Những 'nút thắt' trong giao thông đô thị

Các công trình hạ tầng giao thông được triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố không chỉ hướng đến mục tiêu làm mới bộ mặt đô thị mà lớn hơn là tạo ra sự đột phá phát triển. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, phần lớn các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn đều đang bị chậm tiến độ, trễ hẹn hoàn thành. Trong khi đó, tình trạng ùn tắc giao thông cũng chưa tìm được giải pháp xử lý triệt để.

Một số dự án vẫn “về đích” chậm

Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội, còn gọi là Dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - Nghi Tàm, là công trình giao thông cấp II, công trình đê điều cấp đặc biệt, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án là khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, bảo đảm giao thông kết nối trung tâm Hà Nội với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, sau nhiều năm thi công, dự án vẫn ngổn ngang chưa hẹn ngày về đích.

Các dự án hạ tầng giao thông chậm trễ so với kế hoạch về đích đã gây nhiều ảnh hưởng đến quy hoạch hạ tầng giao thông trong khu vực.

Các dự án hạ tầng giao thông chậm trễ so với kế hoạch về đích đã gây nhiều ảnh hưởng đến quy hoạch hạ tầng giao thông trong khu vực.

Khách quan mà nói, dự án mở rộng đường đê Âu Cơ - An Dương Vương là công trình giao thông cấp II, công trình đê điều cấp đặc biệt. Theo quy định, hạng mục này chỉ được làm trong mùa khô và không được làm trong giai đoạn từ 15/6 - 31/10 hàng năm. Do đó chỉ thi công được 7 tháng, mỗi lần thi công lại phải tổ chức phân luồng giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy vậy, đây cũng không phải là lý do chính khi giai đoạn 1 của dự án gồm, xây dựng cầu vượt Yên Phụ - Nghi Tàm cùng điều chỉnh một phần kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương dài khoảng 1,1km, bằng việc thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2018.

Còn giai đoạn 2 của dự án, sau hơn 4 năm vừa thi công vừa điều chỉnh, toàn bộ công trình mới chỉ hoàn thành khoảng một nửa. Điều đáng nói thêm ở đây là sự thiếu chuyên nghiệp của nhà thầu trong đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực. Ngay cả thời điểm phải tạm dừng thi công, toàn bộ công trường dự án hoàn toàn “lộ thiên” không có biển cảnh báo nguy hiểm cũng như rào chắn khu vực thi công, gây nguy hiểm cho người dân trong khu vực.

Cũng trong khu vực này, dự án mở rộng, nâng cấp đường Xuân Diệu của quận Tây Hồ cũng đang chậm trễ nhiều tháng so với kế hoạch dự kiến. Các yếu tố này đã góp phần đẩy áp lực giao thông khu vực Âu Cơ - Nghi Tàm - Xuân Diệu lên mức báo động.

Tại quận Đống Đa, dự án cầu vượt vòm sắt nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, là một trong những công trình giao thông trọng điểm của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 08 của HĐND Thành phố. Sau nhiều năm chậm trễ, tháng 6/2023 vừa qua cầu vượt chữ C đưa vào hoạt động với kỳ vọng sẽ giảm thiểu tình trạng tắc đường tại nút giao này. Tuy vậy trên thực tế, sau hơn 1 phút trải nghiệm sự thông thoáng trên cầu vượt này, người tham gia giao thông lại tiếp tục phải chen chúc tại các điểm ùn tắc khác cách đó vài chục mét trên phố Chùa Bộc, nguyên nhân dẫn đến việc mở rộng đường Chùa Bộc vẫn đang chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng.

Thực tế, nhiều công trình dự án giao thông được triển khai trên địa bàn Thành phố nhằm mục tiêu nâng tầm cho đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, việc triển khai ở hầu hết các dự án đến nay đều rơi vào thế ì ạch, chuyển biến chậm, điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy dân sinh, ảnh hưởng đến mục tiêu quy hoạch giao thông trong khu vực.

Nỗ lực giảm nhưng lại tăng

Tại chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội sẽ tập trung triển khai đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Trong đó, có đưa ra việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố Hà Nội. Đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông. Đây là giải pháp cơ bản, mang tính đột phá, có vai trò cực kỳ quan trọng với chương trình.

Cùng với đó là vấn đề quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực mạng lưới giao thông hiện có; mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân… Tuy nhiên, từ hiện trạng giao thông Thủ đô, có thể thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song kết quả chống ùn tắc chưa bền vững. Ùn tắc giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của ngành Giao thông Vận tải Thủ đô, năm 2019, Hà Nội xóa được 10 điểm ùn tắc nhưng lại xuất hiện thêm 10 điểm ùn tắc mới. Năm 2020, Hà Nội tồn tại 33 điểm ùn tắc rồi tăng lên thành 37 điểm ùn tắc vào đầu năm 2021. Cả năm 2021, Hà Nội xử lý được 8/37 điểm ùn tắc nhưng đến cuối năm này lại phát sinh thêm 6 điểm, nâng tổng số thành 35 điểm. Đến năm trong năm 2022, số điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng từ 35 lên 45 điểm và chỉ có 1 điểm ùn tắc là nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) được xử lý triệt để thông qua việc lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông, cải tạo vỉa hè và mở thông nút giao.

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, để chống ùn tắc giao thông cần đồng bộ các giải pháp từ cơ chế chính sách đến hệ thống khung, tuy nhiên, tiên quyết tất cả là hạ tầng phải theo kịp sự phát triển của đô thị. Lấy ví dụ, do chưa đồng bộ toàn tuyến vành đai 2 cho nên khi các phương tiện từ cầu Vĩnh Tuy đổ về nút qua Ngã Tư Sở vẫn phải đi xuống đường dưới thấp để tiếp tục lưu thông, khiến nút giao này phải chịu áp lực rất lớn.

Cùng đó, nút giao Vành đai 3 với Cầu Giấy - Phạm Văn Đồng chưa được khép kín dẫn đến tình trạng ùn tắc nơi cửa ngõ Thành phố. Mặc dù ngành giao thông Thành phố đã thay đổi nhiều biện pháp tổ chức giao thông, phân làn phương tiện để tìm ra phương án tối ưu, hạn chế sự xung đột, giao cắt qua khu vực này nhưng tắc vẫn hoàn tắc.

Việc cần phải giải quyết vấn đề ùn tắc tại các nút giao này không phải chuyên gia cũng có thể nhìn thấy rõ, đó là cần sớm triển khai đầu tư hoàn thiện giao thông qua nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh, tiếp tục tổ chức xây dựng đường Vành đai 2 và 1 phần đường Vành đai 3, để các dòng phương tiện lưu thoát tốt hơn. Tuy vậy, rõ ràng đây không phải việc làm đơn giản ở thời điểm hiện tại. Rõ ràng, cần có những biện pháp để triển khai đồng bộ hơn, thay vì để xảy ra ùn tắc rồi mới tìm phương án nghiên cứu, thực hiện.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-nut-that-trong-giao-thong-do-thi-162757.html