Những phận đời mưu sinh trên đỉnh Thiên Cấm Sơn
Chợ Mây (núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) lấy đi của những người đàn bà tuổi xuân, sức khỏe nhưng bù lại cho gia đình họ miếng cơm manh áo, cùng một đời thủy chung với con đường lên núi mà không phải ngược xuôi bôn ba góc biển chân trời.
Họp chợ trên “nóc nhà” đồng bằng
Chợ họp khi bình minh rọi những tia nắng đầu tiên xuống vùng Cấm Sơn (Tịnh Biên, An Giang). Ngôi chợ phục vụ cho khoảng 500 hộ dân sống rải rác trên núi Cấm và hàng ngàn khách du lịch hành hương lên chốn linh thiêng non cao mỗi ngày. Gọi là chợ nhưng cảnh buôn bán, trao đổi lại bình yên và tràn đầy sự chia sẻ, yêu thương giữa những người bán hàng. Bởi, họ đều đã quá hiểu nhau, thân thuộc với nhau gần như cả cuộc đời trên ngôi chợ vùng mây núi thăm thẳm này.
Người ta gọi là chợ Mây vì quanh năm mây trắng mênh mông bao phủ toàn bộ quả núi, mây la đà quấn quýt dưới chân người. Mây cuồn cuộn nhả sương, mây giăng mắc khắp lối...
Ngày đầu xuất hiện chợ Mây, núi Cấm chỉ có khoảng 30 nóc nhà, núi rừng còn hoang sơ, đầy rẫy rắn rết và thú dữ. Nắm bắt được nhu cầu hàng hóa sinh hoạt, ăn uống của các hộ dân sống nơi rừng thiêng núi thẳm, những người phụ nữ dân tộc Chăm dưới chân núi đã mạnh dạn gánh hàng lên bán.
Để có những quang gánh hàng hóa bày bán nhộn nhịp trên chợ Mây cũng là cả một chặng đường nhọc nhằn. Mỗi buổi sáng, khi bình minh còn chưa ló rạng, những bạn hàng đã phải oằn mình quẩy gánh leo núi. Người mua thì gọi là đi chợ nhưng với người bán, họ gọi là “leo chợ”.
Từ chân núi lên tới đỉnh, chợ Mây có 3 điểm phụ là ngã ba Bãi Tèo, ngã ba Trại Hòm và ngã ba Trường Học. Tại đây, người bán tranh thủ nghỉ chân, lau mồ hôi và phục vụ vài nóc nhà lưng chừng con dốc.
Ở đây, người ta không có khái niệm nói thách. Xuyên suốt phiên chợ, không hề có sự mặc cả thêm bớt. Người mua vui vẻ rút hầu bao, thương cảm cho nỗi nhọc nhằn mang “chợ” lên núi của các bà, các chị.
Lối mòn lên chợ Mây dài gần 10 cây số ngoằn ngoèo, gấp khúc với những con dốc nối tiếp nhau, những vách núi sẵn sàng bở ra, lăn đá, vực sâu tăm tối, hun hút. Đôi quang gánh, bao nhiêu năm rồi, ngày tươi trẻ cũng như khi xế bóng vẫn một mặt hàng, một trọng lượng nhất định.
Điểm đặc biệt của chợ Mây là không bán các loại động vật hoang dã như nhiều khu chợ núi khác. Họ bán những sản vật giản đơn, thân thuộc với núi rừng như: Măng tre, đọt bứa, trái su su, cơm nguội... Chợ nào cũng có luật riêng, ở chợ Mây ai bán mặt hàng nào thì mãi mãi trung thành với nó, người mua cũng chỉ chờ mối quen của mình mà mua. Nếu có kẻ nào mạo danh lên chợ Mây bán đồ giả, lập tức bị phát hiện và tẩy chay. Dù là buôn bán nhưng cái xấu sẽ không thể tồn tại ở nơi này.
Chợ Mây chỉ nhóm họp trong vòng 2 tiếng là tan. Ai còn hàng sẽ tiếp tục gánh đi bán dọc các hẻm núi đá, các lối mòn dẫn vào từng ngôi nhà núp bóng sau tán rừng. Cứ thế, đôi chân của họ chạy cho đến khi nào hết hàng mới xuống núi trở về nhà. Dân chợ Mây có câu ca: “Buổi sáng gánh bình minh, buổi chiều gánh hoàng hôn về nhà”.
