Những 'ông đồ' trẻ
Nhắc đến thư pháp nhiều người thường nghĩ đến những ông đồ râu tóc bạc phơ, ngồi cho chữ Hán vào ngày xuân như trong thơ ca, hội họa miêu tả. Ngày nay, thư pháp Việt được nhiều bạn trẻ yêu thích và theo đuổi, những nét chữ như 'phượng múa rồng bay' của họ là sự tiếp nối hình ảnh đẹp của những ông đồ xưa.
Tuổi đời còn khá trẻ nhưng “ông đồ” Lê Ngọc Thành (sinh năm 1996, huyện Thường Xuân) đã có gần 10 năm theo học thư pháp. Trong trang phục áo dài ngũ thân, tay cầm bút thảo những câu từ ý nghĩa, Thành cẩn trọng tặng mọi người.
Theo Thành việc gắn bó với thư pháp là một cái duyên. Ngay từ khi còn là học sinh, Thành đã bị hút mắt bởi những nét chữ “phượng múa rồng bay”, để rồi sau khi biết đến nghệ thuật thư pháp thì những con người, sự việc trong cuộc sống của Thành đều liên quan đến thư pháp. Anh quyết tâm theo đuổi đam mê và ước mơ trở thành thầy đồ. Nhập môn thư pháp “Giống như việc mình học ở trường vậy, từ nhỏ đã học nét sổ, nét ngang, chữ a, b, c. Thì khi mình học thư pháp, ban đầu mình cũng như đứa trẻ lớp 1, phải học từ những chữ cái rất đơn giản sau đó mới ghép lại thành một câu và thành một bài thơ hoàn chỉnh”, Thành tâm sự. Qua thời gian rèn luyện, chữ viết của Thành ngày một điêu luyện, có hồn, được nhiều người yêu mến. Không chỉ viết vào dịp lễ, tết theo phong tục xin chữ lấy may, Thành còn viết theo yêu cầu của các khách hàng đặt tranh chữ đi tặng dịp khai trương, mừng nhà mới. Anh cũng tham gia với vai trò thầy đồ trong các lễ tri ân cuối năm của đơn vị, doanh nghiệp…
Để có thể viết được những chữ đẹp, lời hay, Thành “giắt lưng” cả vốn ca dao, dân ca, những ngôn từ ý nghĩa. Ban đầu Thành luôn mang theo cuốn sổ nhỏ để ghi chép, còn giờ đây anh đã thuộc nằm lòng. Khách chỉ đưa ra một chữ, Thành đã có thể đọc ra những đoạn thơ, câu từ ý nghĩa để khách lựa chọn. Như chữ “Tâm” có “tâm an sự thành”, “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”… Qua 10 năm, “gia tài” của thầy đồ Lê Ngọc Thành là hàng nghìn sản phẩm tranh, liễn, câu đối do chính mình làm ra, vừa có thể tặng bạn bè, người thân, vừa bán cho những người có nhu cầu. Không chỉ viết thư pháp trên giấy, Thành còn vẽ chữ thư pháp trên nhiều chất liệu khác nhau như hoa quả, đá, vật dụng trang trí… khiến vật dụng trở nên sinh động, bắt mắt hơn.
Còn với Phạm Thị Ngọc (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) lý do đến với thư pháp như một phương pháp để thiền, tu tâm dưỡng tính. Chỉ qua 2 tháng học tập tại Câu lạc bộ thư pháp Thanh Hóa, được sự chỉ dạy của những người đi trước, Ngọc đã có thể viết được những chữ đơn giản. Ngọc cho biết: “Thời gian đầu khó khăn nhất đối với một người viết thư pháp là học cách cầm bút, cầm bút đúng để có thể viết được chữ, việc luyện chữ đẹp thì cần nhiều thời gian về sau. Những nét chữ cong, tròn, uốn lượn thể hiện sự kỳ công của người viết với những triết lý nhân sinh, nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống”. Đến với thư pháp, cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong từng câu chữ, vì thế càng ngày Ngọc càng gắn bó với môn nghệ thuật này nhiều hơn. Cô dành nhiều thời gian cùng mọi người trong câu lạc bộ luyện chữ với mong muốn tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, mang dấu ấn riêng của bản thân.
Theo Ngọc, ngày nay thư pháp Việt trở thành bộ môn nghệ thuật được nhiều bạn trẻ yêu mến. Thư pháp không chỉ xuất hiện trên những tấm thiệp tặng bạn bè vào dịp xuân, trên lịch, trên các sản phẩm trang trí, hay trong các hội chữ dịp tết, tranh thư pháp chữ quốc ngữ được sử dụng khá phổ biến trong các không gian mang hơi hướng hoài cổ như các quán trà đạo, câu lạc bộ nghệ thuật dân gian… Nhiều gia đình cũng lựa chọn treo tranh thư pháp như một hình thức trang trí, tạo sự hài hòa cho ngôi nhà. Đặc biệt, vào dịp trước và sau tết, nhu cầu xin chữ tại các chùa, đền… ngày một nhiều, thầy đồ trở thành công việc nhiều bạn trẻ hướng đến khi vừa thỏa được đam mê vừa có thể kiếm tiền.
Thành và Ngọc là hai trong số nhiều bạn trẻ xứ Thanh đã và đang theo đuổi bộ môn nghệ thuật thư pháp. Tuy rằng, mỗi người tìm đến thư pháp Việt với mục đích khác nhau, nhưng tựu trung đều vì biết yêu mến và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống. Với nhiều người thư pháp không chỉ là hình thức nghệ thuật biểu hiện ngôn ngữ, mà còn là phương tiện thể hiện những suy nghĩ nội tâm con người, giúp người viết chiêm nghiệm những triết lý của cuộc sống, của nghệ thuật, của ngôn ngữ, làm giàu thêm vốn sống cho bản thân.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/nhung-ong-do-tre/26796.htm