Những phim hoạt hình không tuổi và sức ép của thời gian
Có nhiều loạt phim tồn tại rất lâu với nhiều phần và phiên bản khác nhau. Ở thể loại hoạt hình, việc các bộ phim tồn tại và vẫn thành công sau hơn ba phần còn khá hiếm hoi.
Thế giới điện ảnh không hiếm những loạt phim nhiều phần kéo dài hàng chục năm, khi nhân vật và câu chuyện vẫn còn tạo cảm hứng, phim có thể tiếp tục được sản xuất mặc cho những thay đổi về nhân sự và phong cách thực hiện. Đó là những thương hiệu như 007 vẫn được sản xuất từ 1962 đến nay hay Batman đã được chuyển thể thành phim liên tục suốt 74 năm.
Tuy nhiên, ở phim người đóng, yếu tố diễn viên tác động rất nhiều đến việc thực hiện các phần phim sau. Như Hugh Jackman đã trở thành biểu tượng khi gắn liền với vai diễn Wolverine trong suốt 17 năm liền, và sự thành công của anh sẽ gây khó khăn cho việc một diễn viên nào đó trong tương lai thủ vai này.
Hay series Harry Potter sẽ là một thách thức cho nhà sản xuất nào muốn làm lại để thoát khỏi cái bóng quá lớn từ phiên bản đầu tiên, với sự thể hiện tuyệt vời của Daniel Radcliffe hay Emma Watson.
Tuy nhiên trong thế giới phim hoạt hình, rào cản tuổi tác hay việc khác biệt về diễn viên có thể bị xóa bỏ. Các phần sau vẫn có thể dùng lại những nhân vật cũ và tự do hơn trong lựa chọn chủ đề, bất kể bao nhiêu năm đã trôi qua. Thế nhưng, phim hoạt hình vẫn có những hạn chế nhất định khi thực hiện các phần tiếp theo.
Cản trở về kỹ thuật
Các nhân vật hoạt hình được thực hiện bằng đồ họa máy tính, với toàn bộ các thiết kế về khung xương, mô phỏng chất liệu, đến các điều khiển diễn hoạt nhân vật đều nằm trên máy chủ. Thế nên sức mạnh của thời gian thật sự gây khó khăn đến chính những người đã làm phần đầu và có dự định làm phần tiếp theo.
Trở ngại đầu tiên chắc chắn là về vấn đề kỹ thuật. Vì trong lịch sử hoạt hình, hiếm khi xảy ra trường hợp nhượng quyền bất kỳ bộ phim hoạt hình nào, ngoài trừ việc studio bị mua lại. Hơn nữa, phim hoạt hình sẽ không bao giờ thay đổi ngoại hình nhân vật.
Ở hoạt hình, nhân vật và phối cảnh vẫn được giữ nguyên sau nhiều năm, và có thể được giữ mãi mãi bất chấp thời gian, cùng với kỹ thuật làm phim liên tục phát triển. Từ đó tạo ra sức ép rất lớn với những người làm phim để ra được những sản phẩm đột phá dựa trên hôn 50% những cái cũ, cản trở sự mở rộng và thử nghiệm nhiều phong cách khác nhau.
Ngược lại, ở phim điện ảnh 007 có thể qua tay 11 đạo diễn cùng 7 diễn viên khác nhau thủ vai điệp viên James Bond. Điều này tạo ra sự mới mẻ, bất ngờ với từng lối diễn xuất, ngoại hình khác nhau.
Hay thương hiệu Batman đã có 20 nhà sản xuất thay phiên nhau từ năm 1943, với đủ loại tính cách khác nhau của Người Dơi khiến khán giả thích thú.
Thực tế, Toy Story 3 ra mắt năm 2010 đã phải đối mặt với vấn đề kỹ thuật này. Khi các nhà làm phim mở lại các tệp tin cũ của phần 1 (1995) và phần 2 (1999), toàn bộ các nhân vật và cảnh nền đều bị báo lỗi.
