều đặn mỗi sáng từ khu trọ thuộc thị trấn Đông Anh (Hà Nội), chị Lê Anh Phương (46 tuổi) trong màu áo xanh lá quen thuộc lại rời nhà, bắt đầu hành trình của một tài xế công nghệ. Nhìn vẻ lạc quan, cứng cỏi của chị ít ai biết rằng người phụ nữ này đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống.
Trước đây, vợ chồng chị kinh doanh hàng phở ở khu Gia Lâm (quận Long Biên). Tuy nhiên, cách đây hơn bảy năm, cả hai vợ chồng đều phát hiện bị viêm gan, phải điều trị ròng rã nhiều tháng tại bệnh viện. Sau khi khỏi bệnh, chồng chị lại mắc thêm căn bệnh ung thư phổi. Biến cố bệnh tật liên tiếp ập đến khiến chị phải cầm cố căn nhà cũ, chuyển về thuê trọ tại Đông Anh để có tiền chạy chữa cho chồng và lo cho các con ăn học.
“Khi không buôn bán nữa, tôi quyết định làm tài xế công nghệ. Những ngày chở khách được rong ruổi bên ngoài tự nhiên thấy thoải mái lắm, thời gian cũng linh hoạt để chăm sóc cho anh, chứ không phải ngồi một chỗ bán hàng từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Nếu biết đến nghề tài xế công nghệ sớm hơn, có khi chị đã đỡ khổ” - chị Phương nói về cái duyên gắn bó với nghề.
Cùng cảnh ngộ, chị Mộng Ngân (32 tuổi), một nữ tài xế tại TP.HCM, cũng mang trong mình nhiều căn bệnh nên chạy Grab là công việc phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bản thân. Với những công việc khác, chị có đau cũng ráng chịu nhưng chạy Grab thì khác, chị chủ động hơn, lúc nào đau quá có thể dừng chân bên đường để nghỉ.
“Tôi mới bắt đầu chạy Grab gần một năm nay, nhờ một anh bạn cũng là tài xế Grab giới thiệu. Mức thu nhập mỗi ngày cũng ổn định, đủ để lo các chi phí sinh hoạt. Với tôi như vậy là tốt lắm rồi, chứ xưa kia may túi, quần áo gia công, ngày có khi có vài chục ngàn đồng thôi” - chị Ngân kể lại.
Mạnh mẽ hơn sau mỗi cuốc xe
Khi được hỏi về ý định gắn bó lâu dài với công việc, cả hai đều khẳng định chắc chắn là có. Với hai phụ nữ kiên cường này, những cuốc xe không chỉ là cái nghề để mưu sinh mà còn là cách họ vực dậy tinh thần trong những lúc bế tắc nhất.
Đã có thời điểm chị Phương muốn buông bỏ tất cả nhưng số phận lại cho chị gặp được một hành khách đặc biệt. Cậu bé là người khiếm thị. Mặc dù không nhìn được nhưng cậu bé vẫn rất lạc quan, thậm chí còn mở được một cơ sở tẩm quất để giúp đỡ những người có hoàn cảnh tương tự.
“Giây phút ấy chị thấy xấu hổ quá. Mình mạnh chân khỏe tay, mắt sáng thế này mà lại nghĩ đến việc buông xuôi. Cái duyên gặp gỡ đó đã cho chị thêm sức mạnh để tiếp tục sống, vững vàng và mạnh mẽ hơn” - chị Anh Phương kể về “chuyến xe định mệnh” của mình.
Chị Phương cũng vui vẻ khoe vừa nhận được sự hỗ trợ từ Grab qua chương trình “Chia sẻ yêu thương”. “Đợt ấy khó khăn quá, cũng may là nhận được hỗ trợ từ Grab. Với nhiều người, số tiền đó không nhiều nhưng với chị đó như nguồn động lực, san sẻ phần nào gánh nặng mưu sinh”.
Ngoài ra, công việc cũng cho các chị gặp gỡ những người đồng nghiệp dễ mến, sẵn sàng giúp đỡ lúc khó khăn hay đơn giản chỉ là chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề với nhau. Lúc mới chạy xe, chị cũng từng bị va quẹt, ngã xuống đường, may là “đồng đội” Grab gần đó dìu dậy, ân cần hỏi han. “Có những lúc lưu thông trên đường, gặp sự cố gì, anh em đồng nghiệp lại nhiệt tình giúp đỡ. Cuộc sống đôi khi cũng chỉ cần những lần ấm lòng như thế là vui rồi” - chị Mộng Ngân vừa cười vừa kể về những kỷ niệm trong nghề của mình.
Đằng sau tay lái còn là giấc mơ
Nghề tài xế với hai chị không đơn thuần chỉ là mở app nhận cuốc mà nó còn là những cuốc xe “đưa đón” niềm vui và những năng lượng tích cực đến với cuộc sống. Và có chăng chính trái tim bao dung, rộng mở của người phụ nữ đã giúp họ cảm nhận sâu sắc hơn những câu chuyện đời, chuyện nghề để có thêm niềm tin, động lực cho chính mình.
Quan trọng hơn hết chính là đằng sau tay lái ấy còn là giấc mơ về một ngày mai tươi sáng hơn, nơi họ được dành trọn vẹn tình yêu bên những người thân yêu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nhung-nu-tai-xe-grab-va-hanh-trinh-tim-lai-niem-vui-965195.html