Những 'nút thắt' trong chống buôn lậu
Sở dĩ buôn lậu vẫn không ngừng gia tăng và hoạt động chống buôn lậu kém hiệu quả là do vấp phải rất nhiều 'nút thắt', kể cả về cơ chế chính sách lẫn trong thực tiễn.
Xoay vòng hóa đơn
Đường cát và thuốc lá là hai mặt hàng lậu “nóng” nhất trên toàn tuyến biên giới Tây-Nam. Theo đại tá Nguyễn Thượng Lễ-Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, điều khó nhất trong chống buôn lậu là tình trạng xoay vòng hóa đơn nên hàng lậu bắt được rồi nhưng vẫn phải thả. Ông cho biết, hai tháng qua, bắt được 2 xe chở đường cát nhập lậu nhưng đã phải trả lại một xe, xe còn lại cũng chuẩn bị trả cho chủ hàng. “Biết là hàng lậu, nhưng chủ hàng trưng ra đầy đủ các hóa đơn, chứng từ nên buộc phải trả”.
Ông Nguyễn Văn Phương-Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan Đồng Tháp cho biết, gần đây lực lượng chức năng tại Đồng Tháp bắt quả tang một ghe chở 75 tấn đường kết tinh vận chuyển trái phép qua biên giới ở cửa khẩu Thường Phước (trên sông Tiền) với tổng giá trị khoảng 1,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần cả tháng nay vẫn còn đang “đấu tranh” vì họ đưa ra hóa đơn chứng từ hợp lệ, mặc dù mình biết đó là hàng lậu.
Theo bà Nguyễn Thị Huệ-Trưởng phòng Nghiệp vụ Chi cục quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, buôn lậu tìm mọi cách, đặc biệt là các kẽ hở của luật để đối phó với lực lượng chức năng. Việc xoay vòng hóa đơn là một ví dụ điển hình và rất phổ biến. Đây cũng là một trong những “nút thắt” lớn trong đấu tranh chống buôn lậu.
Vì cơ chế của Nhà nước là vậy nên “nút thắt” này không chỉ riêng đối với Đồng Tháp mà các địa phương khác. Bà Huệ cho biết, nhằm ngăn chặn tình trạng xoay vòng hóa đơn, khi bắt được những trường hợp khả nghi, cơ quan chức năng tại Đồng Tháp dùng biện pháp “đánh dấu” trên hóa đơn. “Nếu lần sau họ còn sử dụng hóa đơn này nữa thì mình biết ngay”-bà Huệ nói. Tuy nhiên, theo bà, đây không phải là giải pháp căn cơ và có thể “triệt” được buôn lậu.
Quy định mù mờ
Ngoài ra, theo bà Huệ, hiện nay Nhà nước chưa có quy chuẩn chung về chữ đường. Hiện tại, chữ đường chủ yếu do các nhà máy tự công bố quy chuẩn riêng của họ nên không có cơ sở xử lý. Mặt khác, buôn lậu đường về Việt Nam phần lớn được chiết ra nhỏ lẻ, khi bắt không xác định đường trong nước hay nước ngoài. “Nếu họ bỏ của thoát thân thì tịch thu tang vật. Trường hợp họ trưng ra giấy tờ hợp pháp thì mình chỉ xử lý hàng không nhãn mác, sau đó buộc khắc phục nhãn mác theo quy định”-bà Huệ nói.
Bà Trần Thanh Tiệp-Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cũng xác nhận, đối với mặt hàng đường không có bao (đường cây) rất khó xác định đâu là hàng trong nước, ngoài nước. Qua đấu tranh, nếu chủ hàng không thừa nhận và còn họ trưng ra giấy tờ hợp pháp thì phải mất thời gian xác minh… Ngoài ra, theo bà Tiệp, các quy định hiện hành vừa chồng chéo, vừa còn nhiều kẽ hở, hoặc thiếu hướng dẫn làm cơ sở để xử lý. Ví dụ, quy định đối tượng chở 500 bao đường trở lên nếu bắt được sẽ xử lý hình sự, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể gây khó khăn cho công tác đấu tranh chống buôn lậu.
Theo đại tá Phan Minh Huyền-Trưởng phòng Phòng chống ma túy và buôn lậu Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh An Giang, chỉ cần bắt buôn lậu sai một tí về địa điểm cũng khó xử lý. Ông nêu dẫn chứng về trường hợp bắt xe tải ở xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) chở 100 bao đường cát không nhãn mác ngày 5/8 vừa qua. “Nếu bắt ngay tại đường biên thì đủ căn cứ nói họ buôn lậu. Đằng này, địa điểm bắt xe chở hàng đậu ở bên này kênh Vĩnh Tế, tức trong đường biên giới nên cơ quan chức năng không thể làm gì, mặc dù biết mười mươi là hàng lậu”- ông Huyền nói.
Trong tháng 8/2017, các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện 151 vụ mua bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với tổng giá trị 1,98 tỷ đồng. Số tiền xử phạt hành chính và bán hàng hóa là 2,03 tỷ đồng, tăng 144% so tháng trước và tăng 121% so cùng kỳ. Tại Kiên Giang, phát hiện 89 vụ, trong đó 32 vụ vi phạm buôn lậu, hàng cấm, lậu; 54 vụ gian lận thương mại, 3 vụ hàng giả. Xử lý vi phạm hành chính 96 vụ, thu nộp ngân sách gần 1,46 tỷ đồng.
Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/nhung-nut-that-trong-chong-buon-lau-1185082.tpo