Những nữ thủ lĩnh của nông dân

Chủ nhiệm hợp tác xã một thời, nay là giám đốc hợp tác xã vốn được mặc định là 'lãnh địa' của những người đàn ông. Nhưng giờ, ranh giới ấy đã không còn nữa, khi ở tỉnh ta, những nữ thủ lĩnh của nông dân có mặt ngày càng nhiều. Ngoài sức bền, sự thấu hiểu, ở họ có cả sự mềm mại, linh hoạt - phẩm chất vốn được ưu ái chỉ dành riêng cho phụ nữ để giải quyết được nhiều phần việc mà ngay cả với đàn ông cũng là việc khó.

Những dấu chân không nghỉ…

Chị Trịnh Thị Thảo, sinh năm 1989, Giám đốc Hợp tác xã Nhật Minh, thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) vốn có bằng kế toán. Về quê một thời gian, nhận thấy nguồn nguyên liệu để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ rất sẵn, tay nghề của những lao động trong làng cũng đủ sức cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường, chị Thảo xin bố mẹ thành lập hợp tác xã sản xuất mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ, nhưng không nhận được sự tán thành. Bố mẹ Thảo muốn hướng con vào làm Nhà nước, mưa nắng gì mỗi tháng cũng có một khoản lương ổn định.

Để bố mẹ yên tâm, chị Thảo nộp đơn vào làm kế toán cho một cơ quan Nhà nước và làm việc được… 3 tháng. Chị Thảo kể, 3 tháng làm kế toán, em gần như không có thời gian nghỉ, công việc ngập kín từ đầu tuần đến cuối tuần, mà thu nhập cũng vẫn trong khoản cố định ấy. Lúc này, chị Thảo vừa làm việc trong cơ quan Nhà nước, vừa tiếp tục tìm kiếm cơ hội với những thanh niên, những phụ nữ có cùng suy nghĩ ở Khuôn Hà. Bố mẹ chị Thảo lúc này không còn nặng nề chuyện làm trong Nhà nước hay làm ngoài nữa, ông bà chỉ mong cô con gái có đủ sức khỏe, đủ đam mê để công việc đạt kết quả tốt nhất.

Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh Trịnh Thị Thảo và sản phẩm cốc tre tạiLễ hội Thành Tuyên năm 2019.

Có sự hậu thuẫn, tháng 4 – 2018, chị Thảo xin nghỉ việc trong cơ quan Nhà nước và thành lập Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh. Sản phẩm của Hợp tác xã chủ yếu là cốc, chén, bát, thìa, dĩa… làm bằng tre, nứa. Thảo chia sẻ, 3 tháng cuối năm 2018, hợp tác xã đã có lãi, tuy còn ít, trên 60 triệu đồng, nhưng đó là kết quả cho niềm đam mê của mình và được các thành viên đã tin tưởng.

Không còn trẻ như chị Trịnh Thị Thảo, Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên) được thành lập năm 2018 do chị Nông Thị Lịch, sinh năm 1970 làm thủ lĩnh. Hợp tác xã mới thành lập nên Ban quản trị, nhất là người đứng đầu còn rất nhiều việc phải làm. Chị Lịch chia sẻ, ngoài bao tiêu sản phẩm cho 16 thành viên, Hợp tác xã vịt bầu Minh Hương cũng lo đầu ra cho hơn 400 hộ chăn nuôi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Đây là bài toán khó với chị Lịch nói riêng và với Hợp tác xã vịt bầu Minh Hương nói chung. Đặc sản vịt bầu Minh Hương vốn đã nức tiếng bốn phương về độ thơm, độ chắc ngọt của thịt nhờ kết tinh từ núi rừng Cham Chu. Bản thân chị Lịch cũng xuất thân là nông dân, cũng đã chăn nuôi nhỏ lẻ bao nhiêu năm nay, nhưng sản phẩm chưa tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường. Thời điểm mới manh nha ý tưởng thành lập hợp tác xã, chị đến từng hộ chăn nuôi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Cái khó nhất là vấn đề con giống, do chưa có nguồn cung chất lượng và ổn định, thêm nữa là vấn đề đầu ra, khi sản phẩm vịt bầu Minh Hương chỉ thật sự hút khách vào những ngày rằm tháng 7, tháng 8, những ngày còn lại trong năm chỉ bán lẻ tẻ. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi ngừng chăn nuôi để tránh thua lỗ.

Khi đã cơ bản nhìn nhận được điểm mạnh, điểm yếu của các hộ chăn nuôi này, đầu năm 2018, chị Nông Thị Lịch quyết định thành lập Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương, mục tiêu là đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con quê mình. Nói thì dễ vậy, nhưng chị cũng mất thời gian để thuyết phục chồng, nhất là bố mẹ chồng, vì người già chỉ muốn con dâu chăm lo chuyện bếp núc, con cái để chồng lo việc lớn. Chị Lịch bảo, may mắn chồng chị là người hiểu chuyện, 2 con trai cũng đã lớn và ủng hộ công việc của mẹ. Cả gia đình đã cùng thuyết phục bố mẹ chồng, để chị chuyên tâm, dồn sức phát triển đặc sản của quê hương.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau…”

