Những nước nào đang định hình vận mệnh Syria?

Syria hiện đang trở thành điểm nóng chính trị, nơi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng thông qua các chiến lược ngoại giao, quân sự và kinh tế. Vậy những quốc gia nào đang định hình vận mệnh Syria?

Nỗ lực bảo toàn vị thế của Nga và Iran

Trong bối cảnh chính trị Trung Đông đang chứng kiến những biến động sâu sắc, sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Basha al Assad không chỉ vẽ lại bản đồ Syria, mà còn để lại một khoảng trống quyền lực, đưa quốc gia giàu lịch sử văn hóa này trở thành điểm nóng của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc khu vực và thế giới.

Syria giờ đây đứng trước ngưỡng cửa của thời khắc lịch sử mà những tác động của nó chắc chắn sẽ vượt ra xa khỏi biên giới đất nước. Là một bên hỗ trợ tích cực nhất cho cựu Tổng thống al Assad trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua, Iran đang phải đối mặt với tương lai đầy thách thức, do vai trò trong khu vực bị suy yếu và dễ bị tổn thương. Trong khi đó, cuộc chính biến ở Syria cũng đẩy Nga vào thế tiến thoái lưỡng nan khi xung đột ở Ukraine đang ở giai đoạn quan trọng.

Syria từ lâu giữ vị trí quan trọng đối với Nga, không chỉ vì là đồng minh địa chính trị, mà còn vì các cơ sở quân sự quan trọng như căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ Hải quân Tartus. Những căn cứ này giúp Nga thể hiện sức mạnh ở Địa Trung Hải và duy trì chỗ đứng tại Trung Đông. Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Basha al Assad đã làm phức tạp thêm vị thế của Nga tại Syria.

Mặc dù các hình ảnh từ thực địa cho thấy Nga đang rút quân khỏi tiền tuyến ở Syria, nhưng nước này vẫn duy trì sự hiện diện tại hai căn cứ chính. Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy máy bay Antonov AN-124 đang hoạt động tại căn cứ Hmeimim, có thể đang trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Điện Kremlin tuyên bố rằng chính quyền mới của phe đối lập ở Syria đã đảm bảo an ninh cho các căn cứ quân sự và phái bộ ngoại giao của Nga, nhưng khả năng tồn tại lâu dài của chúng dường như vẫn chưa chắc chắn.

Mặt khác, các nhóm đối lập hiện đang kiểm soát nhiều khu vực ở Syria, bao gồm những nơi từng bị Nga không kích dữ dội trong cuộc xung đột ở Aleppo và Idlib. Điều này khiến cho việc duy trì sự hiện diện quân sự của Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tương lai. Nếu mất các căn cứ ở Syria, khả năng hoạt động hậu cần đến châu Phi sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Theo các nhà phân tích, trong trường hợp Moskva không đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo mới ở Syria, khả năng duy trì sự hiện diện trên biển ở Địa Trung Hải sẽ bị hạn chế. Để đề phòng khả năng này, Nga đang cân nhắc đàm phán thỏa thuận về một căn cứ hải quân mới ở miền Đông Libya. Nga đã rút dần các hệ thống phòng không tiên tiến và các loại vũ khí tinh vi khác khỏi các căn cứ ở Syria và chuyển chúng đến Libya.

Nga đến Syria cách đây 10 năm để không tạo ra một vùng đất khủng bố giống như những gì chúng ta đã thấy ở một số quốc gia khác chẳng hạn như ở Afghanistan. Nhìn chung, Nga đã đạt được mục tiêu của mình ở Syria. Về tình hình ở Syria, chúng tôi mong muốn duy trì quan hệ với các nhóm đối lập và các quốc gia trong khu vực. Phần lớn họ muốn chúng tôi giữ lại các căn cứ quân sự của mình ở Syria. Chúng tôi đang cân nhắc về điều đó.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Việc phe đối lập lên nắm quyền ở Syria có thể làm suy yếu mục tiêu địa chính trị của Nga trong việc tạo đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ ở khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, Moskva có thể thích nghi bằng cách tăng cường liên minh khác trong khu vực, như với Iran hoặc các lực lượng thân Nga khác.

Do đó, giới quan sát cho rằng thiệt hại về chiến thuật và chiến lược của Nga ở Syria không phải là quá lớn. Theo ông Talha Yavuz, nhà phân tích của tờ Daily Sabah, chính phủ chuyển tiếp mới ở Syria thậm chí mong muốn duy trì quan hệ với Nga để cân bằng quyền lực, tránh nguy cơ gây hấn từ Israel. Hơn nữa, Nga cũng có thể tận dụng quan hệ gần gũi với Thổ Nhĩ Kỳ, một nước lớn trong khu vực, để tháo gỡ thế khó ở Syria.

