Những phi công át chủ bài của Liên Xô khiến phát xít Đức khiếp sợ

Giữa bầu trời đầy khói đạn của Thế chiến II, khi chiến đấu cơ Spitfire và Mustang chiếm lĩnh các trang báo phương Tây, các phi công Liên Xô đang âm thầm viết lại quy tắc chiến tranh trên không tại Mặt trận phía Đông. Tên tuổi của họ có thể không quen thuộc với phương Tây, nhưng những chiến công của họ đã định hình kết quả cuộc chiến.

Sức mạnh của Không quân Liên Xô

Ivan Kozhedub (trái); Alexander Pokryshkin (giữa); Lydia Litvyak (phải). Ảnh: Wikipedia

Ivan Kozhedub (trái); Alexander Pokryshkin (giữa); Lydia Litvyak (phải). Ảnh: Wikipedia

Không quân Liên Xô, được gọi là Voyenno-Vozdushnye Sily (VVS), đóng vai trò then chốt trên Mặt trận phía Đông trong Thế chiến II. Lực lượng này giành được ưu thế trên không và góp phần quyết định vào đảo ngược cục diện chiến tranh có lợi cho phe Đồng minh, dẫn đến chiến thắng trước phát xít Đức.

VVS có đội hình máy bay đa dạng: từ tiêm kích nhanh nhẹn, máy bay ném bom, máy bay cường kích cho đến máy bay bổ nhào. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1944, Liên Xô sản xuất hơn 40.000 máy bay mỗi năm. Các phi công Liên Xô điều khiển đủ loại, từ máy bay bổ nhào, máy bay cường kích hạng nặng đến tiêm kích cơ động. Trong đó, nhiều chiếc do Liên Xô sản xuất trong nước, số khác được cung cấp qua chương trình Cho thuê – Cho vay.

Máy bay như Ilyushin Il-2 Shturmovik, biệt danh “Xe tăng bay”, trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến Liên Xô. Chiếc Lavochkin La-7 sánh ngang mọi tiêm kích động cơ piston của Đức. Trong khi đó, VVS tiến hành các cuộc không kích chiến lược, yểm trợ chiến dịch mặt đất và giữ vai trò then chốt trong các trận đánh lớn, từ phòng thủ Moskva đến bước ngoặt ở Stalingrad.

Nhưng phía sau những cỗ máy đó là những nam nữ phi công trẻ tuổi, đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, góp phần thay đổi cán cân không lực tại châu Âu.

Những át chủ bài trên không trong Thế chiến II

Phi công át chủ bài là danh hiệu dành cho phi công quân sự bắn rơi từ năm máy bay địch trở lên trong không chiến. Đây là khái niệm hình thành từ nửa sau Thế chiến I. Trong Thế chiến II, số máy bay bắn rơi dao động đáng kể tùy vào kỹ năng, tính năng máy bay, cơ hội nhiệm vụ và vai trò (dẫn đầu hay hộ tống) của phi công.

Đức có hơn 2.500 phi công át chủ bài – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, phần lớn là vì họ thường xuyên ở trong tình trạng bị áp đảo về số lượng. Các phi công Đức thường xuyên phải đối đầu với số lượng máy bay áp đảo từ phe Đồng minh, dẫn đến số lần xuất kích nhiều hơn. Có tới 103 phi công Đức bắn rơi từ trên 100 máy bay trở lên, trong đó hai người vượt mốc 300. Phi công có thành tích cao nhất trong lịch sử, Erich Alfred Hartmann, bắn hạ 352 máy bay địch khi điều khiển Messerschmitt Bf 109 – chiếc máy bay có số chiến thắng trên không nhiều nhất Thế chiến II.

Mỹ có 1.297 phi công át chủ bài, dẫn đầu là Richard Bong với 40 lần bắn hạ máy bay. Phi công Anh có 753 người đạt danh hiệu này; người có thành tích cao nhất của RAF bắn hạ 32 máy bay. Liên Xô có 221 phi công được công nhận là át chủ bài, tuy nhiên nhiều người trong số họ có số chiến công cá nhân cao hơn phi công ở các nước Đồng minh. Phi công phe Đồng minh có thành tích cao nhất toàn cuộc chiến là Ivan Nikitovich Kozhedub với 62 lần bắn hạ máy bay địch.

