Những phát minh cổ đại 'vượt ngoài tầm hiểu biết' của con người ngày nay
Nhiều phát minh thời cổ đại thậm chí còn sở hữu công thức bí ẩn, vượt xa khỏi tầm hiểu biết của hậu thế.
Ngay từ hàng nghìn năm trước, con người đã biết phát minh ra những phát minh hữu ích, không chỉ cải thiện đời sống mà thậm chí còn mang tính đột phá. Đến nay, dù rất cố gắng, nhưng nhiều phát minh cổ đại khiến con người hiện đại vẫn chưa thể lý giải.
1. Thủy tinh dẻo: Phát minh đi trước thời đại hàng nghìn năm
Thủy tinh dẻo được cho là một trong những phát minh đặc biệt thời cổ đại. Trên thực tế, có 3 truyền thuyết cổ đại về thủy tinh dẻo nhưng không đủ rõ ràng để xác thực.
Tuy nhiên, tương truyền thì thủy tinh dẻo được một người thợ vô danh ở Rome làm ra vào khoảng thế kỷ thứ I. Sau đó, người thợ đã dâng lên cho hoàng đế Tiberius (người trị vì từ năm 14-37) phát minh tuyệt vời của mình.
Để chứng minh cho nhà vua về tính chất đặc biệt của chiếc bình thủy tinh dẻo, ông đã thả rơi nó xuống đất. Nhưng kỳ lạ là chiếc bình không hề bị vỡ hay rạn nứt mà chỉ hơi méo một chút.
Đáng tiếc là hoàng đế Tiberius thấy vậy nên cho rằng loại thủy tinh này có thể sẽ làm mất đi giá trị của những kim loại quý, nên đã ra lệnh xử tử người thợ để bí mật về loại thủy tinh dẻo này không bao giờ lộ ra.
Vào năm 2012 (tức là hơn 2.000 năm sau), công ty sản xuất thủy tinh Corning giới thiệu loại thủy tinh dẻo "Wilow Glass" (tạm dịch là thủy tinh mềm như liễu) có khả năng chịu nhiệt và dẻo tới độ có thể cuộn lại.
Loại thủy tinh này rất hữu ích trong công nghệ chế tạo các tấm pin Mặt Trời. Nếu các truyền thuyết về người thợ La Mã sáng chế ra thủy tinh dẻo là đúng, thì người đàn ông này đã đi trước thời đại hàng nghìn năm.
2. Ngọn lửa Hy Lạp: Vũ khí hóa học bí ẩn
Trong các trận hải chiến, đội quân của đế chế Byzantime (thế kỷ 7-12) từng ném một chất bí ẩn vào kẻ địch khi giao chiến. Chất lỏng này được bắn ra từ các ống hoặc các xi-phông, cháy trong nước và chỉ có thể bị dập tắt bằng giấm, cát và nước tiểu.
Loại vũ khí hóa học độc đáo này được gọi là "ngọn lửa Hy Lạp". Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa biết được bí ẩn của nó.
Ngoài ra, do đế chế Byzantine bảo vệ bí mật về loại chất lỏng đặc biệt này rất nghiêm ngặt nên chỉ có rất ít người được tiếp cận. Chính vì vậy, thông tin bí ẩn về chúng cuối cùng sau này đã bị thất truyền hoàn toàn. Vũ khí này được coi là tiền thân của bom napalm ngày nay.
3. Thuốc giải "bách độc"
Loại thuốc giải này được cho là có khả năng hóa giải được mọi loại chất độc. Đây là phát minh của vua Mithridates VI ở xứ Pontus (người trị vì từ năm 120 - 63 TCN) và được một bác sĩ riêng của hoàng đế Nero hoàn thiện.
Do bị ám ảnh bởi cái chết của vua cha (Mithridates V) từng bị ám sát bằng thuốc độc, nên ông vua này đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để chế tạo thuốc giải và tiến hành nhiều thử nghiệm.
Adrienne Mayor, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và lịch sử khoa học tại ĐH Stanford, cho biết, đáng tiếc là công thức của loại thuốc giải này đã bị thất truyền.
Trước đó, một số sử gia cho rằng loại thuốc giải độc cổ đại này có thành phần gồm thuốc phiện, rắn hổ lục cắt nhỏ và sự kết hợp phù hợp giữa một lượng nhỏ các loại chất độc với thuốc giải khác.
Loại thuốc giải "bách độc" này có tên là Mithridatium, đặt theo tên của vị vua Mithridates VI.
Nhà nghiên cứu Mayor cho biết thêm, Serguei Popov, một nhà khoa học về vũ khí sinh học của Liên Xô cũng từng cố gắng chế tạo ra phiên bản thuốc giải "bách độc" thời hiện đại.
4. Thép Damascus: Công nghệ cổ đại nổi tiếng vùng Trung Đông
Damascus là một loại thép nổi tiếng thời Trung cổ ở vùng Trung Đông. Thép Damascus được dùng làm nguyên liệu để rèn các thanh kiếm. Ban đầu chúng được sản xuất từ nguyên liệu thô là thép Wootz của châu Á, chất lượng rất tốt.
Sau đó, đến thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, con người mới rèn lại được một loại thép mô phỏng khá giống, dù không thể có đầy đủ các tính chất của thép Damascus.
Thép Damascus được sử dụng lần đầu tiên là vào khoảng năm 300 TCN.
Tương truyền, những vũ khí được rèn từ thép Damascus đều vô cùng sắc bén và có chất lượng tốt nhưng công nghệ chế tạo loại thép đặc biệt này đã bị mai một từ thế kỷ 18.
Bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử để kiểm tra, chuyên gia khảo cổ học K.Kris Hirst cho biết, những người thợ ngày xưa đã ứng dụng công nghệ nano khi chế tạo thép Damascus.
Theo đó, vật liệu được đưa vào quá trình rèn thép để tạo ra những phản ứng hóa học ở cấp độ lượng tử.
5. Bê tông La Mã, tuổi thọ nghìn năm
Nhiều công trình kiến trúc tồn tại kéo dài hàng nghìn năm là minh chứng cho thấy những đặc tính ưu việt của bê tông La Mã so với bê tông ngày nay, vốn dễ bị xuống cấp chỉ sau 50 năm.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu để khám phá ra bí mật tuổi thọ của loại bê tông cổ xưa này. Theo đó, thành phần bí ẩn của loại bê tông La Mã là tro núi lửa.
Một báo cáo khoa học vào năm 2013 của ĐH California-Berkeley đã lần đầu mô tả về cách hợp chất siêu bền Canxi-Nhôm-Silicate-Hydrate (C-A-S-H) liên kết các vật liệu với nhau.
Các nhà nghiên cứu nhận định, quá trình chế tạo của bê tông La Mã tạo ra ít khí CO2 hơn so với bê tông hiện đại. Dù có tuổi thọ cao hơn, nhưng nhược điểm của chúng là lâu khô và khá yếu so với bê tông ngày nay.