Nhọc nhằn mưu sinh
5 giờ sáng, từ trên chùa Vạn Linh, chúng tôi đã nghe văng vẳng tiếng mời chào vọng lên từ chợ Mây. Cảnh mua bán trong màn sương mờ ảo, bên hồ Thủy Liêm, dưới chân Vồ Bồ Hông chẳng khác nào nơi chốn bồng lai tiên cảnh. Người ra chợ sớm nhất có lẽ là bà Neàng Say La (62 tuổi). Ở tuổi ấy, bà Say La vẫn cần mẫn mỗi ngày, bền bỉ với gánh khoai sắn luộc. Đầu quấn khăn rằn, lại đội thêm chiếc nón bện bằng lá thốt nốt, bà Say La cuốn hút tôi và bất cứ khách thập phương nào khi dạo quanh chợ Mây. Mẹt khoai lang của bà nóng hôi hổi, quyện mùi thơm từ đất, đá và nước đặc trưng của núi Cấm.
Bà Say La sinh ra và sống gần trọn kiếp người trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Đời bà, số lần xuống chân núi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà chưa bao giờ biết đến thành phố hoặc thị trấn ở ngay cái vùng của bà. Bà bảo, ra phố thấy mình lạc lõng, xa lạ lắm, ở trên núi thích hơn. Bà bán hàng ở chợ Mây chỉ chục năm trở lại đây. Trước kia, bà sống cùng cha trên đỉnh Vồ Bồ Hòn, chuyên đi hái thuốc chữa bệnh miễn phí cho bà con khu vực núi Cấm. Từ ngày cha mất, bà chuyển về ngôi nhà nhỏ dưới chân tượng Phật Di Lặc sống lặng lẽ cùng gánh khoai lang luộc. Ai mua bao nhiêu bà cũng bán nhưng nhiều nhất chỉ 10 ngàn đồng. Ai mua thêm, bà cười móm mém nói: “Ăn thêm thì tui cho, không lấy tiền nữa đâu”. Gánh hàng của bà chỉ khoảng 2 tiếng là hết veo. Bà quẩy gánh trở về, lưng còng gập sát xuống đất, những bước đi xiêu vẹo trước gió, một thoáng đã lẩn khuất trong sương.
Hình ảnh quen thuộc ở chợ Mây chính là đôi quang gánh của người phụ nữ. Bà Neàng Thanh Sao (45 tuổi) nói trong tiếng thở hắt ra nhưng không quên nở nụ cười thanh thản với nghề đã gắn bó với bà gần 20 năm. Bà tâm sự, những ngày trời mưa, đường lên núi Cấm trơn như đổ mỡ, đôi dép Lào của bà đã mòn lì, dễ tuột, bà bỏ dép đi chân đất, phải bấm cả 10 đầu ngón chân vào đất đá mà đi. Mỗi lần bà khuỵu gối xuống, vẫn cố giữ thăng bằng gánh hàng. Còn những lần không đỡ được thì cả người và quang gánh lăn xuống đất, bổ nhoài ra. Bà con trên núi thấy rau củ lem luốc bùn đất, càng thương, càng mua thật nhiều. Thời mang thai, bà Sao vẫn đều đặn leo chợ không bỏ buổi nào. Cũng ngã, cũng trượt quay đơ ra đất mà may sao, thần núi thần rừng thương, hộ cho đứa trẻ trong bụng mẹ bình an đến ngày chào đời.
Bà Sao nói vui rằng, phụ nữ leo núi nhiều cực kỳ dễ đẻ. Bà đẻ 3 đứa con cứ thuận theo tự nhiên mà ra, không đứa nào phải đi bệnh viện. Điều này, bà Neàng Kim San là nhân chứng sống.
Một đời gánh nắng gánh mưa
52 tuổi, bà Neáng Kim San vẫn dẻo dai, bền bỉ với nghề “leo chợ”. Quang gánh của bà ngày nào cũng nặng xôi chè, bánh trái. Trong đội quân quang gánh, bà Kim San thuộc hàng lão làng với trên 30 năm tuổi nghề. Ngày ấy, Kim San vừa lấy chồng, ít đất đai, không việc làm, cuộc sống nghèo khổ. Chồng bà đi Campuchia đánh cá, cứ mải miết theo con nước Biển Hồ, bỏ mặc vợ ở nhà đơn độc, thiếu đói. Đã thử làm vài việc như đi vớt lục bình, hái bông điên điển mùa nước nổi nhưng thất thường, bữa có bữa không, bà xin mấy chị trong xóm cho theo học nghề “leo chợ”.
