Những phận đời 'neo' mình nơi phố đêm

Khuya, dưới ánh đèn đường trên nhiều con phố Hà Nội vẫn có những người cặm cụi với công việc.

Một góc hành nghề của phận đời mưu sinh đêm.

Một góc hành nghề của phận đời mưu sinh đêm.

Khuya, dưới ánh đèn đường trên nhiều con phố Hà Nội vẫn có những người cặm cụi với công việc. Đêm đêm, họ “neo” mình giữa lòng thành phố phồn hoa để mưu sinh.

Nghề đồng nát đêm

Nhặt nhạnh những thứ có giá trị nhỏ bé còn sót lại trong đống rác thải hỗn độn, gắn đời mình với những thứ bỏ đi của người khác chính là cách mưu sinh của không ít người đang bám trụ tại Hà Nội. Cuộc sống với gánh nặng mưu sinh vốn là vậy, mặc cho đôi chân có mệt mỏi, họ vẫn cần mẫn làm việc.

Khi ánh nắng chiều vừa tắt cũng là lúc ông Nguyễn Văn Hùng, 70 tuổi, quê ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, bắt đầu một ngày mưu sinh. Ông lang thang khắp công viên Lê Nin, vườn hoa Lý Thái Tổ… để lượm lặt những chai lọ, thùng giấy, hộp nhựa người ta bỏ đi về bán.

Ông Hùng tâm sự, vì sức khỏe yếu nên không ai thuê làm gì, trong khi đó, bản thân vẫn phải nuôi 2 người con bị tâm thần ở quê. Ông chỉ biết nương nhờ vào cái nghề nhặt ve chai này mà sống qua ngày. Chân bị khớp, đau nhức thường xuyên nên ông chẳng đi nhặt đâu xa, quanh quẩn ở công viên gom góp 2 đến 3 đêm rồi bán cũng được trăm ngàn, ăn uống tằn tiện để cuối tháng có tiền gửi về quê.

Ở cái tuổi 70, lưng ông đã hơi còng, chân lại đau nên có lẽ đây là cái nghề duy nhất ông Hùng đủ sức làm. Nhìn ông với dáng người nhỏ bé gầy guộc, đôi bàn tay nhem nhuốc, đôi chân lấm lem đất cát, bụi đường không khỏi khiến người ta ngậm ngùi.

Anh Huỳnh Quang Chung, sống gần công viên Lê Nin chia sẻ: “Đêm nào cũng vậy, mặc cho mưa gió vẫn thấy ông Hùng lang thang nhặt vỏ chai ở đây. Có những hôm mưa lớn cứ ngỡ ông sẽ không đi được, thế mà đến tận khuya khi cơn mưa nặng hạt tan dần thì lại thấy ông lọ mọ bên những thùng rác nằm dọc công viên nhặt nhạnh”.

Cũng là nghề nhặt ve chai, đồng nát, nhưng những người phụ nữ đi nhặt nhạnh về đêm còn cực khổ gấp nhiều lần. Chị Mai Hồng Thư, 45 tuổi, náu thân trong một khu trọ tại chợ Long Biên ngậm ngùi: “Cái nghề bới móc này cũng chẳng sung sướng gì. Vì thứ của thiên hạ bỏ đi nhưng chúng tôi phải lao vào để mưu sinh từ ngày này qua ngày khác không ngơi nghỉ”.

Những người làm nghề nhặt rác đêm thường đi những chiếc xe đạp cà tàng hoặc đi bộ, đội nón, bịt khẩu trang kín mít. Không ai biết mặt mũi họ ra sao, chỉ biết rằng họ là những người mưu sinh lúc nửa đêm với một nghề không kém phần đặc biệt.

Đêm nào cũng thế, họ đi hết ngõ ngách này đến ngõ ngách khác của phố thị. Đa phần những người nhặt đồng nát về đêm ấy đều có những hoàn cảnh éo le. Người thì chồng mất, người thì quá nghèo khổ, người thì bệnh tật nên thất nghiệp triền miên. Họ đến từ khắp nơi, có người ở ngoại thành, có người trong hẻm phố, có người ở tỉnh khác về thuê trọ và mưu sinh.