Bên cạnh đó, Nga còn một số ưu thế khác mà phe đối lập Syria muốn tiếp cận, từ các khoản thanh toán tài chính cho đến thiết bị quân sự hoặc dầu mỏ. Nga cũng có thể xúc tiến trao danh tính hợp pháp cho chính phủ mới ở Syria. Các chính phủ phương Tây hiện vẫn liệt nhóm Hayat Tahrir Al-Sham – đứng đầu phe đối lập ở Syria là một tổ chức khủng bố nhưng Nga, với lá phiếu thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có thể giúp xóa bỏ danh xưng đó.

Có thể nói, việc Nga rút khỏi Syria nhấn mạnh động lực thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này. Nó phản ánh sự điều chỉnh trong cách tiếp cận nhằm bảo vệ lợi ích quân sự và chiến lược lâu dài của Moskva tại khu vực, cũng như khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu có khả năng hoạt động trên nhiều mặt trận.

Trong khi đó, Iran đang phải đối mặt với những thách thức nhất định. Syria là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới các liên minh và lực lượng ủy nhiệm mà Iran thiết lập để chống lại ảnh hưởng của phương Tây và tăng cường vai trò ở Trung Đông. Cuộc chính biến tại Syria đã làm rạn nứt trục ảnh hưởng của Iran và báo hiệu nền tảng không vững chắc của dự án tư tưởng và chiến lược do Đại giáo chủ Khameinei khởi xướng.

Các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng các đảng phái chính trị mới ở Syria sẽ xa lánh Iran để cải thiện quan hệ với phương Tây, các quốc gia Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là Iran có thể mất quyền tiếp cận được đảm bảo vào Địa Trung Hải, nhưng họ vẫn có thể tập hợp lại với các lực lượng ủy nhiệm của mình ở Iraq và Yemen.

Vấn đề hiện nay là với sự suy yếu của “trục kháng chiến”, Iran sẽ lựa chọn thay đổi chiến lược như thế nào? Theo hướng trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hay củng cố ảnh hưởng bằng cách cải thiện các mối quan hệ trong khu vực.

Một số ý kiến cho rằng, một chiến lược mới mẻ, linh hoạt và thực dụng sẽ là chìa khóa giúp Iran bảo vệ ảnh hưởng của mình, không chỉ ở Syria mà còn trên toàn bộ Trung Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cạnh tranh ảnh hưởng

Giữa những xáo trộn sâu sắc trên bàn cờ địa chính trị ở Trung Đông, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh của phương Tây đang nổi lên như những nhân tố chủ chốt tại khu vực. Dù còn tồn tại những bất đồng vì cuộc xung đột tại Dải Gaza, hai nước đã đạt được những lợi ích vượt xa kỳ vọng ở Syria. Trong khi Ankara đang nổi lên như một thế lực hàng đầu trong việc định hình tương lai Syria, với tư cách là bên hỗ trợ nhóm đối lập lật đổ chính quyền cựu Tổng thống al Assad, thì Israel đã lợi dụng tình hình hỗn loạn để giải giáp, làm suy yếu năng lực của Syria và các lực lượng thân Iran, xây dựng mạng lưới an ninh và phòng thủ quốc gia.

Sự sụp đổ đột ngột của chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ lên vị trí dẫn đầu trong một Trung Đông đang biến đổi sâu sắc. Điều này giúp Ankara đến gần hơn với tham vọng khôi phục phạm vi ảnh hưởng trải dài khắp các vùng đất Ottoman cũ, cho đến tận Libya và Somalia.

Mọi diễn biến trong khu vực của chúng ta, đặc biệt là Syria, đều nhắc nhở chúng ta rằng đất nước Thổ Nhĩ Kỳ vốn lớn hơn chính nó ở thời điểm hiện tại. Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ không thể thoát khỏi số phận của mình.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan vừa có cuộc gặp với lãnh đạo phe đối lập ông Ahmed Al-Sharaa tại Thủ đô Damascus, nhằm hỗ trợ chính quyền mới của Syria thành lập cơ cấu Nhà nước và soạn thảo hiến pháp mới.

Trong khi đó, Giám đốc tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin được cho là đã có cuộc gặp gỡ với các quan chức đối lập khác tại Damascus và cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Umayyad, một biểu tượng lịch sử tại thành phố này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá, nỗ lực duy trì một chính phủ thân thiện ở Syria vẫn là thách thức lớn đối với Ankara khi phải cân nhắc các lợi ích đối kháng từ các cường quốc khác trong khu vực. Chưa kể, Thổ Nhĩ Kỳ không có đủ nguồn lực để chi trả cho những gì Syria cần.

Đối với Israel, bức tranh chiến lược đã trở nên sáng sủa hơn bao giờ hết. Sự suy yếu đáng kể của Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực tạo ra một khoảng không gian an ninh chưa từng có đối với nhà nước Do Thái này. Tuy nhiên, nếu “trục kháng chiến” do Iran dẫn đầu suy yếu, thì sự hình thành "Trục Hồi giáo dòng Sunni" mới do Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo cũng không phải là thách thức nhỏ với Tel Aviv. Lãnh đạo phe đối lập Syria al-Sharaa, là một người Hồi giáo Sunni. Ông al-Sharaa từng tuyên bố mục tiêu tiếp theo của họ là Jerusalem.

Trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục yêu cầu Israel rút quân khỏi khu vực chiếm đóng xung quanh Cao nguyên Golan của Syria và cáo buộc Israel tìm cách phá hoại quá trình chuyển đổi sau khi chính quyền cựu Tổng thống Assad sụp đổ. Nhưng dù có những căng thẳng hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra một cuộc xung đột công khai giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là rất thấp. Aydin Selcen, cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định rằng cả hai quốc gia đều có lợi ích chung trong việc duy trì ổn định ở Syria.

Cơ hội vàng của Mỹ

Sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Basha Al Assad đã mở ra cơ hội hiếm có cho Mỹ thiết lập lại cán cân quyền lực tại Trung Đông, mặc dù Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng khẳng định "Syria là một mớ hỗn độn" và kêu gọi Washington không nên can thiệp. Trong những ngày qua, Mỹ đang xúc tiến đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo mới tại Syria, với chuyến thăm của phái đoàn ngoại giao đến Damascus. Mỹ cũng đang xem xét đưa các nhóm đối lập ở Syria ra khỏi danh sách khủng bố.

Bà Barbara Leaf - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề khu vực Cận Đông hồi cuối tuần qua đã có cuộc gặp trực tiếp với lãnh đạo phe đối lập Syria Ahmed al-Sharaa. Bà Barbara Leaf tuyên bố rằng Mỹ sẽ bãi bỏ lệnh truy nã trị giá 10 triệu USD đối với ông al-Sharaa, nhưng đổi lại nhóm này phải cam kết ngăn chặn các tổ chức khủng bố hoạt động ở Syria. Về phần mình, ông Ahmed al-Sharaa tuyên bố chỉ muốn xây dựng đất nước và không muốn bắt đầu một cuộc chiến mới.

Chuyến thăm của nhà ngoại giao Mỹ là bước đi đầu tiên trong việc đánh giá tình hình Syria sau cuộc chính biến 8/12, đồng thời tìm kiếm vị thế tại đất nước này. Mỹ đã tăng gấp đôi số lượng binh sĩ tại Syria để đối phó với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngay trước khi ông Assad bị lật đổ. Đồng thời, không quân Mỹ cũng gia tăng đáng kể các cuộc không kích vào các mục tiêu IS nhằm ngăn chặn nhóm này tái tổ chức trong bối cảnh quyền lực tại Syria đang bị bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, mục tiêu thực sự trong chiến lược của Mỹ ở Syria là nhằm tạo ra đòn bẩy đối với Moskva trong vấn đề Ukraine, buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải lựa chọn giữa việc đạt thỏa thuận đàm phán hòa bình ở Ukraine hoặc mất vị trí then chốt trong việc triển khai lực lượng trên toàn khu vực Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Nga có thể chấp nhận tổn thất ở Syria và chuyển hướng sang nước láng giềng Libya, nơi họ cũng có các căn cứ tại Taboruk và các địa điểm khác.

Chiến lược của Mỹ còn hướng tới một mục tiêu dài hạn quan trọng khác: giảm sự hiện diện quân sự trực tiếp tại Syria và Iraq. Bằng cách hỗ trợ Syria tái thiết một nhà nước ổn định và thực hiện giải pháp chính trị, Washington có thể loại bỏ nhu cầu duy trì lực lượng trên bộ trong khu vực. Điều này cũng giúp ngăn chặn không gian chiến trường rơi vào tay các nhóm khủng bố xuyên quốc gia và các phe phái cực đoan.

Có thể thấy, sự sụp đổ của chính quyền Assad mở ra cơ hội cho Mỹ định hình lại bối cảnh chiến lược không chỉ ở Syria mà còn xa hơn nữa. Tuy nhiên, thành công của chiến lược này phụ thuộc vào sự kịp thời, linh hoạt và khả năng thích ứng với những phức tạp của cuộc cạnh tranh địa chính trị hiện đại.

Syria, vùng đất của các nền văn minh cổ đại, đã phải đối mặt với những thách thức to lớn trong thập niên qua. Sự sụp đổ của chính quyền cựu Tổng thống Assad đánh dấu bước chuyển mang tính lịch sử cho vùng đất này nhưng đây sẽ là một quá trình phức tạp và căng thẳng, nhất là nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang một hệ thống ổn định, tôn trọng sự đa dạng trong xã hội Syria. Sự thay đổi tại Syria chắc chắn sẽ tác động đến tính hình địa chính trị Trung Đông nói chung. Những tác động lan tỏa sẽ được cảm nhận trên khắp Trung Đông theo vô số cách, phần lớn trong số đó sẽ cần nhiều thời gian để cảm nhận đầy đủ. Tuy nhiên, có điều không thể phủ nhận là cấu trúc quyền lực khu vực đang chuyển dịch sâu sắc, và chắc chắn sẽ định hình lại bản đồ địa chính trị Trung Đông trong những năm tới.

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhung-nuoc-nao-dang-dinh-hinh-van-menh-syria-290538.htm