Những pha hớ của báo chí về xung đột Ukraine
Khi hầu hết phương Tây ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột với Nga, các cơ quan báo chí và mạng xã hội ở Mỹ và nhiều nơi khác ngập tràn câu chuyện ca ngợi Ukraine. Nỗ lực của Ukraine khi kháng cự lực lượng đông hơn và mạnh hơn trở thành đề tài đầy cảm hứng cho báo chí, nhưng trong mọi cuộc chiến đều có chiến tranh thông tin, từ tất cả các phía.
Một vài trong số những bức ảnh được chia sẻ nhiều nhất sau đó hóa ra là không đúng sự thật, nhưng báo chí phương Tây với tư tưởng nghi ngờ Nga rất ít hoài nghi về thông tin mà phía kia đưa ra, dẫn đến một làn sóng đưa tin theo kiểu tuyên truyền hơn là xác thực và phản ảnh khách quan.
Trong những ngày đầu xung đột mới nổ ra, không câu chuyện nào nổi bật hơn chuyện nhóm binh lính Ukraine sẵn sàng từ bỏ mạng sống để bảo vệ một hòn đảo nhỏ trên Biển Đen trước một tàu chiến Nga. Khi được yêu cầu qua radio về việc hạ vũ khí và đầu hàng, nhóm lính này đáp lại: “Tàu Nga, biến đi!”. Tuyên bố này được mô tả là hành động thách thức cuối cùng trước khi người trên tàu nổ súng giết hết binh lính trên Đảo Rắn. Những trao đổi qua radio giữa nhóm lính này với phía Nga mà giới chức Ukraine chia sẻ đã được báo chí phương Tây ca ngợi và đưa tin rộng rãi, khiến nó trở thành một chuyện gây sốt trên mạng. Nếu được dựng thành phim, khoảnh khắc đó dường như quá tốt để có thật.
“Tôi cần đạn dược, không cần đi nhờ”, phát biểu nổi tiếng được cho là của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nhưng chỉ vài ngày sau khi nhóm binh lính được ca ngợi, giới chức Ukraine tiết lộ rằng họ vẫn còn sống và bị Nga bắt giữ, như thông tin mà Bộ Quốc phòng Nga khẳng định trước đó. Câu chuyện anh hùng của nhóm lính trên Đảo Rắn không phải là thông tin sai lệch duy nhất được đăng tải một cách thiếu kiểm chứng. Trong những tuần đầu xung đột mới nổ ra, một video được chia sẻ rộng rãi về người lính Ukraine được mệnh danh là “Bóng ma Kiev” đã bắn rơi nhiều máy bay tiêm kích Nga hóa ra được lấy từ một game không chiến, và những bên kiểm chứng thông tin thậm chí còn không thể xác nhận “Bóng ma Kiev” có tồn tại hay không.
Đến ngày 3/5, Lực lượng vũ trang Ukraine khẳng định trong thông báo đăng trên trang Facebook chính thức rằng “Bóng ma Kiev” chỉ là chuyện hoang đường, do người Ukraine tạo ra, chứ không liên quan đến người lính hoặc anh hùng cụ thể nào. Thông báo được đưa ra sau khi nhiều báo đưa tin rằng Thiếu tướng Stepan Tarabalka - phi công thiệt mạng trong trận không chiến ngày 3/3 là “Bóng ma Kiev” thực sự.
Khi định hình cuộc chiến ở Ukraine, nhiều báo chí phương Tây tìm thấy nhân vật chính của mình ở Tổng thống Volodymyr Zelensky, nhà lãnh đạo xuất thân là diễn viên hài đang điều hành chiến dịch phản kháng từ thủ đô bị bao vây. Bản thân ông Zelensky được đánh giá là nhân vật có nhiều điểm hấp dẫn, nhưng cách đưa tin của báo chí phương Tây đôi khi mang hơi hướng tôn thờ.
Khi ông Zelensky từ chối đề nghị của Mỹ về việc hỗ trợ để sơ tán khỏi Kiev, ông được nói là đã tuyên bố “Tôi cần đạn dược, không cần đi nhờ”. Phát biểu đó được đăng trên hàng trăm trang báo, thậm chí trở thành một meme trên mạng xã hội. Nhưng nguồn gốc câu nói đó là từ câu chuyện mà hãng tin AP viết dựa trên lời kể lại của “một quan chức tình báo Mỹ cấp cao giấu tên”, sau đó chuyện được đăng trên tài khoản mạng xã hội chính thức của chính phủ Ukraine để lan truyền phát biểu này rộng hơn nữa. Đây được đánh giá là thông điệp chính trị khéo léo, nhưng có người đặt câu hỏi rằng đó là tin tức hay thông tin tuyên truyền?