Khi phố đã lên đèn cũng là lúc họ bắt đầu công việc, đến khi chiếc xe hay đôi quang gánh chất đầy những thứ nhặt nhạnh thu vén được thì đồng hồ cũng đã điểm 2 - 3 giờ sáng. Không chỉ với ông Hùng, chị Thư mà với nhiều người làm công việc này, mỗi đêm với họ chỉ dám lót dạ bằng ổ bánh mì “không người lái”. Sang hơn thì có chút thịt, chút rau và giá không quá 10 ngàn đồng.

Chị Hiền vẫn ngày ngày cùng xe cá viên chiên rong ruổi trên khắp nẻo đường với mong muốn tăng thêm thu nhập.

Chị Hiền vẫn ngày ngày cùng xe cá viên chiên rong ruổi trên khắp nẻo đường với mong muốn tăng thêm thu nhập.

Dưới ánh phồn hoa

Người dân Hà Nội thường có câu nói vui “Hà Nội đẹp nhất về đêm”. Vì vào lúc này, thành phố ồn ã trở nên lấp lánh hơn với ánh đèn nhộn nhịp. Thế nhưng ở một góc khác, khi màn đêm rủ xuống cũng là lúc bắt đầu một ngày làm việc.

Một ngày làm việc của chị Hiền bắt đầu từ 6 giờ chiều, lúc mọi người vội vã trở về nhà để được nghỉ ngơi, đến khi kết thúc đã là 3, 4 giờ sáng. Chia sẻ về lý do lại chọn một cuộc sống “lấy đêm làm ngày” vất vả này, chị Hiền ngượng nghịu: “Cuộc sống mà, mình không được phép chọn nghề. Chỉ có hoàn cảnh ra sao, làm ra tiền từ mồ hôi, nước mắt của mình vẫn là thích nhất. Tôi vẫn phải cố gắng với nghề bán rong này để nuôi các con ăn học”.

Quê chị Hiền ở Nam Định, nhưng suốt 10 năm, chị vẫn rong ruổi cùng chiếc xe đã cũ đi khắp các tuyến phố trong nội thành Hà Nội. Xuất phát từ đường Thanh Niên lúc 6 giờ chiều, chị rong ruổi đi bán đến khi hết hàng mới trở về nhà, lúc đó đã là khoảng 3 - 4 giờ sáng.

“Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được khoảng gần 300 ngàn. Trước đây khi người dân vẫn còn hay có thói quen ăn uống các quầy bán rong thì thu nhập tốt hơn. Bây giờ, chỉ trông chờ vào những ngày mưa, gió, tiện trú mưa thì mới nhiều khách dừng chân để ăn, uống”, chị Hiền chia sẻ.

Khác với phần lớn những người mưu sinh đêm, ông Chung, người làm bơm vá ở gần ngã tư phố Cát Linh - Giảng Võ, lăn lộn cả ngày ngoài trời để kiếm sống. Sáng ông Chung ngủ ở hầm đi bộ, tối đến khi người ta về hết thì ông mới có chỗ ngồi để kiếm ăn. Với ông Chung thì những ngày không có khách là thường xuyên.

“Hầu như có những ngày chỉ được có vài nghìn thôi. Buổi sáng người ta đi chợ đi làm đông đúc thì mới dễ hỏng xe. Nhưng mình lúc đấy thì phải trả chỗ rồi, đêm có mấy ai đi lại đâu mà có khách”, ông Chung ngậm ngùi.

Đêm trôi, phố Hà Nội đã vợi ánh đèn, dòng người lại chen kín những con phố. Những phận người neo mình trên phố đêm đã về “nhà”, ngủ vùi sau đêm nhọc nhằn.

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-phan-doi-neo-minh-noi-pho-dem-post650994.html