Ivan Kozhedub: Anh hùng bầu trời Liên Xô

Phi công quân sự ba lần là Anh hùng Liên Xô, Trung tướng Ivan Kozhedub sau chuyến bay. Ảnh: Sputnik

Phi công quân sự ba lần là Anh hùng Liên Xô, Trung tướng Ivan Kozhedub sau chuyến bay. Ảnh: Sputnik

Sinh ngày 8/6/1920 tại làng Obrazhiyivka (nay thuộc Ukraine), Ivan Kozhedub xuất thân nghèo khó. Tuổi thơ thiếu ăn và làm việc vất vả, ông tìm thấy cảm hứng từ các anh hùng hàng không Liên Xô như Valery Chkalov. Kozhedub gia nhập câu lạc bộ bay địa phương năm 1938 và thực hiện chuyến bay một mình đầu tiên vào năm 1939. Khi chiến tranh nổ ra, ông đang huấn luyện phi công mới nhưng quyết tâm được ra trận.

Tháng 3/1943, lúc đó mang hàm trung sĩ, ông gia nhập Trung đoàn Tiêm kích 240 – một trong những đơn vị đầu tiên được trang bị máy bay Lavochkin La-5. Trận không chiến đầu tiên diễn ra ngày 26/3, khi ông đối đầu với hai chiếc Bf 109 và hạ cánh an toàn dù máy bay hư hỏng nặng. Ông nhanh chóng chứng minh bản lĩnh tại Trận Kursk, bắn hạ nhiều máy bay Đức trong tháng 7. Đến 16/8, ông có tám chiến công; đến tháng 10, con số là 20.

Phong cách bay của ông kết hợp giữa táo bạo, chính xác và kỹ năng ngắm bắn điêu luyện. Chỉ trong 10 ngày tại Dnieper, ông hạ 11 máy bay địch. Ngày 4/2/1944, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô lần đầu. Tháng 5, với cấp bậc đại úy, ông chỉ huy một phi đội riêng và nhận được một chiếc La-5F đặc biệt do nông dân yêu nước tặng để tưởng nhớ một phi công hy sinh. Cuối năm đó, ông chuyển sang Mặt trận Belorussia số 1 và được trang bị chiếc La-7 White 27, rồi ông ghi thêm 17 chiến công.

Tổng cộng, ông thực hiện 330 nhiệm vụ, tham gia 120 trận không chiến và bắn rơi 62 máy bay – trở thành phi công át chủ bài hàng đầu của phe Đồng minh. Ông từng bắn hạ một chiếc Me 262 – tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới – bằng chiếc La-7 động cơ cánh quạt trong một pha đối đầu trực diện. Ông được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô ba lần.

Dù không được tham chiến tại Triều Tiên, nhưng ông chỉ huy Sư đoàn Tiêm kích 324, đơn vị đã bắn hạ 239 máy bay – bao gồm 12 pháo đài bay B-29. Ông được phong hàm Nguyên soái Không quân và giữ nhiều chức vụ cao cấp cho đến khi qua đời năm 1991. Năm 2020, Nga phát hành tem bưu chính tôn vinh ông và một trường đại học không quân tại Ukraine mang tên ông.

Alexander Pokryshkin: Chiến thuật gia bậc thầy và huyền thoại không chiến

Máy bay chiến đấu Kak-3 của không quân Liên Xô. Ảnh: Sputnik

Máy bay chiến đấu Kak-3 của không quân Liên Xô. Ảnh: Sputnik

Alexander Ivanovich Pokryshkin không chỉ nổi tiếng với thành tích chiến đấu mà còn nhờ những cải cách chiến thuật không chiến. Sinh ra tại Novonikolayevsk (nay là Novosibirsk), ông lớn lên trong gia cảnh nghèo khó nhưng hiếu học. Niềm đam mê hàng không đến xuất hiện khi ông 12 tuổi. Dù bị buộc học nghề cơ khí do trường bay đóng cửa, nhưng ông vẫn kiên trì và lấy bằng phi công năm 1939.

Triển khai gần tiền tuyến từ tháng 6/1941, kinh nghiệm trận đầu của ông là một thảm họa khi ông bắn nhầm một chiếc máy bay ném bom Liên Xô. Nhưng ông nhanh chóng chuộc lỗi, bắn hạ máy bay địch đầu tiên chỉ một ngày sau. Ông bắt đầu nghiên cứu kỹ lưỡng từng trận đánh, phát triển các chiến thuật mới và học hỏi từ thực tiễn. Ông từng nói: “Ai chưa từng bay vào năm 1941 hoặc 1942 thì chưa biết chiến tranh thực sự là gì”.

