Những phản ứng chưa từng có của ngành du lịch Việt
Như một cách phản ứng lại với khủng hoảng, ngành du lịch năm 2020 đã xuất hiện rất nhiều những từ khóa và 'biệt ngữ' mới, phản ánh đúng thực trạng của các xu hướng trong ngành.
Nếu như năm 2019, du lịch Việt Nam đạt được những kỳ tích “vàng” trong tăng trưởng với 18 triệu lượt khách quốc tế, là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới thì năm 2020, ngành du lịch phải đối mặt với những thiệt hại to lớn do Covid-19 gây nên.
Năm 2020, Việt Nam chỉ đón 56 triệu lượt khách nội địa và 3,8 triệu lượt khách quốc tế khiến cho tổng thu du lịch ước tính giảm khoảng 19 tỷ USD so với năm ngoái.
Gần 1/5 tổng số cơ sở lưu trú phải đóng cửa, mức công suất phòng trung bình cả nước thấp kỷ lục khi chỉ đạt 20 - 25%. Riêng đối với ngành dịch vụ lữ hành, theo Tổng cục Du lịch, đã có gần 340 doanh nghiệp lữ hành phải xin thu hồi giấy phép kinh doanh trong năm 2020.
Theo những ghi nhận trong quá khứ, ngành du lịch đã cho thấy khả năng thích ứng, đổi mới và phục hồi mạnh mẽ sau nghịch cảnh.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chưa từng có này đòi hỏi những cách tiếp cận mới và sự phản ứng mạnh mẽ hơn từ nhiều cấp độ và sự phối hợp liên ngành.
Bên cạnh việc giải quyết các tác động kinh tế xã hội tức thì do Covid-19 gây ra đối với du lịch và hướng tới tăng tốc phục hồi sau đại dịch, ngành du lịch còn phải tận dụng cơ hội mà cuộc khủng hoảng này mang lại để chuyển đổi và trở nên linh hoạt hơn, toàn diện và bền vững hơn.
Như một cách phản ứng lại với khủng hoảng, ngành du lịch năm 2020 đã xuất hiện rất nhiều những từ khóa và “biệt ngữ” mới, phản ánh đúng thực trạng của các xu hướng trong ngành du lịch. Báo cáo “Xu hướng xu lịch Việt Nam 2021” của Outbox Consulting chỉ ra 6 từ khóa đáng chú ý của ngành du lịch trong thời gian qua.
Đóng cửa (lockdown)
Lockdown được xem là “kẻ thù” lớn nhất của du lịch khi người dân được yêu cầu phải giữ nguyên vị trí của họ và việc di chuyển giữa các nước là điều không thể. Chính vì chính sách đóng cửa này mà ngành du lịch Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020, khiến tổng thu du lịch giảm 530 ngàn tỷ đồng.
Nhưng ngược lại, chính tình cảnh khó khăn này cũng khiến cho các doanh nghiệp du lịch nhạy bén hơn trong việc thay đổi phương thức kinh doanh, tập trung vào thị trường du lịch nội địa nhằm giảm bớt ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.
“No mask, no fly ”
Nếu như lệnh đóng cửa là cách các Chính phủ phản ứng lại với dịch bệnh, thì “no mask, no fly” (tạm dịch: không đeo khẩu trang thì không được bay) là cách mà ngành du lịch nói chung và dịch vụ vận chuyển nói riêng chung tay góp phần ngăn chặn dịch bệnh.
Trường hợp tại Việt Nam, nếu như không mang khẩu trang, hành khách sử dụng bất kể phương tiện nào từ máy bay, xe khách đến tàu lửa đều được nhắc nhở và thậm chí từ chối phục vụ.
Du lịch sẽ tăng tốc khi dịch bệnh được khống chế
Điều này có nghĩa rằng trước tình hình dịch bệnh hiện nay, đeo khẩu trang tại nơi công cộng không phải là một hoạt động được khuyến khích mà là yếu tố bắt buộc đối với mỗi du khách khi di chuyển hay đi du lịch tại các quốc gia nhằm đảm bảo an toàn không chỉ cho bản thân du khách mà còn cho cả cộng đồng địa phương.
Bình thường mới (new normal)
Đây là một thuật ngữ được dùng nhiều nhất trong không chỉ ngành du lịch mà còn với rất nhiều ngành kinh tế khác trong năm 2020. Bình thường mới là kết quả của việc thay đổi hành vi và sinh hoạt của người dân và cả nền kinh tế nhằm thích nghi với tình hình mới của đại dịch và các chính sách kiểm soát dịch bệnh.
