Những phát hiện mới về Cấm thành Hoa Lư
Nhằm tiếp tục thu thập tư liệu khoa học nghiên cứu về Cấm thành Hoa Lư ở thế kỷ thứ X, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và các đơn vị liên quan tiếp tục mở các hố khai quật khảo cổ tại một số địa điểm trong khu vực Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư. Bước đầu, công cuộc khai quật đã mở ra nhiều tín hiệu khả quan.
Hố khai quật với tổng diện tích 900 mét vuông, tại khu vực Cánh đồng Nội Trong, Cánh đồng Hang Trâu và Vườn Chùa Nhất Trụ.
Các nhà nghiên cứu và khảo cổ học đã mở 5 hố khai quật với tổng diện tích 900 mét vuông, tại khu vực Cánh đồng Nội Trong, Cánh đồng Hang Trâu và Vườn Chùa Nhất Trụ. Đây là những địa điểm đã được xác định có những tư liệu vật chất của các công trình kiến trúc cung điện, cùng các ngôi chùa và miếu thời Đinh - Tiền Lê thế kỷ thứ X.
Bước đầu, các nhà khảo cổ đã phát hiện các dấu tích quan trọng về địa tầng văn hóa, những di vật như sành, đất nung và đồ gốm men. Đặc biệt, là những cấu kiện bằng gỗ - hiện vật của các công trình kiến trúc cổ.
Khu vực Cấm thành là nơi ở của Hoàng gia đã dần phát lộ. Trong đó, cánh đồng Nội Trong được nhận định là khu vực Hậu Cung- nơi ở của hoàng thái hậu, hoàng hậu cùng các phi tần, cung nữ.
Tại đây, nhiều hiện vật như gạch, ngói có niên đại trước thế kỷ thứ X vẫn được nhà Đinh- Tiền Lê sử dụng xây dựng.
Trên cơ sở các tư liệu địa tầng, di tích và di vật thu được, các chuyên gia sẽ Scan 3D làm rõ các thông số kỹ thuật về vị trí phân bố, cũng như tổng thể khu vực khai quật....
Những hiện vật có giá trị lớn về mặt khoa học và lịch sử sẽ được thẩm định kỹ lưỡng, giải mã để làm rõ quy mô, mặt bằng phân bố kiến trúc, kỹ thuật xây dựng... của các công trình.
Kinh đô Hoa Lư có quy mô to lớn, lộng lẫy với bóng dáng của một đô thành quy hoạch hết sức nghiêm cẩn, đường nét cân đối, bài bản đang dần hiện ra qua các cuộc khai quật. Công tác nghiên cứu khảo cổ lần này tiếp tục góp thêm tư liệu làm rõ hơn giá trị lịch sử - văn hóa, vai trò và vị thế của vùng đất Hoa Lư trong lịch sử. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên đất Ninh Bình, tạo tiền đề khai thác di sản theo hướng bền vững.
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/nhung-phat-hien-moi-ve-cam-thanh-hoa-lu-674305.html