Về vùng đất có hơn 600 tỷ phú nông dân, học cách làm giàu từ sản xuất xanh
Ở Kim Thành (Hải Dương), mỗi người chọn một ngành nghề khác nhau để làm giàu. Nhờ sự chủ động trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, linh hoạt thích ứng thị trường, hàng trăm nông dân trên địa bàn huyện vươn mình thành tỷ phú.
Năm 2023, theo mức thu nhập sau khi trừ chi phí, toàn huyện Kim Thành có 666 hộ cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên, 1.520 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, 6.120 hộ thu nhập từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/hộ.
Chuyện của tỷ phú rau quả
Anh Bùi Văn Duy, xã Kim Xuyên là một trong những lá cờ đầu trong phát triển sản xuất sạch, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương với mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Với 3 ha nhà lưới trồng các loại cây dưa lưới, cà chua, ớt chuông, ớt sừng, nho… bình quân mỗi năm, mô hình của anh Duy mang lại thu nhập hàng tỷ đồng. Trang trại của anh cũng đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Duy cho biết anh vốn là dân chuyên tài chính khi tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội. Nhưng rồi, cái duyên với nghề nông đã đưa anh trở lại vùng đất Kim Thành vốn nổi tiếng là vùng “đất lành” ở Hải Dương.
Quyết định trở về quê hương lập nghiệp, với lòng quyết tâm được tích lũy sau 5 năm làm việc tại thành phố lớn, anh Duy tận dụng diện tích đất của gia đình và thuê lại đất của các hộ trong thôn để phát triển khu trồng trọt công nghệ cao.
Xuất phát điểm trên khu đất rộng gần 2ha, không một bóng cây trồng, đến nay một nông trại xanh với đủ loại cây trồng chất lượng cao được mọc lên. Nhưng để có được thành công hiện tại, Bùi Văn Duy cũng trải qua không ít lần “trầy da tróc vẩy”.
Thời gian đầu, vì còn thiếu kinh nghiệm, lại chọn những loại cây trồng đòi hỏi công nghệ cao như dưa lưới, ớt chuông, ớt sừng… nên hiệu quả sản xuất thấp, cây trồng liên tục mắc bệnh, sản phẩm thu về bị đối tác từ chối. Suốt 2 năm đầu (2020-2021), Duy nhiều đêm mất ngủ, thời gian ở trong vườn nhiều hơn ở nhà.
Thế rồi, sau cơn mưa trời đã sáng, những thất bại được rút thành những kinh nghiệm giúp anh Duy dần gặt hái thành công. “Kinh nghiệm là để làm được sản phẩm chất lượng cao là phải sản xuất sạch, sạch ngay từ khâu chuẩn bị đất, nước, không gian cho cây phát triển”, Duy chia sẻ.
Đơn cử, trang trại của anh Duy hiện không dùng các loại thuốc hóa học. Để diệt côn trùng, sâu bệnh, trang trại sử dụng các loại đèn chuyên dụng, hoặc các miếng dính. Các loại phân bón trong vườn cũng được tuyển chọn kỹ lưỡng, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho cây, vừa giảm thiểu ô nhiễm.
“Trái ngọt” từ sản xuất an toàn
Anh Đồng Văn Thuận ở thôn Ninh Hải (xã Kim Tân) cũng là một trong hàng trăm nông dân thành công nhờ theo đuổi phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản, vươn lên làm giàu.
Sau nhiều năm miệt mài mở rộng nuôi thả, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đến nay anh Thuận đã có trang trại rộng trên 40 mẫu, cung cấp ra thị trường từ 80-100 tấn thủy sản/năm và hàng trăm vạn con cá giống. Doanh thu mỗi năm đạt 5 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
Một điểm nhấn trong phong trào phát triển sản xuất, làm giàu ở Kim Thành là sự xuất hiện của hàng loạt HTX điểm. Điển hình như mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao của HTX Âu Việt Farm mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho nông dân trên địa bàn huyện Kim Thành.
HTX Âu Việt Farm được ông Bùi Công Khương xây dựng và phát triển với vốn đầu tư ban đầu 10 tỷ đồng, nằm tại xã Kim Xuyên. Cơ sở định hướng phát triển nông nghiệp trồng rau quả an toàn trong nhà màng, nhà lưới.
Đến nay, Âu Việt Farm đã có hệ thống nhà màng rộng lớn lên đến 30.000 m2 được trang bị hiện đại với 2 cơ sở tại xã Kim Xuyên và xã Tuấn Việt. Mỗi năm, mô hình cho thu lợi nhuận trung bình khoảng 3,5 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Công Khương, với hệ thống sản xuất hiện đại, HTX Âu Việt Farm quyết định lựa chọn dưa lưới làm sản phẩm chủ lực để phát triển. Tuy loại cây này khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, để đa dạng sản phẩm nông nghiệp, HTX Âu Việt Farm cũng trồng thêm nhiều loại rau quả an toàn khác như dưa chuột, cà chua…
Hiện nay, HTX đang phát triển các giống dưa như dưa lưới Nhật TL3, dưa lưới Hà Lan Inthanon, dưa lưới Kim Hoàng Hậu… Sản phẩm dưa lưới ở HTX được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp gần như quanh năm cho thị trường với số lượng lớn nên được nhiều đơn vị thu mua hợp tác lâu dài.
Mỗi năm, HTX trồng được 3 vụ dưa có năng suất cao và mẫu mã đẹp, được thị trường yêu thích sử dụng. Trung bình trên diện tích 1.000m2, HTX sẽ trồng khoảng 2.200 cây dưa lưới và cho thu hoạch sau hơn 2 tháng gieo trồng. Trọng lượng quả dao động từ 1,3-1,5 kg/quả, giá bán từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Trừ các chi phí đầu tư, trung bình vườn dưa lưới do thu lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/1000m2.
Thúc đẩy sản xuất hiện đại
Có thể nói, mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao của HTX Âu Việt Farm là một điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp sạch tại huyện Kim Thành. Mô hình không những mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân mà còn thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang quy trình nông nghiệp sạch, gắn với nhu cầu của thị trường.
Với những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, Kim Thành đang là một trong những đầu tàu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hình thành chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn huyện Kim Thành có 8 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chủ lực, tập trung theo quy hoạch. Nổi bật như vùng nếp Quýt hơn 400 ha ở các xã Cổ Dũng, Cộng Hòa, Tuấn Việt, Kim Xuyên… Vùng trồng dưa hấu 600 ha tập trung ở các xã khu C như Đồng Cẩm, Liên Hòa, Bình Dân… Vùng trồng củ đậu khoảng 380 ha ở các xã Bình Dân, Đồng Cẩm, Kim Tân, Tam Kỳ.
Cùng với đó là vùng trồng chuối có diện tích 190 ha ở các xã Tuấn Việt, Kim Đính, Kim Xuyên, Đại Đức, Liên Hòa. Vùng rau màu VietGAP rộng 57 ha tại các xã Cộng Hòa, Bình Dân, Tam Kỳ, Kim Tân, Đồng Cẩm. Vùng trồng ổi lê ở xã Đồng Cẩm có diện tích 25 ha. Vùng hoa tại xã Kim Đính rộng 16 ha. Vùng trồng vú sữa ở xã Liên Hòa rộng 10 ha.
Thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, đặc biệt nâng cao vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX là một trong những chiến lược quan trọng của huyện. Theo đó, bám sát chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi số để có định hướng ưu tiên phát triển. Tập trung xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh...