Những phát hiện thú vị về 'cộng đồng người cận giàu' tại Việt Nam
'Cộng đồng người cận giàu' là một thuật ngữ mới dùng để mô tả một tầng lớp xã hội rất mới, có thu nhập từ 22,5-60 triệu đồng/tháng, nằm giữa tầng lớp giàu có và tầng lớp trung lưu. Theo một nghiên cứu với 6 quốc gia Đông Nam Á, người cận giàu ở Việt Nam đứng đầu trong việc đầu tư học hỏi những điều mới, và họ luôn không ngừng thúc đẩy bản thân...
Những phát hiện thú vị này được các chuyên gia đến từ Việt Nam và Nhật Bản công bố tại Diễn đàn Hakuhodo Institute of Life and Living (HILL) 2024 với chủ đề “Cộng đồng người cận giàu”, tổ chức ngày 15.3.2024 tại TP.HCM. Diễn đàn hướng đến việc khai thác cuộc sống và các giá trị của Sei-katsu-sha (thuật ngữ Hakuhodo dùng để nói về con người toàn diện), cũng như khơi dậy những ý tưởng mà các doanh nghiệp có thể cung cấp cho tầng lớp còn mới mẻ trên thị trường này.
Theo đó, “cộng đồng người cận giàu” là một thuật ngữ mới dùng để mô tả một tầng lớp xã hội rất mới, nằm giữa tầng lớp giàu có và tầng lớp trung lưu. Đội ngũ HILL Việt Nam (thuộc công ty quảng cáo lớn thứ hai Nhật Bản Hakuhodo) nhận diện họ theo các tiêu chí: Những người có thu nhập hàng tháng từ 22,5 triệu đến 60 triệu đồng; Những người vươn lên từ tầng lớp trung lưu bằng chính nỗ lực của bản thân.
Các chuyên gia của HILL Việt Nam, đã thực hiện phiếu khảo sát với hàng trăm người tại Việt Nam, đồng thời thực hiện hàng chục cuộc phỏng vấn sâu để ghi nhận những đặc điểm nổi bật, riêng biệt của cộng đồng cộng đồng người cận giàu. Từ dự báo cho rằng dân số tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục tăng, HILL Việt Nam nhận định người cận giàu là một hình mẫu truyền cảm hứng cho những cá nhân thuộc tầng lớp này có khát khao trở nên giàu có hơn và luôn phấn đấu để cải thiện. Tuy khả năng chi trả cho cuộc sống của họ không giống như tầng lớp thượng lưu, nhưng lối sống của người cận giàu dường như dễ tiếp cận hơn. Nguồn cảm hứng của họ đến từ chính lối sống, sự lựa chọn thương hiệu và hành vi tiêu dùng của họ.
Để tìm hiểu sâu hơn về tầng lớp xã hội mới đang phát triển này, HILL Việt Nam đã làm sáng tỏ từ khóa "tự do" và sau quá trình nghiên cứu, kết quả đã hé mở những phát hiện thú vị về đặc điểm riêng biệt của cộng đồng người cận giàu tại Việt Nam.
Cụ thể, định nghĩa tự do thứ nhất ở nhóm người cận giàu là “có khả năng mở rộng cuộc sống và sự lựa chọn của mình bằng việc tích lũy kinh nghiệm và các kết nối”. Đối chiếu với kết quả một nghiên cứu với 6 quốc gia Đông Nam Á do HILL ASEAN thực hiện thì người cận giàu ở Việt Nam đứng đầu trong việc đầu tư học hỏi những điều mới, và họ luôn không ngừng thúc đẩy bản thân. "Mở rộng" là từ khóa miêu tả bản chất của họ khi họ liên tục theo đuổi sự phát triển cá nhân và tìm mọi cơ hội để đi du lịch và giao lưu bên cạnh việc phát triển các kỹ năng khác.
Đối với người cận giàu ở Việt Nam, tự do còn là “có đủ khả năng và tài chính để mang lại hạnh phúc cho những người thân yêu của họ”. Họ không chỉ thúc đẩy bản thân vì những mong muốn cá nhân mà gia đình cũng chính là động lực lớn để họ không ngừng tiến về phía trước. Họ luôn sẵn sàng chi trả cho ba mẹ - những người đã nuôi dạy họ, và việc học hành của con cái.