Bà chọn bán xôi chè, bánh mì, vì những thứ này dễ lấy, thông dụng với mọi nhà, lại là hàng hiếm ở trên núi. Những ngày đầu tiên, bà tưởng như đôi chân của mình rụng rời ra, hai vai tím bầm, đau vào tận xương. Tuần đầu tiên, bà vừa gánh vừa khóc tức tưởi, chỉ muốn bỏ cuộc mà thôi. Các chị động viên, mỗi người gánh cho một ít hàng, rồi cùng nhau bán giúp. Tình chị em đời “leo chợ” đã vực dậy tinh thần cho bà.
Mỗi lần chồng về, bà Kim San lại mang bầu. Đứa con đầu tiên, bà leo núi cho tới tận ngày sinh. Sinh xong đúng 1 tháng, bà tiếp tục lên núi, đôi vai nặng thêm những món hàng, nỗi lo tăng thêm mấy phần. Con ở nhà đói sữa, khóc ngặt, mẹ thì bầu ngực căng tức muốn nghẹt thở. Nhìn bà, chị em thương quá xúm vào bán hộ cho hết, chưa hết thì họ chia nhau lấy để bà mau chóng trở về cho con bú.
Đứa này vừa cai sữa xong, bà lại mang bầu tiếp. Sao nghèo mà đẻ nhiều thế? Chị em bạn hàng ái ngại. Bà bảo, lỡ rồi, đẻ đứa này nữa thì thôi. Nhưng, nào có thôi, đứa thứ 3, thứ 4 tiếp tục chào đời. Bà sinh nở dễ dàng, đơn giản và có điều gì đó kỳ diệu mà không thể lý giải nổi.
Bà San kể lần mang bầu đứa thứ ba được 6 tháng, bà bị ngã lăn xuống vực khoảng 10m thì mắc vào gốc cây. Lúc đó trời còn tờ mờ sương, tầm nhìn không quá 2m. Bánh trái văng khắp nơi, văng mất cả đôi quang gánh xuống vực. Chị em đi cùng hoảng hốt hò nhau cứu. Kéo được bà lên, chân tay chỉ bị sây xước ngoài da, còn lại không hề hấn gì. Họ nhanh chóng gọi xe ôm chở bà xuống núi. Bà San về nhà, sờ nắn bụng dạ thấy bình thường nên không đi bệnh viện khám nữa. Hôm sau, bà lại đi chợ từ 3 giờ sáng. Đến tháng thứ 9, bụng chửa vượt mặt, chân phù nề nhưng bà vẫn miệt mài làm việc. Đi nhiều quá, làm vất vả, đứa trẻ trong bụng “chui” ra sớm hơn dự tính 10 ngày. Hôm ấy, bà San dậy từ lúc 2 giờ sáng chuẩn bị quang gánh cho chuyến leo núi chợt thấy đau bụng, rồi vỡ nước ối luôn. Bà đỡ chưa kịp tới thì đứa trẻ đã chào đời.
Đàn con của bà Kim San lăn lóc lớn lên như thế, mà chẳng đứa nào bệnh tật gì. Bà luôn suy nghĩ, con cái đến với mình là duyên, ở với mình là nợ. 34 tuổi, Kim San đã là mẹ của 4 đứa con. Bà thật thà cho biết, nếu chồng không bỏ đi lấy vợ khác để kiếm con trai, có lẽ bà vẫn đẻ nữa. Năm 44 tuổi, bà Kim San lên chức bà ngoại. Con gái lớn cũng sớm “gãy gánh” giữa đường, rồi bỏ lại 2 đứa cháu cho bà nuôi dưỡng. Bà chấp nhận hết, ôm tất cả vào lòng. Cuộc đời này, bà sẵn lòng hy sinh cho con cháu, theo đúng triết lý sống của bà.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nhung-phan-doi-muu-sinh-tren-dinh-thien-cam-son-638268/