Tháng 7-2018, Hợp tác xã sản xuất Sachi hữu cơ Tuyên Quang được thành lập và hoạt động theo hình thức liên kết với các hợp tác xã nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chuỗi liên kết trồng sachi hữu cơ. Chị Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, bản thân chị xa quê đã lâu và hiện đang làm cho 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội, nhưng cái duyên với nghề nông, cái duyên với người dân quê đã vun vén cho ước mơ của chị. Sau khi tìm được nguồn cung cây giống và đầu ra cho sản phẩm mới, chị Hiền liên kết với các hợp tác xã tại Hào Phú, Tam Đa, Phú Lương, Lương Thiện (Sơn Dương); Tân Thành (Hàm Yên), Thành Công của thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) và Bình An (Lâm Bình)… trồng hơn 20 ha sachi. Đây là loại cây mới, đa tác dụng, có tuổi đời tương đối dài, từ 15 - 20 năm. Toàn bộ giống cây trồng, quy trình kỹ thuật, chăm sóc sẽ do hợp tác xã cung cấp, sản phẩm làm ra cũng được hợp tác xã này ký hợp đồng, bao tiêu toàn bộ. Giám đốc Hợp tác xã Sachi hữu cơ Tuyên Quang Nguyễn Thị Hiền cho biết, trước khi thành lập hợp tác xã, chị đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, từ vốn cho đến thị trường, thay vì “quy trình ngược” như nhiều hợp tác xã đang mắc phải. Đó là trồng, có sản phẩm, rồi mới tìm thị trường. Chị cũng tìm hiểu cách thức liên kết với các hợp tác xã nông lâm nghiệp khác, vì theo chị Hiền, không ai gần dân, hiểu nhu cầu của nông dân hơn các hợp tác xã nông lâm nghiệp, họ cũng có lợi thế là có sẵn đất sản xuất, nhưng lại chưa định hướng được cách thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Hợp tác xã sachi hữu cơ Tuyên Quang.

Chị Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Hợp tác xã sachi hữu cơ Tuyên Quang.

Chân lý “Muốn đi xa phải đi cùng nhau” cũng được Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh Trịnh Thị Thảo áp dụng triệt để. Chị Thảo chia sẻ, vì là phụ nữ, nên hoạt động của mình cũng hạn chế hơn so với các bạn nam, nhất là trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra. May mắn của chị Thảo là năm 2018, dự án mây tre đan được lọt vào chung khảo Chương trình Phụ nữ nông thôn khởi nghiệp do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Từ chuyến đi này, chị Thảo tìm kiếm được nhiều cơ hội hơn. Ngoài các đơn đặt hàng truyền thống, chị kết nối với nhiều bạn hàng từ các thành phố lớn như Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Niềm vui của Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh ngay trong những ngày tháng 10 này là 1 đại lý của hợp tác xã đã có mặt tại thành phố Hà Giang, với sản lượng tiêu thụ mỗi tháng ít nhất 3.000 sản phẩm. Đồng thời, doanh thu chính từ kinh doanh online của Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh cũng trên dưới 3 - 4.000 sản phẩm mỗi tháng. Chị Thảo nhẩm tính, năm nay dự kiến khoản lãi của Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh xấp xỉ 200 triệu đồng. Giờ bố mẹ em yên tâm lắm rồi. Ông bà tình nguyện chăm lo công việc, nhà cửa, con cái để chị có thêm thời gian tìm kiếm thị trường, mẫu mã sản phẩm và cơ hội cho nhiều sản phẩm khác của địa phương.

Trong khi lớp trẻ có lợi thế từ internet thì những thế hệ “cũ” như chị Nông Thị Lịch, Giám đốc Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương lấy uy tín, chất lượng sản phẩm để làm thước đo cạnh tranh. Hợp tác xã vịt bầu Minh Hương đầu tư máy ấp trứng, cung cấp nguồn con giống ổn định, sạch bệnh cho người chăn nuôi; đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ dân. Năm 2018, hợp tác xã đã cung cấp cho thị trường hơn 40 nghìn con vịt bầu thương phẩm và hơn 40 nghìn con vịt giống. Đầu năm 2019, Hợp tác xã vịt bầu Minh Hương đầu tư thêm 1 máy hút chân không để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ở khu vực thành phố Tuyên Quang và khách hàng ở tỉnh ngoài. Chị Lịch cho biết, vì mình là phụ nữ, thường xuyên lo chuyện bếp núc nên hiểu rằng, đặc thù của vịt bầu Minh Hương là phải sơ chế ngay trong ngày, nếu bắt về để qua đêm, chất lượng sản phẩm sẽ không được ngon và đậm vị như ban đầu nữa. Ngay sau khi sơ chế, hút chân không, Hợp tác xã vịt bầu Minh Hương sẽ cấp đông và vận chuyển đến khách hàng ngay trong ngày. Doanh thu của hợp tác xã 2 năm trở lại đây đạt trên 2 tỷ đồng/năm.

Những nữ doanh nhân được ví như những “bông hồng vàng”, nhưng với chị Hiền, chị Lịch, chị Thảo và nhiều nữ giám đốc hợp tác xã khác, họ hài lòng với danh hiệu mà nông dân - những người đã đồng hành, tin tưởng họ - đặt cho: Thủ lĩnh”của nhà nông! Với họ, hành trình để có được thành công, chính là hành trình làm cho người nông dân có được một nguồn thu nhập ổn định, và ngày càng tự tin làm giàu nơi “chôn rau cắt rốn” của mình!

Phóng sự: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/nhung-nu-thu-linh-cua-nong-dan-123954.html