Những phản ứng xung quanh chuyện bà Pelosi đến Đài Loan

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vừa kết thúc chuyến thăm Đài Loan kéo dài hơn 19 tiếng trong sự phản đối ngoại giao và nhiều động thái đáp trả cứng rắn từ phía Trung Quốc.

Chiều 3-8, phái đoàn nghị sĩ Mỹ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dẫn đầu rời Đài Loan, kết thúc chuyến thăm kéo dài 19 tiếng 20 phút ở hòn đảo này, theo kênh Channel News Asia.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (phải) tiếp đón Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) ở TP Đài Bắc (Đài Loan) ngày 3-8. Ảnh: AP

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (phải) tiếp đón Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (trái) ở TP Đài Bắc (Đài Loan) ngày 3-8. Ảnh: AP

Bà Pelosi đã làm gì ở Đài Loan?

Ngay khi đặt chân tới Đài Bắc tối 2-8, bà Pelosi đã có dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân chính thức, khẳng định chuyến thăm của bà “không hề mâu thuẫn với chính sách lâu đời của Mỹ, được hướng dẫn từ Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, Thông cáo chung Mỹ - Trung Quốc và Sáu đảm bảo”. Theo bà Pelosi, chuyến thăm thể hiện cam kết không lay chuyển của Mỹ trong ủng hộ thể chế chính trị của hòn đảo và thúc đẩy lợi ích chung, vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Sáng 3-8, bà Pelosi đến thăm Lập pháp viện Đài Loan và có cuộc thảo luận với Phó Viện trưởng Lập pháp viện Thái Kỳ Xương. Phát biểu tại Lập pháp viện Đài Loan, bà Pelosi khẳng định rằng Mỹ muốn tăng cường sự trao đổi giữa cơ quan lập pháp hai bên. Ông Thái Kỳ Xương nhận định bà Pelosi là “người bạn thực sự” của Đài Loan và bày tỏ sự cảm kích chân thành tới Quốc hội Mỹ vì “những hành động cụ thể” của cơ quan này trong việc hỗ trợ lãnh thổ này.

Bà Pelosi có cuộc gặp Chủ tịch Công ty Bán dẫn Đài Loan (TSMC) Mark Liu và thảo luận áp dụng Dự luật chip và khoa học được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành, theo đó Mỹ sẽ dành 52 tỉ USD hỗ trợ các nhà máy sản xuất chip nội địa và ở các quốc gia đồng minh, đối tác của Mỹ.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã có buổi tiếp bà Pelosi trong buổi sáng. Bà Pelosi khẳng định “Mỹ sẽ không từ bỏ cam kết với Đài Loan” và “tự hào vì tình bạn lâu dài của đôi bên”. Phần mình, bà Thái khẳng định rằng Đài Loan luôn là đối tác hợp tác đáng tin cậy của Mỹ, theo tờ Taiwan News. Trong cuộc gặp, bà Thái đã trao tặng huân chương Khanh Vân đặc biệt cho bà Pelosi.

Ngày 3-8, nhóm 26 nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ - nghị sĩ Mitch McConnell ra tuyên bố chung ủng hộ chuyến đi của bà Pelosi (là thành viên đảng Dân chủ), đồng thời khẳng định chuyến đi không vi phạm nguyên tắc “một TQ” và các cam kết của Mỹ với Đạo luật quan hệ Đài Loan, theo hãng tin AP.

Trung Quốc phản ứng mạnh

Từ khi chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan mới chỉ là đồn đoán, TQ đã có nhiều động thái cảnh cáo rắn và các động thái này càng tăng sau khi máy bay chở bà Pelosi hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc.

Không lâu sau khi bà Pelosi đến Đài Loan, Bộ Ngoại giao TQ triệu tập Đại sứ Mỹ Nicholas Burns phản đối mạnh, theo hãng tin Reuters. Bộ Ngoại giao TQ ra thông cáo chỉ trích rằng chuyến thăm của bà Pelosi “làm suy yếu hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan”.

Bên cạnh sự phản đối mạnh về ngoại giao, TQ cũng có hàng loạt động thái về quân sự. Sáng sớm 3-8, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết đã phát hiện 21 máy bay quân sự của TQ tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo, theo hãng tin Sputnik. Đài Loan đã phát cảnh báo vô tuyến và triển khai hệ thống phòng không, đồng thời điều các máy bay phản lực để đáp trả.

Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ quân đội TQ - đại tá Thi Nghị cho biết ngay từ tối 2-8 quân đội nước này bắt đầu loạt hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan. Hai trong những nội dung tập trận này là bắn đạn thật tầm xa ở eo biển Đài Loan và phóng thử tên lửa mang đầu đạn phi hạt nhân với mục tiêu được chỉ định đặt ở phía đông Đài Loan. Bộ Quốc phòng TQ thông báo sẽ tổ chức tập trận tại sáu khu vực xung quanh đảo Đài Loan từ ngày 4 đến 7-8.

Một động thái nữa từ TQ là trả đũa kinh tế Đài Loan khi thông báo bắt đầu tạm dừng nhập khẩu trái cây họ cam quýt, cá hố trắng và cá sòng đông lạnh của lãnh thổ này kể từ ngày 3-8. Cùng ngày, Bộ Thương mại TQ ra thông cáo về quyết định ngừng bán cát sang Đài Loan.

Trước đó, hôm 1-8, hải quan TQ mở rộng “danh sách đen” thương mại, bổ sung 3.000 sản phẩm thực phẩm (chủ yếu trong danh mục thủy sản, trà và mật ong) và hơn 100 nhà sản xuất thực phẩm từ Đài Loan.•

Tại sao việc bà Pelosi đến Đài Loan gây tranh cãi?

Nhìn chung, vấn đề Đài Loan luôn rất nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung và vì thế suốt nhiều thập niên qua các quan chức cấp cao của Mỹ ít khi thăm chính thức Đài Loan. TQ luôn phản ứng mạnh trước tất cả chuyến thăm viếng qua lại của quan chức Mỹ và Đài Loan từ trước đến nay.

Mỹ ban đầu công nhận Đài Loan nhưng đã thay đổi lập trường kể từ năm 1979 khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với TQ. Kể từ đó đến nay, quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan thường được nhắc đến trên cơ sở nguyên tắc “một TQ”. Các đời tổng thống Mỹ nhiều năm qua tránh tương tác trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan, kể cả qua điện đàm. Dù vậy, Mỹ vẫn cung cấp vũ khí cho Đài Loan, động thái khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng.

Lần gần nhất, một quan chức trong nhóm ba nhân vật quyền lực nhất bộ máy chính trị Mỹ (tổng thống, phó tổng thống, chủ tịch hạ viện) tới Đài Loan là vào năm 1997, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich tới hòn đảo. Do đó, tin tức bà Pelosi - nhân vật quyền lực thứ ba và đứng thứ hai trong danh sách kế vị tổng thống (sau phó tổng thống, theo Hiến pháp Mỹ) đến Đài Loan sau hơn 25 năm là rất đáng chú ý. Chưa kể, bà Pelosi trong sự nghiệp chính trị không ngại công khai quan điểm cứng rắn với TQ nên việc Bắc Kinh phản ứng dữ dội là chuyện rất dễ xảy ra.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-phan-ung-xung-quanh-chuyen-ba-pelosi-den-dai-loan-post692289.html