Trung Đông nổi giận
Sau nhiều năm cảnh báo về mối nguy hại của thông tin sai lệch, nhiều nhà báo phương Tây, nhân vật công chúng và người tiếp nhận tin tức đang rơi vào tình trạng thiếu sự hoài nghi cần thiết trước các thông tin về Ukraine. Phần lớn nội dung tin tức về cuộc khủng hoảng Ukraine tập trung vào hàng triệu người tị nạn phải chạy sang các nước làng giềng, về những người dân thường tham gia bảo vệ đất nước, hoặc về phong trào tẩy chay kinh tế và văn hóa. Cách tường thuật chi tiết về việc người Ukraine tham gia làm bom xăng để tấn công quân Nga tương phản với cách đưa tin về những cuộc chiến khác trên thế giới.
Thực trạng được gọi là tiêu chuẩn kép này thể hiện ngày càng rõ khi các nhà báo nổi tiếng bình luận về cuộc xung đột. “Các bạn biết đấy, đây không phải là nơi giống như Iraq hay Afghanistan với chiến tranh đã kéo dài mấy thập kỷ. Các bạn biết đấy, đây là thành phố tương đối văn minh, tương đối châu Âu”, phóng viên chiến trường Charlie D'Agata của CBS News nói về Ukraine. D'Agata sau đó xin lỗi sau khi bị chỉ trích.
Nhiều cơ quan báo chí thể hiện sự xót thương các nạn nhân Ukraine. Các phóng viên và người được phỏng vấn nói rằng, khác với người tị nạn từ Trung Đông, các nạn nhân Ukraine là người “da trắng”, theo “Cơ đốc giáo”, thuộc tầng lớp “trung lưu”, có “tóc vàng” và “mắt xanh”, hoặc xem Netflix.
Chỉ trong vài ngày, các hashtag, thậm chí áo phông in từ “văn minh” nổi lên ở Trung Đông để thể hiện thái độ khó chịu của họ. Kiểu đưa tin này khiến Hiệp hội các nhà báo Ả-rập và Trung Đông tại New York ra tuyên bố lên án “tư tưởng phổ biến trong báo chí phương Tây về việc bình thường hóa thảm kịch” ở những nơi như Trung Đông. Ông Hoda Osman, Chủ tịch Hiệp hội, là người đã đưa tin cho nhiều tòa soạn báo chí phương Tây, như France24, ABC News, CBS News… Ông nói rằng, sự tương phản trong cách báo chí phản ánh số phận các nạn nhân phương Tây và Trung Đông thể hiện sự coi thường đối với Trung Đông. Ông Nadim Houry, Giám đốc điều hành Sáng kiến Đổi mới Ả-rập, nói rằng nhiều thông tin của báo chí phương Tây rất đáng lo ngại, cho thấy “sự thiếu hiểu biết về người tị nạn từ những khu vực khác của thế giới, những nạn nhân có cùng số phận như người Ukraine”.
Khi cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài, có được một bức tranh chính xác về tình hình thực địa là điều cần thiết, nhất là khi nguy cơ xảy ra đối đầu hạt nhân vẫn đang treo lơ lửng. Kiểu viết từ thông tin một phía và mặc định bên nào đáng hoặc không đáng tin, hay ai xứng đáng nhận được sự đồng cảm, có thể gây ra những hậu quả lớn trong những cuộc xung đột nghiêm trọng như thế này.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tạo môi trường để tin giả nở rộ, mạng xã hội trở thành nơi giúp che chắn sự giả dối đằng sau cạm bẫy mang tên “tính xác thực”. Những video được lan truyền trên TikTok cho thấy người dân đang bỏ chạy giữa làn đạn, nhưng sau đó hóa ra có đến 13.000 video cùng sử dụng âm thanh giống nhau cho những hình ảnh khác nhau. Trong một ví dụ khác, có đến 20 triệu người xem đoạn phim về một lính nhảy dù trong cuộc xung đột, nhưng hóa ra video này đã được đăng từ năm 2016.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhung-pha-ho-cua-bao-chi-ve-xung-dot-ukraine-post1447515.tpo