Sự ra đời của các biệt ngữ như Blursday (tạm dịch: việc mất nhận thức về ngày tháng khi ở nhà quá nhiều) và Hoffice (tạm dịch: làm việc tại nhà) mô tả sự thay đổi và kỳ lạ của bình thường mới.
Ngành du lịch cũng không ngoại lệ khi phải thay đổi để thích nghi với trạng thái mới của thế giới khi khả năng di chuyển bị hạn chế. Du khách thay đổi các hành vi du lịch như lựa chọn các điểm đến gần nơi ở nhằm giảm bớt khoảng cách di chuyển hay chọn cách du lịch tại chỗ để thỏa mãn nhu cầu du lịch nhưng vẫn đảm bảo được an toàn.
Trong những thay đổi này, có một số sẽ trở lại “bình thường” khi Covid-19 được kiểm soát và các quốc gia dỡ bỏ hạn chế của họ. Tuy nhiên một số thay đổi như dành thời gian ở nhà nhiều hơn và chú trọng vào các hoạt động giải trí tại gia sẽ mất thời gian lâu hơn để trở lại "bình thường".
Một số thay đổi như đi du lịch có trách nhiệm hơn không chỉ đối với môi trường mà còn đối với cộng đồng địa phương tại điểm đến sẽ trở thành một thói quen lâu dài của du khách sau dịch.
Bong bóng du lịch
Thuật ngữ này lần đầu tiên được New Zealand và Úc đưa ra vào đầu tháng 5/2020. Hiểu một cách đơn giản, bong bóng du lịch được thiết lập bằng việc tạo các hành lang du lịch thông qua các thỏa thuận độc quyền giữa các quốc gia hoặc địa phương đang ngăn chặn và kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 trong nước. Nhờ thỏa thuận này, cư dân có thể đi lại tự do giữa các nước mà không phải cách ly khi nhập cảnh.
Tuy hiện nay, việc thực hiện bong bóng du lịch tại châu Á cũng như các nước trên thế giới còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh đang bùng phát trở lại nhưng về lâu dài, bong bóng du lịch vẫn sẽ là một giải pháp đáng cân nhắc để tái mở cửa du lịch thế giới.
“Workation” (làm việc kết hợp với kỳ nghỉ)
Ranh giới giữa du lịch công vụ và du lịch giải trí tiếp tục mờ nhạt hơn với tốc độ bùng phát nhanh của đại dịch Covid-19 cũng như sự sắp xếp lại các ưu tiên trong các chuyến đi của du khách.
Trong năm 2020, các công ty lữ hành, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tung ra các gói ‘staycation’ (du lịch gần nhà) hay ‘workation’ đặc biệt kết hợp các biện pháp an toàn với giá hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch và giải quyết nhu cầu du lịch của du khách.
Xu hướng này được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng sau đại dịch, nhu cầu du lịch công vụ kết hợp giải trí sẽ trở lại mạnh mẽ hơn sau thời gian bị gián đoạn và dồn nén vì những chính sách giãn cách và đóng cửa biên giới.
Bên cạnh đó, những thay đổi để thích nghi và một trạng thái bình thường mới dần được thiết lập, bản chất công việc và cách thức vận hành cũng sẽ ít nhiều thay đổi cũng là những lý do xu hướng này sẽ còn tồn tại lâu sau đại dịch.
Không tiếp xúc
Trước đại dịch, du lịch là một ngành dịch vụ yêu cầu việc tiếp xúc xảy ra thường xuyên, thế nhưng Covid-19 đã bắt buộc mọi người hạn chế tiếp xúc. Đứng trước các yêu cầu mới này, các xu hướng về công nghệ hạn chế tiếp xúc chưa bao giờ được phát triển và áp dụng nhiều như lúc này trong ngành du lịch và dịch vụ.
Các công nghệ không chạm xuất hiện mọi nơi trong hành trình của du khách từ việc check-in để lên máy bay, đến việc nhận phòng khách sạn hay thanh toán các dịch vụ du lịch.
Có thể nói bên cạnh những tác động tiêu cực gây ra, Covid-19 đã góp phần không nhỏ vào việc rút ngắn thời gian chuyển đổi số trong ngành du lịch, từ ít nhất hàng năm như trước đây xuống chỉ còn một vài tháng để áp dụng công nghệ trong ngành như hiện tại.