Các hình ảnh đồ họa này đã trải qua suốt 10 năm, trước khi Disney mua lại Pixar và tất nhiên nó khó lòng tồn tại mãi mãi. Lee Unkrich, John Lasseter và các cộng sự quyết định làm lại toàn bộ thế giới của Toy Story, từ những “người cũ” như Woody, Buzz Lightyear đến những nhân vật mới. Cũng chính điều này đã khiến các nhà sản xuất mất hơn 4 năm mới có thể cho ra đời phần hai.
Ngoài ra, nói đến những bộ phim hoạt hình không tuổi không thể không kể đến Shrek của hãng Dreamworks. Bộ phim đầu tiên ra mắt năm 2002 đã tạo ra cơn sốt phòng vé với 484,4 triệu USD doanh thu, thắng lớn khi so với chi phí sản xuất 60 triệu USD. Bốn tập phim lần lượt được ra mắt suốt 10 năm tiếp theo, trải qua 3 đời đạo diễn, chưa kể một phim khác cũng lấy nhân vật từ Shrek là Push in Boots.
Thế nhưng việc Dreamworks về tay NBC Universal trong năm 2016 đã đặt câu hỏi lớn về số phận của những series nổi tiếng của hãng này. Tuy nhiên ngay sau đó, lãnh đạo Dreamworks đã xác nhận rằng Shrek 5 vẫn sẽ được sản xuất sau 6 năm cùng với phần 4 của loạt phim Madagascar 4 (2018).
Tuy nhiên, sự kỳ vọng của khán giả dành cho phần tiếp theo của Shrek hay Madagscar không thật sự cao, vì dù sao cả nhân vật và câu chuyện này đều đã có phần nhàm chán.
Từ đó, có thể thấy khác với phim điện ảnh người đóng, quá trình sản xuất phim hoạt hình có thể mất thời gian lâu hơn, thường kéo dài từ 3-4 năm để cho ra phần tiếp theo. Và trong khoảng thời gian dài đó, thị trường phim ảnh cũng như các công nghệ kỹ thuật đã thay đổi.
Khán giả ai rồi cũng lớn
10 năm, 15 năm, thậm chí 20 năm là một khoảng thời gian dài với bất kỳ khán giả nào. Một đứa trẻ khi lớn lên hoàn toàn có thể không thích xem hoạt hình nữa hoặc đơn giản là không thích nội dung hay nhân vật đó nữa dù chưa cần biết bộ phim đó có hay hay không. Đứng trước sự thay đổi mang tính tất yếu, các hãng phim chọn những cách giải quyết khác nhau.
Pixar studio lựa chọn việc vẫn trung thành với những khán giả đầu tiên của mình. Toy Story, bộ phim tiên phong của hoạt hình 3D được ra mắt vào năm 1995, với doanh thu 373 triệu USD và 494 triệu đô với phần 2 vào 1999 đã được làm phần tiếp theo sau…10 năm.
Vẫn những nhà làm phim của bộ phim cũ, họ đã quyết định làm một phần phim mới hướng tới những đứa trẻ của 15 năm trước. Câu chuyện vẫn giữ nguyên nét hành động mạnh mẽ vốn có của phần đầu, đủ sức thu hút các khán giả mới, nhưng phần 3 vẫn nhắc về câu chuyện cũ với Andy đã lớn, đã qua thời chơi đồ chơi và phải nói lời chia tay với Woody, Buzz, khủng long Rex hay vợ chồng Khoai tây.
Bộ phim có thể xem như một lời nhắn với những đứa con nít năm nào nay đã lớn, có thể đã dẫn con của mình xem những nhân vật gắn bó với bố mẹ nó từ thuở nhỏ. Toy Story 3 thắng lớn từ doanh thu đến những giải thưởng danh giá, với 4 giải Oscar và là phim thứ 3 trong 5 phim hoạt hình có doanh thu 1 tỷ đô la trong lịch sử.
Và hiện tại, các nhà sản xuất Pixar tiếp tục nuôi tham vọng đưa “đứa con cưng” của mình trở lại một lần nữa khi thông báo sẽ ra mắt phần 4 vào năm 2019, sau 24 năm kể từ phần phim đầu tiên. Nhưng liệu khi đã đạt đến đỉnh cao cảm xúc ở Toy Story 3, câu chuyện của những món đồ chơi có còn đủ sức chinh phục khán giả?
