Những phiên tòa đậm dấu ấn cải cách tư pháp

Hạnh phúc nhất của người luật sư là được các cơ quan tố tụng xem xét, lắng nghe…, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của khách hàng.

Ngước nhìn tờ lịch công tác, đã đến ngày kỷ niệm truyền thống luật sư (LS) hằng năm. Vậy là tròn ba năm tôi được chuyển sang nghề LS, một lĩnh vực hoàn toàn độc lập trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý và chỉ có một mục tiêu duy nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Ngước nhìn tờ lịch công tác, đã đến ngày kỷ niệm truyền thống luật sư (LS) hằng năm. Vậy là tròn ba năm tôi được chuyển sang nghề LS, một lĩnh vực hoàn toàn độc lập trong hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý và chỉ có một mục tiêu duy nhất là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Tất nhiên, đã là LS thì còn phải có nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ khác đối với xã hội, với cộng đồng nghề nghiệp.

1.

Tôi đã trải nghiệm việc hành nghề LS với nhận thức thuận lợi về năng lực, nghiệp vụ bản thân nhưng cũng còn lắm chông gai, trở ngại từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, dư luận xã hội và có khi ngay cả chính những yêu cầu, kỳ vọng của khách hàng thân thiết.

Ba năm hành nghề LS, tôi đã tư vấn trực tiếp cho hàng trăm khách hàng trong giai đoạn tiền tố tụng, trong đó có nhiều khách hàng thoát khỏi sự lo lắng, uẩn ức vì sợ cưỡng chế của pháp luật. Họ đã rất vui và người LS cũng rất vui vì những lời tư vấn ân cần, sâu sát sự việc, đúng pháp luật đã giúp phần nào cho xã hội bớt đi những oan, sai.

Tôi cũng còn nhiều khách hàng phải đi tiếp vào vòng xoáy của tố tụng - bị khởi tố, bị bắt giam, điều tra… Bên cạnh thân phận bị can, bị cáo còn nhiều thân phận khác cũng cần có LS như bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án… Mỗi vụ án hình sự, mỗi thân phận khách hàng đều khác nhau, thậm chí đối lập nhau và yêu cầu của họ đối với LS khi ký kết hợp đồng dịch vụ cũng khác nhau rất nhiều.

Hạnh phúc nhất của người LS khi tham gia tố tụng là được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, lắng nghe; không phải vụ nào kết quả cũng như mong đợi nhưng sự xem xét, lắng nghe đầy đủ các yêu cầu (hợp pháp) của LS cũng có thể chỉ ra thắng lợi của cải cách tư pháp.

Mặc dù đây đó còn những phàn nàn, chê trách về hoạt động tố tụng của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nhưng với xu thế hiện tại, tôi tin rằng mọi việc sẽ hoàn thiện hơn, chuẩn mực hơn theo nguyên tắc “vì quyền con người, quyền công dân”.

Luật sư Vũ Phi Long (thứ hai từ phải) cùng đồng nghiệp tại một phiên xử mới đây. Ảnh: B.PL

Luật sư Vũ Phi Long (thứ hai từ phải) cùng đồng nghiệp tại một phiên xử mới đây. Ảnh: B.PL

2.

Từ trải nghiệm hành nghề LS, tôi có sự may mắn khi được làm việc với các điều tra viên, kiểm sát viên có tâm, có tầm. Từ việc thông báo bào chữa đến các hoạt động điều tra, hỏi cung, gặp riêng bị can, bị cáo… đều chuẩn mực, đúng tố tụng. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho LS làm hết trách nhiệm, nghĩa vụ đối với khách hàng. Ước mong sự tôn trọng pháp luật tố tụng này từ phía cơ quan điều tra, VKS được lan tỏa nhiều hơn trong các cơ quan tiến hành tố tụng.

Và cũng thật sự may mắn cho tôi khi được tham gia tố tụng tại nhiều phiên tòa có không gian cải cách tư pháp thật sự. Ở đó, HĐXX, kiểm sát viên đều thể hiện trách nhiệm cao khi nghe những lời bào chữa (hoặc lời bảo vệ) của LS trình bày; có đối đáp, tranh luận cụ thể từng vấn đề; bản án tuyên khá thuyết phục khi có phân tích chấp nhận hoặc không chấp nhận luận cứ của LS.

Như phần trên tôi đã nói, những lý lẽ của LS nêu ra tại phiên tòa không nhất thiết phải là đúng nhưng nếu được tranh luận, đối đáp và bản án chỉ ra được những luận điểm không có căn cứ, không chấp nhận thì người LS (và cả khách hàng) đều tâm phục, khẩu phục.

Một lần nữa, mong rằng hệ thống TAND có thêm được nhiều và thật nhiều các phiên tòa mang đậm dấu ấn cải cách tư pháp như tôi đã may mắn được tham gia nói trên.

3.

Ngày 10-10 hằng năm, kỷ niệm ngày truyền thống LS, tôi suy nghĩ nhiều về một số tòa đã buộc (và áp giải) LS ra khỏi phiên tòa. Việc đúng hoặc sai khi chủ tọa phiên tòa ra lệnh… tôi không bàn đến nhưng việc này đã làm giảm uy tín của LS và gây ra những phản ứng tiêu cực từ công luận.

Theo tố tụng thì chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu LS rời khỏi phòng xử bằng lời nói và ngay tại chỗ. Tôi đề xuất TAND Tối cao có thể hướng dẫn thêm là trước khi ra lệnh buộc LS rời khỏi phòng xử thì chủ tọa phiên tòa cần hỏi (công khai) ý kiến của đại diện VKS. Sau đó HĐXX vào phòng nghị án để thảo luận về quyết định có ra lệnh buộc LS rời khỏi phòng xử hay không.

Tất cả việc hỏi ý kiến đại diện VKS đến khi vào phòng nghị án chỉ mất khoảng 5 phút nhưng tôi tin rằng 5 phút đó sẽ có giá trị vô cùng thay cho ý kiến chủ quan của chủ tọa phiên tòa.

Luật sư VŨ PHI LONG, nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/nhung-phien-toa-dam-dau-an-cai-cach-tu-phap-943041.html