Pokryshkin ủng hộ mạnh mẽ các chiến thuật cơ động theo chiều thẳng đứng và tấn công tốc độ cao. Trong trận Kuban năm 1943, ông đưa ra nhiều chiến thuật tiên tiến như đội hình nhiều tầng, sử dụng radar và chỉ huy mặt đất. Khi điều khiển máy bay P-39 Airacobra do Mỹ sản xuất, ông bắn rơi 11 máy bay chỉ trong tháng 4/1943. Chỉ trong một tuần của tháng 5, ông hạ nhiều phi công át chủ bài lừng danh của Đức.

Ông là người Liên Xô đầu tiên ba lần được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô ngay trong chiến tranh. Được thăng hàm đại tá năm 1944, ông chỉ huy Sư đoàn Không quân Cận vệ số 9, dù bị hạn chế bay do danh tiếng quá lớn. Trong tổng số 65 chiến công được xác nhận, phần lớn diễn ra trong những năm đầu, khi tình hình cam go nhất.

Ông mất năm 1985, được đặt tên cho nhiều đường phố, trường học và nhà ga. Di sản của ông còn bao gồm sách, phim tài liệu và huân chương từ nước ngoài như Huân chương Phục vụ Xuất sắc của Mỹ và Virtuti Militari của Ba Lan.

Lydia Litvyak: Bông huệ trắng Stalingrad

Lydia Litvyak (phải). Ảnh: Global Look Press

Lydia Litvyak (phải). Ảnh: Global Look Press

Lydia Vladimirovna Litvyak, hay còn gọi là Lilya, đã phá vỡ mọi định kiến khi trở thành nữ phi công át chủ bài trong Thế chiến II. Sinh năm 1921 tại Moskva, cô đam mê hàng không từ nhỏ. Cô thực hiện chuyến bay một mình khi mới 15 tuổi. Khi Đức xâm lược Liên Xô, cô đã huấn luyện hàng chục phi công.

Ban đầu bị từ chối ra trận, cô khai man số giờ bay và gia nhập Trung đoàn Tiêm kích nữ 586 do nhà hàng không nổi tiếng Marina Raskova sáng lập. Sau đó, cô được chuyển sang đơn vị nam chiến đấu tại Stalingrad. Ngày 13/9/1942, cô ghi được hai chiến công đầu tiên khi bắn rơi một chiếc Ju 88 và một chiếc Bf 109. Chiếc Bf 109 do một phi công át chủ bài Đức điều khiển và người này sau đó không thể tin rằng mình bị một phụ nữ đánh bại.

Danh tiếng của Litvyak tăng vọt. Dũng cảm, tài năng và gan dạ, cô bay cùng các phi công giỏi nhất và được chọn tham gia các nhiệm vụ “thợ săn tự do”. Dù bị thương nhiều lần, nhưng cô từ chối rời trận tuyến. Tháng 5/1943, người yêu và đồng đội của cô, phi công Aleksey Solomatin, đã hy sinh trong một tai nạn huấn luyện. Đau đớn, cô lại càng chiến đấu dữ dội hơn.

Cô là người phụ nữ đầu tiên bắn hạ một khinh khí cầu trinh sát của Đức – một kỳ tích mà nhiều người không làm được. Đến tháng 7/1943, với vai trò chỉ huy phi đội, cô đã có bảng thành tích ấn tượng. Nhưng ngày 1/8, trong lần xuất kích thứ tư trong ngày gần Orel, cô bị phục kích và biến mất sau đám mây rồi không bao giờ trở lại. Khi đó, Lydia mới 21 tuổi.

Nhiều thập kỷ trôi qua, việc chưa tìm được thi thể khiến cô chưa được truy tặng danh hiệu. Năm 1979, vị trí rơi và hài cốt của cô mới được xác định. Năm 1990, Tổng thống Mikhail Gorbachev truy tặng cô danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Tổng số chiến công của cô có thể bao gồm bắn hạ 11 máy bay và một khinh khí cầu.

Với biệt danh "Bông huệ trắng Stalingrad", Litvyak vừa là chiến binh vừa là người mộng mơ. Cô nhuộm tóc vàng, may khăn từ dù và hái hoa trang trí buồng lái. Cô là biểu tượng bất diệt, truyền cảm hứng cho sách, phim và âm nhạc.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/nhung-phi-cong-at-chu-bai-cua-lien-xo-khien-phat-xit-duc-khiep-so-20250511222207750.htm