Hay với Cars 3 mới đây, Pixar vẫn giữ nguyên vẹn phong cách làm phim đã áp dựng từ hai phần phim trước đó. Bộ phim trở về đúng với khoảng thời gian 11 năm sau câu chuyện đầu tiên, Lightning McQueen lúc này đã sắp qua thời đỉnh cao, và phải chứng kiến một thế hệ mới đang hình thành. Những khán giả từng coi McQueen 11 năm trước có lẽ sẽ cảm thấy thỏa mãn và đồng cảm.
Bộ phim khá già dặn và đầy những tình tiết gợi nhớ về bộ phim cũ khiến các khán giả mới khó tiếp cận hơn, Nhưng Cars 3 vẫn nhận được nhiều phê bình tích cực với 68% điểm từ Rotten Tomatoes và điểm 7.1 của IMDb.
Ngược lại, một số hãng hoạt hình khác lại chọn cách thay đổi hoàn toàn, không lưu luyến gì phần phim cũ, đẩy nhân vật mình trong những chuyến phiêu lưu mới.
Cách làm này có thể không tạo được những cảm xúc hoài niệm mạnh mẽ hoặc sẽ gây nhàm chán cho khán giả cũ, nhưng sẽ đảm bảo rằng những khán giả nhí khác có thể tiếp cận bộ phim dễ dàng hơn. Họ không cần phải xem những phần phim trước đó mới có thể hiểu câu chuyện mới.
Một ví dụ tiêu biểu cho cách làm này là series Shrek. Khi từ câu chuyện gốc là gã yêu tinh Shrek đi cứu công chúa đã trở thành câu chuyện xoay quanh gia đình, con cái, họ hàng khi hai người chung sống với nhau.
Phần phim mới mang tên Sherk Forever After (2010) đã thành công vang dội tại phòng vé với 752 triệu USD doanh thu, mặc dù chỉ nhận số điểm trung bình khá từ các nhà phê bình.
Dù có số lượng khán giả giảm đáng kể qua từng phần, Shrek vẫn là thương hiệu được khán giả quốc tế ưa thích. Bốn tập phim ra đời trong 10 năm đã giúp ê-kíp sản xuất thu về gần 3 tỷ USD. Như thế đã đủ để các nhà làm phim tự tin với phần 5 sẽ ra mắt trong vài năm tới.
Tuy nhiên không phải phim nào làm theo cách này cũng gặt hái thành công. Ice Age do Blue Sky Studios sản xuất là loạt phim đình đám từ 2002. Phim có 5 phần kéo dài đến năm 2012, với 2 phần có doanh thu hơn 800 triệu USD cùng loạt phim truyền hình và nhiều tựa trò chơi điện tử ăn theo.
Mặc dù là thương hiệu đình đám, nhưng Blue Sky Studios đã chứng tỏ mình chỉ “cố đấm ăn xôi” khi làm tiếp phần 5 Collision Course. Danh tiếng của Ice Age đảm bảo bộ phim vẫn đạt doanh thu hơn 400 triệu USD, nhưng phần 5 phải hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích từ các nhà phê bình, trang Rotten Tomatoes cho rằng phim đã “tuyệt chủng sáng tạo”.
Còn Los Angeles Times thẳng thắn nói phim “chỉ đáng phát hành trên video gia đình”. Thực tế, việc một series thành công không bao giờ đảm bảo những bộ phim tiếp theo sẽ thành công, mà đôi khi chính vì sức mạnh của những phim trước khiến ý tưởng càng về sau càng đi vào ngõ cụt.
Suốt hơn 20 năm lịch sử hoạt hình 3D, có những nhân vật đã trở thành tượng đài qua nhiều thế hệ trẻ con lẫn người lớn. Woody, Buzz Lightyear, Potato Head, Lightning Mc Queen, Nemo, Sulli, Boo, Shrek, Nanny, Diego... đều đã trở thành những nhân vật không tuổi, tồn tại hàng chục năm và chứng kiến những đứa trẻ năm nào trở thành các ông bố, bà mẹ, để rồi tiếp tục nuôi dưỡng mơ mộng của những đứa con của họ.