Cuối cùng, tự do đối với người cận giàu tại Việt Nam chính là “được công nhận sự tiến bộ ở hiện tại và tiềm năng trong tương lai”. So với giới thượng lưu, việc sử dụng các sản phẩm có thương hiệu phục vụ một mục đích khác cho người cận giàu. Các thương hiệu đóng vai trò mang lại “sự độc quyền” cho tầng lớp thượng lưu, nhằm phản ánh địa vị và tầm ảnh hưởng của họ trong cùng một vòng tròn xã hội. Họ tìm kiếm sự “xa xỉ cảm tính” để khiến họ trở nên đặc biệt khi sử dụng chúng. Ngược lại, người cận giàu tìm kiếm “sự uy tín” để thể hiện khả năng và kỹ năng cá nhân của họ. Thay vì chỉ đơn giản là thể hiện địa vị, họ còn mong muốn có được sự công nhận của xã hội về khả năng sở hữu các món đồ xa xỉ đó. Vì vậy, họ cần sự “xa xỉ lý tính” để đưa ra các lựa chọn mang tính chiến lược đối với các sản phẩm này.
HILL Việt Nam cũng đưa ra một cách khác để phân tích người cận giàu tại Việt Nam bằng cách so sánh nhóm này giữa Hà Nội và TP.HCM để khám phá sự khác biệt của họ tại mỗi thành phố và các yếu tố cơ bản tạo nên những sự khác biệt đó.
Dựa vào những luận điểm trên và kết quả nghiên cứu, HILL Việt Nam đã định danh người cận giàu tại Việt Nam là những người kiêu hãnh tìm kiếm sự tự do trong tâm trí. Họ tự hào rằng họ đã thành công đạt được “lối sống tự do của riêng mình” chính nhờ sự nỗ lực và niềm tin vào khả năng cũng như vận mệnh của bản thân. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tự hào về vị trí hiện tại và luôn sẵn sàng làm việc chăm chỉ để phát triển bản thân xa hơn nữa.
Cuối cùng, HILL Việt Nam còn chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về cách mà các thương hiệu có thể tiếp cận người cận giàu. Tập đoàn Hakuhodo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các thương hiệu để đề xuất các chiến lược đa dạng nhằm thực hiện những kế hoạch vượt kỳ vọng và tối đa hóa thông qua các hoạt động xây dựng thương hiệu.
Việt Nam có hơn 750 người siêu giàu
Theo số liệu từ Báo cáo Thịnh vượng do Knight Frank, tập đoàn tư vấn bất động sản độc lập hàng đầu thế giới, vừa công bố, số người siêu giàu ở Việt Nam, là những cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên được ước tính khoảng 752 vào năm 2023, tăng 2,4% so với năm trước đó.
Mức tăng này thấp hơn các nước láng giềng như Malaysia (4,3%), Indonesia (4,2%), và Singapore (4%), nhưng lại cao gấp ba lần Thái Lan với chỉ 0,8%.
Dự kiến đến năm 2028, dân số siêu giàu Việt Nam sẽ đạt 978, tăng khoảng 30% so với năm 2023 và nằm trong top 5 châu Á-Thái Bình Dương, dẫn trước Hàn Quốc, Hồng Kông, và Singapore.
Chỉ số đầu tư xa xỉ của Knight Frank (Knight Frank Luxury Investment Index – KFLII) theo dõi hiệu quả của mười hạng mục đầu tư xa xỉ phổ biến nhất, cho thấy mỹ thuật dẫn đầu với mức giá tăng 11% trong năm 2023.
Kế tiếp trong top 5 tăng giá là đồ trang sức (8%), đồng hồ (5%), tiền cổ (4%) và kim cương màu (2%).
Ngược lại, đứng chót bảng là rượu whisky hiếm (giá giảm 9%), trong khi xe cổ giảm giá 6% và rượu vang chỉ tăng có 1%.